Hạn chót để TikTok tìm người mua tại Mỹ nếu không muốn bị cấm là 19/1. Tòa án Tối cao báo hiệu sẽ không phản đối luật cấm TikTok. Nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump không đảo ngược chính sách hoặc ByteDance không bán cổ phần trong TikTok, TikTok sẽ bị cấm.

Trong khi ứng dụng video ngắn trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, các mạng xã hội đồng hương lại được hưởng lợi. Xiaohongshu được xem là Instagram của Trung Quốc, kết hợp cả ảnh, video và cập nhật cuộc sống.

Tuần này, nó trở thành ứng dụng miễn phí được tải nhiều nhất trên iOS và lần đầu tiên lọt top 10 chợ Google Play tại Mỹ. Nhiều người dùng tự nhận là “người tị nạn TikTok” (TikTok refugee) khi tham gia Xiaohongshu.

Ra đời năm 2013 tại Thượng Hải, Xiaohongshu được cộng đồng nói tiếng Trung ở nước ngoài sử dụng rộng rãi. Nó cũng có phiên bản tiếng Anh.

Sự phổ biến của Xiaohongshu trong thị trường mạng xã hội là động lực cho sự xuất hiện của nhiều ứng dụng tương tự, một trong số đó là Lemon8 của ByteDance.

Theo dữ liệu của công ty phân tích Sensor Tower, lượt tải Lemon8 trên cả iOS và Android tăng gấp ba vào tuần trước. Ngày 13/1, có lúc nó đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng iPhone miễn phí.

Trên WeChat, Giám đốc Allen Zhu của hãng đầu tư mạo hiểm GSR nhận định: “Những người hưởng lợi từ lệnh cấm TikTok vẫn là các ứng dụng của Trung Quốc”. Ông đăng kèm ảnh chụp màn hình bảng lượt tải App Store Mỹ.

Luồng nội dung tiếng Anh và người dùng mới đã đổ bộ Xiaohongshu. Hashtag #titktokrefugee thu hút hơn 25 triệu lượt xem. Trong một video phổ biến, một nhà sáng tạo kêu gọi tất cả TikToker chuyển sdang Xiaohongshu.

Cùng với ByteDance, Xiaohongshu nằm trong số ít kỳ lân công nghệ Trung Quốc chưa lên sàn chứng khoán. Với sự hậu thuẫn từ Alibaba và Hongshan, ứng dụng trên đà tăng gấp đôi lợi nhuận ròng, lên hơn 1 tỷ USD năm 2024.

(Theo Bloomberg)