Ông Võ Trọng Phú - Phó GĐ Sở TT&TT tỉnh Nghệ An cho biết, theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, kế hoạch tắt sóng 2G từ năm 2023 đến tháng 9/2024, cơ quan này đã gửi văn bản đến các địa phương, doanh nghiệp viễn thông di động nhằm phổ biến thông tin về lộ trình dừng công nghệ 2G, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh. 

Trong Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021- 2023, tầm nhìn đến năm 2050, đưa ra định hướng về phát triển hạ tầng viễn thông, trong đó yêu cầu thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ, thực hiện chương trình “mỗi người dân một máy điện thoại thông minh”.

Theo ông Phú, sóng 2G là mạng viễn thông di động thế hệ thứ 2, chuyển trạng thái từ gọi cố định sang gọi điện thoại di động từ năm 1993. Thời điểm đó là một bước ngoặt lịch sử trong ngành Viễn thông Việt Nam. 

Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng sóng 2G phát sinh các hạn chế, cụ thể như: Chỉ truyền tải âm thanh, không thực hiện truyền tải hình ảnh. Đây là hạn chế của sóng 2G để nhà mạng phát triển sóng 3G, 4G và áp dụng sóng 5G.

Trên đia bàn tỉnh Nghệ An có 8.188 trạm phát sóng di động mặt đất từ sóng 2G đến 4G. Trong đó có 2.477 trạm phát sóng 2G, phủ sóng 98% diện tích đất Nghệ An. Do vậy còn có 2% diện tích đất chưa được phủ sóng điện thoại di động. 

Phó GĐ Sở TT&TT Nghệ An cho biết, nhà mạng Viettel có 1.200 trạm phát sóng 2G, dự kiến tắt toàn bộ sóng trong năm 2024 và tắt dần theo từng tháng. 

Nhà mạng MobiFone có 525 trạm 2G, đến nay đã tắt 164 trạm, số còn lại trong năm 2024 tắt thêm 161 trạm và 200 trạm sẽ tắt trong năm 2025. 

Tọa đàm tắt sóng 2G.jpg
Một số dòng điện thoại 2G phổ biến trên thị trường. Ảnh: Xuân T.Đ

“Sóng 2G đang được sử dụng nhiều trong bộ đàm liên lạc của nhiều hãng taxi. Do đó, buộc phải có lộ trình tắt sóng để doanh nghiệp có kế hoạch chuyển đổi và bắt nhịp sóng 4G hay 5G”, ông Phú nói.

Trên địa bàn tỉnh có 150 trạm phát sóng 2G của VietNammobile, hiện doanh nghiệp đang có lộ trình tắt hết trong năm 2024. 

Riêng doanh nghiệp VinaPhone có 668 trạm phát sóng 2G, mới tắt sóng 12 trạm. Sắp tới nhà mạng này tiến hành theo dõi, tắt dần theo chỉ đạo của Bộ TT&TT. 

“Nhiều trạm không phát sinh cuộc gọi, đồng nghĩa với sản lượng khai thác dịch vụ nhỏ hơn 5%. Sắp tới sẽ áp dụng tắt trong 1 tuần nếu không có người khiếu nại thì sẽ tắt cột sóng 2G ở từng địa phương khác nhau”, ông Phú cho hay.

Theo ông Phú, những người đang sử dụng thiết bị điện thoại 2G Only sẽ phải dừng. Mục đích của việc dừng này là để sớm thay thế thiết bị nghe gọi. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang đưa ra chiến dịch tuyên truyền đổi thiết bị điện thoại di động sử dụng 2G sang 4G. Hỗ trợ tối đa để người dân đổi được điện thoại thông minh và trả góp. Mỗi người dân chỉ cần khoảng 300 nghìn đồng có thể mua được điện thoại sử dụng sóng 3G hay 4G.

“Để chuyển đổi từ 2G sang 4G trạm phát sóng sẽ tăng lên. Chỉ riêng trong năm 2024 và 2025 cần xây dựng thêm 700 trạm mới. Mặc dù UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông thụ động. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp triển khai đang gặp một số khó khăn như: chưa nhận được sự ủng hộ của người dân trên địa bàn vì lo ngại ảnh hưởng sóng điện từ. Do vậy, đề nghị các cấp chính quyền ở Nghệ An cần tuyên truyền, có chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng hạ tầng phục vụ người sử dụng”, ông Phú thông tin.

Dự kiến, trong năm 2025 tỉnh Nghệ An sẽ phủ sóng 100% diện tích đối với điện thoại từ 3G đến 5G.