Đuông dừa thuộc họ vòi voi và bộ cánh cứng. Đây là một trong những loại côn trùng gây hại phổ biến và khó phòng trừ trên các vườn dừa. 

Báo Điện tử Phụ Nữ TP.HCM cho biết, đuông dừa thường gây hại bằng cách đẻ trứng vào lỗ kiến vương đã đục, trứng nở ra sâu non phá hại tàu hủ (là phần non nằm trên ngọn của thân cây dừa), xâm nhập ở đọt và ăn dần xuống thân dừa. Cho nên, đuông dừa là loài dịch hại nguy hiểm nhất đối với cây dừa. Loại côn trùng này có thể phá hoại hàng trăm hecta dừa trong một năm.

Do đuông dừa là sinh vật gây hại với cây dừa nên việc nuôi và buôn bán đuông dừa bị nghiêm cấm. Đuông dừa cũng là đối tượng kiểm dịch thực vật nghiêm ngặt. 

duong dua 1.jpg
Đuông dừa được rao bán công khai trên chợ mạng bất chấp lệnh cấm. Ảnh: Facebook

Theo Nghị định 07 năm 2022 của Chính phủ, hành vi nhân nuôi, phát tán, kinh doanh đuông dừa sẽ bị phạt tiền từ 3-12 triệu đồng.

Thực tế, có trường hợp đã bị xử phạt vì bán đuông dừa.

Theo Báo Lao Động, vào tháng 7 năm 2016, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật - Sở NN-PTNT Bến Tre đã xử phạt 6 triệu đồng đối với ông Phạm Thế Hiền, chủ một vườn ẩm thực ở xã Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre) vì có hành vi bán món ăn là đuông dừa cho thực khách. Chủ địa điểm ăn uống này cho biết nguồn đuông dừa là do dân địa phương cung cấp và nhà hàng bán lại cho thực khách với giá 10.000 đồng/con.

Ngoài mức xử phạt trên, Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre còn buộc ông Hiền phải ký vào bản cam kết không kinh doanh, buôn bán món đuông dừa. 

Đây là trường hợp đầu tiên tại Bến Tre bị xử phạt về hành vi kinh doanh, phát tán đuông dừa theo Khoản 5, Điều 19 Nghị định 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. 

Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất của cả nước với trên 67.000ha. Để góp phần bảo vệ diện tích vườn dừa không bị đuông dừa gây hại đến diện tích vườn dừa trong tỉnh, UBND tỉnh Bến Tre đã có chỉ thị về việc nghiêm cấm nhân, nuôi, phát tán đuông dừa.

Nhưng vì lợi nhuận, một số hộ gia đình vẫn nuôi đuông dừa. Thậm chí, loài dịch hại nguy hiểm này còn được hô biến thành các món ăn cao cấp tại nhà hàng.

Theo Báo Điện tử Phụ Nữ TP.HCM, người dân xứ dừa Bến Tre đều biết đuông dừa là một trong các loài làm dừa chết nhanh nhất. Tuy nhiên, người dân nơi đây bất chấp việc cấm nuôi sinh vật gây hại này vẫn lén lút nuôi đuông dừa để bán cho các nhà hàng, thực khách vì giá rất cao, luôn hút hàng. 

Đuông dừa thường được nuôi trong thùng nhựa, thức ăn là thân, lá dừa được máy xay nhuyễn bỏ vào. Rất khó phân biệt được đuông dừa tự nhiên và đuông dừa nuôi vì chúng có đặc điểm khá giống nhau và được nuôi trong môi trường cùng nguồn thức ăn như nhau.

Hiện nay, trên thị trường, đuông dừa vẫn được rao bán công khai. Chỉ cần gõ cụm từ “đuông dừa” trên mạng xã hội, sẽ hiện ra hàng loạt hội, nhóm, bài đăng rao bán đuông dừa, giá chỉ từ 3.000-6.000 đồng/con.

Theo người bán, ngoài ăn sống đuông dừa còn được chế biến thành nhiều món ăn ngon như rang lá chanh hay nướng... 

Các chuyên gia cho hay, đuông dừa là một loại ấu trùng có nhiều chất dinh dưỡng nhưng cũng chứa chất gây dị ứng ở một số người có cơ địa không hợp với một chất nào đó có trong con vật này.