Lý do là đến nay Bộ Công Thương vẫn chưa nhận được báo cáo kiểm toán độc lập chuyên đề về quỹ bình ổn giá của kỳ báo cáo ngày 15/2/2024 được tổng hợp từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2023 của 11 doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp bị điểm tên gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức; Công ty cổ phần thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn; Công ty TNHH xăng dầu Hồng Đức; Công ty cổ phần Tập đoàn Dương Đông; Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam S.W.P; Công ty cổ phần xăng dầu Tân Nhật Minh; Công ty TNHH Trung Linh Phát; Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh; Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu; Công ty cổ phần Appollo Oil.
Trong văn bản gửi đến các thương nhân, Bộ Công Thương nêu rõ, trường hợp báo cáo chậm hoặc không gửi báo cáo sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành quy định liên quan về Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG); Cũng như việc tuân thủ triển khai Kết luận số 1061/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ.
Cùng với đó, các thương nhân đầu mối xăng dầu cũng được đề nghị phải nghiêm túc báo cáo và thực hiện trích lập, chi sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu.
Bộ Công Thương cho hay sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan có thẩm quyền khác xem xét, xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm về trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định.
Trước đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý xăng dầu công bố ngày 4/1/2024 đã chỉ ra việc áp dụng biện pháp lập Quỹ bình ổn giá thường xuyên, liên tục, chưa theo Luật Giá; cơ quan quản lý Quỹ BOG còn đùn đẩy trách nhiệm; thiếu quy định, quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp (Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương) trong việc quản lý Quỹ BOG, kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối thực hiện các quy định pháp luật đối với Quỹ BOG, việc quản lý Quỹ BOG chưa đảm bảo chặt chẽ.
Bộ Công Thương chưa xử lý kịp thời vi phạm về Quỹ BOG của các thương nhân đầu mối khi Bộ Tài chính đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính... Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại quản lý Quỹ BOG phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngân hàng.
Điều này dẫn đến, có 7/15 đầu mối xăng dầu đã sử dụng Quỹ BOG sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản quỹ BOG mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại Quỹ BOG với số tiền là 7.927 tỷ đồng.
Từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2021, khi kết thúc năm tài chính, các đầu mối xăng dầu, các ngân hàng thương mại nơi các thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ BOG không gửi sao kê về Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo quy định... Điều này dẫn đến cơ quan quản lý nhà nước không nắm rõ về số dư đầu kỳ, số trích lập, số sử dụng, phần lãi phát sinh, số dư Quỹ BOG.
Theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương chưa kịp thời xem xét, xử lý đình chỉ hoạt động kinh doanh hoặc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo thẩm quyền đối với các DN đã bị Bộ Tài chính xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần. Điều đó khiến Quỹ BOG liên tục bị các thương nhân đầu mối chiếm dụng và sử dụng sai mục đích bình ổn giá xăng dầu.