Lỗi áp suất dầu phanh ở ô tô là lỗi vô cùng nghiêm trọng và nguy hiểm có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn.

Phanh là bộ phân vô cùng quan trọng với bất kỳ phương tiện giao thông nào nhất là đối với ô tô. Đối với ô tô, nếu phanh gặp bất cứ sự cố gì cũng thể dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng. Lỗi áp suất dầu phanh cũng là một lỗi vô cùng nguy hiểm, nó có thể là nguyên nhân chính của việc trượt bánh, mất lái, nghiêm trọng hơn là lật xe,...

Trao đổi với phóng viên, kỹ sư Lê Văn Tạch (Công ty Toyota Việt Nam) cho biết: "Lỗi này là do bộ gá để đặt vị trí cụm van phân bổ áp suất dầu phanh giữa cầu trước và cầu sau bị sa kích thước. Lỗi này bình thường thì không có biểu hiện gì, nhưng khi đang đi nhanh mà phanh gấp thì có thể khiến xe bị bó phanh, mất lái hoặc giảm hiệu quả phanh. Cách khắc phục là dùng bộ đồ gá chuẩn để đặt lại vị trí cho cụm van này".

{keywords}
Lỗi áp suất dầu phanh có thể khiến ô tô bị lật. Ảnh minh họa 

Đây thuộc lỗi đặc biệt nghiêm trọng, do ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống phanh nên sẽ giảm hiệu quả phanh, có thể gây mất lái và lật xe nếu phanh khẩn cấp khi đang đi nhanh. "Lỗi áp suất dầu phanh thì nguy hiểm gấp nhiều lần vì nó dễ dẫn đến tai nạn và không chỉ ảnh hưởng tới những người trong xe mà cả những người ngoài xe" - kỹ sư Tạch phân tích.

Ngoài ra, khi điều khiển ô tô, tài xế cần chú ý những dấu hiệu như phanh phát ra tiếng kêu, lực kéo bất thường, cảm giác rung hay phanh không hiệu quả. Nguyên nhân của những hiện tượng này có thể do má phanh bị mòn, dầu phanh cạn, đĩa phanh gặp vấn đề,... Với những trường hợp này cần khắc phục sự cố nhanh chóng, kịp thời nếu không rất dễ dẫn đến mất phanh, hỏng hệ thống phanh gây nguy hiểm.

Khi cảm thấy hệ thống phanh gặp vấn đề mà trong quá trình di chuyển, tài xế cần phải giữ bình tĩnh để xử lý tình huống. Nhả chân ga để giảm tốc độ, đồng thời tập trung hơn cho chân phanh. Đạp phanh từ từ để phán đoán sự cố để có phương pháp xử lý. Quan trọng nhất là quan sát một vị trí, khoảng trống để có thể tìm cách dừng an toàn. Quan sát giao thông, tránh người đi bộ, xe máy và những nơi đông người. Bật đèn cảnh báo, nháy pha hoặc dùng còi gây sự chú ý để người khác biết mối nguy hiểm. Mở cửa sổ để tăng tính cản gió và dễ gọi người trợ giúp.

(Theo Viet Q)