Sáng 28/10, Viện Goethe Hà Nội tổ chức họp báo giới thiệu Liên hoan phim tài liệu về phát triển bền vững với chủ đề Lên tiếng cho mai sau. Khán giả Việt Nam đã quen thuộc với các sự kiện chiếu phim nhưng đây là lần đầu tiên một liên hoan phim tài liệu được tổ chức với các tác phẩm đầy tính thời sự, nêu lên vấn đề cấp bách ảnh hưởng tới tất cả mọi người trên trái đất.  

videoplayback.mp4
Hình ảnh nhức nhối từ nạn phá rừng được đưa vào phim. 

Tiếp nối các hoạt động trong khuôn khổ Dự án Sản xuất phim Tài liệu về Phát triển bền vững 2023-2024, Viện Goethe Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển Tài năng điện ảnh (TPD) tổ chức Liên hoan phim tài liệu về phát triển bền vững: Lên tiếng cho mai sau tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hà Nội từ 30/10-3/11. 

Sự kiện giới thiệu 10 bộ phim tài liệu đặc sắc và ấn tượng, kể những câu chuyện về cách con người trên toàn thế giới đấu tranh và thích nghi với những thay đổi nhanh chóng của môi trường và xã hội. Các bộ phim được chọn trình chiếu là những mảnh ghép của bức tranh đa chiều về phát triển bền vững, thể hiện sức mạnh của phim tài liệu trong việc nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng hành động để thay đổi cách chúng ta sống hôm nay, để tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau.

GIH03024.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Phương - Giám đốc TPD và đạo diễn Nguyễn Ngọc Thảo Ly tại họp báo ngày 28/10. 

Đó là tiếng nói của những đứa trẻ không có đủ ăn dù chỉ một bữa mỗi ngày, của những người dân bến lở trăn trở trước cảnh dòng sông - nguồn sống dần biến mất, của đàn cá heo tỉnh giấc với những vết bỏng da độ 3… Nhưng đó cũng là tiếng nói của chàng trai tìm về với sức mạnh thanh lọc của rừng núi để thoát khỏi bụi bặm của cuộc sống hiện đại, của những chủ khách sạn áp dụng công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa nguồn nước sinh hoạt hay người dành cả cuộc đời trồng và canh giữ vùng rừng ngập mặn ven biển…

Những bộ phim được lựa chọn đề cập trực diện tới vấn đề nóng được cả thế giới quan tâm hiện nay dưới góc nhìn của các đạo diễn đến từ khắp nơi trên thế giới. Đó là: Carbon Xanh: Sức mạnh thiên nhiên ẩn giấu (Anh), Khi mùa lũ về (Pakistan), Trại ghe bà Ba Liên (Nguyễn Thu Hương - Việt Nam), Nghịch cảnh của loài cá heo (Mỹ), Cơn khát đổi thay (Pakistan), Ngành du lịch trong bối cảnh biến đổi khí hậu (Đức), Giữa dòng phù sa (Nguyễn Ngọc Thảo Ly - Việt Nam), Những người hủy diệt hành tinh: Kẻ phá rừng (Pháp), Sông đói (Nguyễn Thị Yến Trinh - Việt Nam), Bụi của cuộc sống hiện đại (Đức). 

Untitled 1.jpg
Cảnh trong phim "Bụi của cuộc sống hiện đại". 

Bên cạnh các bộ phim của Việt Nam, đáng chú ý có Pa Va Heng - The Dust of Modern Life (Bụi của cuộc sống hiện đại) của nữ đạo diễn người Đức Franziska von Stenglin lấy bối cảnh vùng núi Tây Nguyên của Việt Nam. 

Chia sẻ tại họp báo, đạo diễn Nguyễn Ngọc Thảo Ly cho biết khi quay phim về những người nông dân sống giữa dòng sông Hậu, ở nhiều thời điểm nước lên, cô chứng kiến nhiều gò đất đã biến mất. Ông Nguyễn Hoàng Phương - Giám đốc TPD chia sẻ, BTC hy vọng các bộ phim được trình chiếu mang tiếng nói nhất định và thay đổi nhận thức của xã hội về biến đổi khí hậu.  

Untitled 2.jpg
Hình ảnh trong phim "Giữa dòng phù sa" của Nguyễn Ngọc Thảo Ly. 

Rất nhiều thứ đẹp đẽ đã bắt đầu biến mất...; Họ không nhận ra rằng chính họ là người đang hủy hoại môi trường; Giờ đây chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng khí hậu; Với biến đổi khí hậu, bạn có rất ít thời gian để hành động. Để làm được điều đó, bạn cần công nghệ và công cụ phù hợp để đưa ra quyết định và hành động nhanh chóng... là những lời bình được sử dụng trong các bộ phim tài liệu sắp được trình chiếu trong Liên hoan phim tài liệu về phát triển bền vững tới đây. 

Ảnh, clip: Goethe-Institut