“Con ma nhà họ Hứa” là bộ phim kinh dị nổi tiếng sản xuất năm 1972 được công chúng đón nhận. Phim quay tại biệt thự chú Hỏa - nơi xuất hiện những lời đồn thổi, câu chuyện liêu trai. Vì vậy nó có tên biệt thự “ma”.
Biệt thự “ma”
Chú Hỏa tên thật là Hứa Bổn Hòa (1845-1901), người Trung Hoa gốc Minh Hương, đến Sài Gòn lập nghiệp. Nhiều giai thoại kể rằng, khởi đầu từ nghề ve chai, sau nhiều nỗ lực chú Hỏa đã gầy dựng được khối tài sản khổng lồ Sài Gòn.
Được mệnh danh là “trùm” bất động sản Nam Kỳ, chú Hỏa có hơn 20.000 căn nhà mặt tiền khắp Sài Gòn - Gia Định xưa. Chú Hỏa được người Sài Gòn xếp vào hàng giàu có “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”.
Tòa biệt thự tọa lạc tại số 97 đường Phó Đức Chính Q.1, TPHCM. Trong vô số những căn biệt thự hay dãy nhà cho thuê của chú Hỏa, có lẽ ngôi nhà 99 cửa này nguy nga, rộng lớn hơn cả. Tòa biệt thự này cũng là nơi đầu tiên sử dụng thang máy ở Sài Gòn.
Biệt thự chú Hỏa nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM |
Theo nhiều giai thoại, chú Hỏa không chỉ có ba người con trai tài giỏi mà còn có một cô con gái út xinh đẹp tên Hứa Tiểu Lan. Vì là con út nên cô rất được chú Hỏa chiều chuộng. Ở tuổi trăng tròn thì bất hạnh ập đến khi cô mắc chứng bệnh phong cùi mà y học thời đó vẫn chưa tìm ra thuốc chữa.
Mặc dù bỏ rất nhiều tiền, mời các bác sĩ giỏi nhất đến nhưng chú Hỏa đành bất lực nhìn con gái phải chịu đựng căn bệnh quái ác này. Cô gái hàng ngày giam chân trong phòng kín, bị bệnh tật hành hạ trở nên điên loạn, khóc cười thâu đêm.
Người ta vẫn nghe thấy tiếng khóc cười man dại phát ra từ tầng trên cùng của căn biệt thự nơi gia đình chú Hỏa sinh sống. Việc la hét, chửi rủa của con gái khiến người cha lo ngại bị phát giác nên buộc phải cách ly Tiều Lan với gia đình.
Không muốn mọi người biết con gái bị bệnh phong cùi, đau khổ mà hóa điên dại nên chú Hỏa đã tổ chức đám ma giả cho cô. Để bạn bè, người dân Sài Gòn tin con gái bị bệnh mà chết, ông tổ chức đám ma rầm rộ. Tuy nhiên, không có việc thăm viếng vì lý do chết vào giờ trùng nên phải chôn gấp.
Thang máy đầu tiên ở Sài Gòn |
Hầu như mọi người đều thương tiếc số phận không may của cô tiểu thư này. Chỉ có một số ít người giúp việc trong nhà biết được cô gái đã chết một thời gian sau đám ma. Cũng từ đây, những âm thanh lạ xuất hiện thì tin đồn rùng rợn về tiếng gào khóc của hồn ma trong căn biệt thự ngày càng nhiều.
Sự thật lời đồn?
Từ năm 1965, nhiều người thuê biệt thự chú Hỏa kinh doanh đều thất bại rồi bỏ hoang từ đó. Tin đồn được củng cố vào năm 1972, hãng phim Dạ Lý Hương về đây quay một số ngoại cảnh, nhất là căn phòng- được cho là nơi nhốt con gái chú Hỏa- cho bộ phim “con ma nhà họ Hứa”.
Sau khi giải phóng miền Nam, gia tộc họ Hứa di tản sang Pháp sinh sống. Ngôi dinh thự này được quân Giải phóng vào tiếp quản, đến năm 1987 được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Bảo tàng nhìn từ bên trong |
Tồn tại đến nay đã gần 100 năm, tòa dinh thự vẫn giữ nguyên dáng dấp cổ kính, tĩnh lặng, âm u, càng làm cho những giai thoại về hồn ma nhà chú Hỏa trở nên kì bí. “Nhiều người am hiểu kể lại, dinh thự này có 100 cửa lớn, cửa nhỏ và cửa sổ nhưng sau đó bị bỏ đi một cửa.
Cũng vì cổng chính lớn hơn cổng Dinh Toàn quyền Đông Đương nên biệt thự này không được mở và cổng chính buộc phải quay qua phía đường Phó Đức Chính. Vậy nên dinh thự chỉ có 99 cửa và tất cả các cửa không đối diện nhau”, một nhân viên trong Bảo tàng Mỹ thuật cho biết.
Làm việc tại bảo tàng đã hàng chục năm, hướng dẫn viên và bảo vệ bảo tàng cho biết có nhiều người hỏi về biệt thự “ma” này nhưng họ đều lắc đầu không thấy. Cũng không có tài liệu nào để trả lời chính xác cho câu hỏi trên.
Nhân viên bảo tàng có nghe kể lại về lời đồn nhưng không mấy ai tin. “Cảm giác nơi đây ấm cúng, yên bình. Nhiều người làm việc lâu năm ở đây cũng nói họ chưa thấy “ma” bao giờ”, một hướng dẫn viên cho biết.
(Theo báo Pháp luật)