Tăng thuế thuốc lá được các chuyên gia cho rằng là giải pháp nhằm kìm hãm đáng kể tỷ lệ người hút thuốc lá, từ đó hạn chế được những tác động tiêu cực mà thuốc lá gây ra với sức khỏe, kinh tế, tinh thần.
Theo các chuyên gia, các biện pháp can thiệp để giảm tỷ lệ người hút thuốc lá trong cộng đồng cần đồng bộ, lâu dài và phối hợp.
Tăng 10% giá thuốc lá sẽ giảm 4-5% tỷ lệ tiêu thụ
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho hay WHO đã khuyến cáo biện pháp thuế và giá được xem là hiệu quả nhất, nhanh nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc lá.
Tính toán của WHO, việc giá tăng lên 10% sẽ giảm tiêu thụ thuốc lá ở các nước thu nhập là 4% và 5% ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình. Tăng thuế thuốc lá đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và mang đến hiệu quả tích cực trong việc làm giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá.
Minh chứng như ở Australia, nơi đã bắt đầu các biện pháp kiểm soát thuốc lá từ cách đây nửa thế kỷ, tăng thuế thuốc lá đều đặn là một trong những biện pháp hiệu quả. 10 năm nay, Úc tăng thuế thuốc lá rất mạnh.
Năm 2010, chính phủ Australia đã tăng thuế 25%, sau đó, cứ tăng 12,5% thuế mỗi năm, tăng đều đặn. Đến năm 2022, một bao thuốc lá ở nước này có giá rất cao - trên 40 AUD (khoảng 620.000 đồng Việt Nam). Trong đó, thuế chiếm trên 70% giá bán, đạt khuyến cáo của WHO (một bao thuốc lá bán ra 10 USD thì thuế chiếm 7,5 USD). Nhờ vậy, tỷ lệ hút thuốc lá ở quốc gia này giảm đều đặn, đến nay chỉ còn khoảng 10%.
Hay như ở Philippines, từ 2017 đến nay, quốc gia này mỗi năm tăng thuế thêm trung bình 5 peso/bao thuốc lá, đến năm 2023, mức thuế trên một bao thuốc lá ở Philippines đạt 60 peso (tương đương hơn 1 đô la Mỹ). Tỷ lệ hút thuốc lá nhờ đó liên tục giảm qua các năm: 29% (năm 2009), 23% (năm 2015), 19% (năm 2021).
Nguồn ngân sách mà Philippines thu được từ thuế thuốc lá là trên 3 tỷ USD/năm, so với 700 triệu USD/năm (tương đương mức thu thuế của Việt Nam hiện nay). Quốc gia này sử dụng chính ngân sách thu được từ thuế thuốc lá để đầu tư trở lại cho bảo hiểm y tế cho người nghèo.
Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ thuế thuốc lá trên giá bán lẻ của các nước trong khu vực cao hơn so với Việt Nam.
Thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ của Việt Nam là 38,8%, trong khi đó ở Malaysia là 58,6%, Singapore là 67,5% và Thái Lan là 78,6%. Tỷ lệ này ở các nước phát triển là 67,9%, còn trung bình toàn cầu là 61,5%.
Theo khuyến cáo của WHO, để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cần phải ở mức 70% đến 75% giá bán lẻ.
Lợi ích kép
Bổ sung thêm, bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), cho biết so sánh mức thuế thuốc lá ở Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á, mức thuế tính trên giá bán lẻ thuốc lá của nước ta chỉ cao hơn Lào, Campuchia.
Về sản lượng, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ đến 3,9 tỉ bao thuốc lá thế nhưng thuế thu được cho nhà nước chỉ có 708 triệu USD/năm. Trong khi đó, Thái Lan mỗi năm chỉ tiêu thụ 2 tỉ bao nhưng ngân sách thu gần 2,1 tỷ USD/năm (gấp 3 lần Việt Nam). Thuế thuốc lá của quốc gia này là hơn 78% giá bán lẻ, cao hơn mức khuyến cáo của WHO.
"Mức đánh thuế cao mang lại lợi ích rõ rệt nhất là sức khỏe, nhưng cũng mang lại nguồn thu tốt hơn cho chính phủ", bà Hải nói.
Thuế thuốc lá ở Việt Nam năm 2006 là 55%, tăng thêm 10% vào năm 2008. Đến năm 2016, mức thuế thuốc lá mới tăng trở lại, từ đó đến nay, cứ 3-5 năm, thuế thuốc lá lại tăng 5%. Hiện nay, mức thuế hiện nay khoảng 75% giá xuất xưởng, tương đương gần 39% trên giá bán lẻ.
"Như vậy, mức thuế này khá thấp so với khuyến cáo của WHO - phải chiếm từ 70 đến 75% giá bán lẻ", bà Hải phân tích.
Theo các chuyên gia, kinh nghiệm từ các nước trên thế giới và khu vực tăng thuế thuốc lá tác động rất lớn (khoảng 50-60%) đến việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
"Không những vậy, đa phần người dân Việt Nam đều ủng hộ tăng thuế thuốc lá. Minh chứng là qua những cuộc thăm dò khi tăng thuế thuốc lá trước đây, trên 75% người dân, đặc biệt là những người không hút thuốc đều ủng hộ" - bà Hải khẳng định.
Những tác động của khói thuốc lá ít người biếtKhói thuốc "chịu trách nhiệm" khoảng 25% các loại ung thư, 20% bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, khói thuốc còn gây ra những tác động về kinh tế, tinh thần nhưng ít người biết.