Theo ước tính của Bộ Y tế năm 2020, người dân Việt Nam bỏ ra 49.000 tỷ đồng để mua thuốc lá hàng năm. Tổn thất kinh tế do sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính trên 24.000 tỷ đồng mỗi năm (gần 1% GDP năm 2011), bao gồm chi phí điều trị bệnh, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau, bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến hút thuốc gây ra.
ThS.BS Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), cho hay nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy những năm gần đây tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới và thanh thiếu niên (15-24 tuổi) tại Việt Nam có xu hướng giảm.
Theo đó, tỷ lệ nam giới Việt Nam hút thuốc giảm từ 47,4% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020, tương đương mức giảm 0,5%/năm; còn với thanh thiếu niên giảm được khoảng 50% (từ 26% xuống 13%) trong cùng giai đoạn này.
“Đây là kết quả đáng khích lệ, bởi có ngăn được giới trẻ hút thuốc thì tương lai xa mới thực hiện thành công chương trình phòng chống tác hại thuốc lá”, bà Hải nói.
Quan sát cũng cho thấy các sự kiện như lễ hội, đám hiếu, đám cưới, tình trạng sử dụng thuốc lá không còn phổ biến như trước. Người dân đã có ý thức tốt về việc không nên sử dụng thuốc lá nơi công cộng, đông người.
Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nữ giới tăng nhẹ từ 1,4% năm 2015 lên 1,7% năm 2020. Việt Nam vẫn nằm trong top 15 quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất trên thế giới, chưa đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới xuống còn 39% năm 2020.
Đó là thách thức với tình trạng sử dụng thuốc lá ở Việt Nam, chưa kể sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa, là những sản phẩm độc hại với sức khỏe người tiêu dùng.
Khói thuốc "chịu trách nhiệm" khoảng 25% các loại ung thư, 20% bệnh lý tim mạch
Việc hút thuốc lá có thể dẫn đến nguy cơ mắc các căn bệnh nguy hiểm như ung thư, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, phổi tắc nghẽn mạn tính và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ.
Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, khói thuốc "chịu trách nhiệm" khoảng 25% các loại ung thư, 20% các bệnh lý tim mạch khác nhau. Với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hay ung thư phổi, tỷ lệ ảnh hưởng liên quan của khói thuốc lên tới 75%.
"Thuốc lá là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong trên thế giới có thể phòng tránh được", ông Lâm cho biết.
Theo vị chuyên gia này, việc hút thuốc còn gây tác động xấu lên thế hệ tương lai. Nếu người mẹ đang mang thai có hút thuốc hoặc tiếp xúc thụ động với khói thuốc có thể dẫn đến sảy thai, sinh non, thậm chí có những tổn thương về mặt di truyền đối với em bé sau này.
Những tác động tinh vi ít ai nghĩ đến của việc nghiện thuốc lá
Ông Nguyễn Tuấn Lâm cho hay ngoài những ảnh hưởng về sức khỏe, việc hút thuốc lá ảnh hưởng rất nhiều đến từng hộ gia đình có người hút thuốc.
“Cá nhân trong hộ gia đình dùng tiền mua thuốc lá sẽ giảm ngân sách đầu tư cho giáo dục, y tế, dinh dưỡng và nhiều vấn đề khác”, ông Lâm nói.
Một tổn thất kinh tế khác là người hút thuốc lá đang đi làm, nếu bị ốm, mắc các bệnh mãn tính, sẽ phải nghỉ làm, vào viện điều trị lâu dài, thậm chí nhiều bệnh còn không thể điều trị khỏi được, dẫn đến tử vong sớm, gây tổn thất lớn cho gia đình đó.
Trên bình diện thế giới, ước tính tổn thất kinh tế gây ra bởi thuốc lá lên tới 1.400 tỷ USD, theo ông Lâm đây là con số rất lớn, với Việt Nam qua nghiên cứu sơ bộ khoảng 1% GDP quốc gia.
Đó là những con số ước tính được, nhưng nếu nhìn ra theo tổn thất vì các bệnh lý như ung thư, tim mạch, hô hấp, sức khỏe sinh sản… có liên quan hút thuốc lá, tổn thất tinh thần cá nhân, gia đình và xã hội thì không phải lúc nào cũng tính được, theo ông Lâm.