Ngày 4/1, phiên tòa xét xử vụ Việt Á tiếp tục với phần thẩm vấn. HĐXX dành thời gian thẩm vấn các bị cáo ở CDC các tỉnh.

phien toa.png
Phiên toà xét xử các bị cáo vụ Việt Á. Ảnh: CTV

Cáo buộc cho rằng, tại Nghệ An, khi tình hình dịch bùng phát, để phục vụ phòng, chống dịch bệnh, từ tháng 7/2020- 11/2021, bị cáo Nguyễn Văn Định (Giám đốc CDC Nghệ An) chỉ đạo Nguyễn Thị Hồng Thắm (Kế toán trưởng) trao đổi và thống nhất với Phó TGĐ Việt Á Vũ Đình Hiệp và Nguyễn Thị Thắm (nhân viên Công ty Việt Á) về việc CDC Nghệ An ứng test xét nghiệm để sử dụng trước rồi hợp thức thủ tục đấu thầu ký hợp đồng, thanh quyết toán với với Công ty Việt Á sau.

Sau khi đã ứng trước test xét nghiệm để sử dụng, ông Định chỉ đạo cấp dưới phối hợp với Công ty Việt Á, hợp thức hồ sơ thanh toán số test xét nghiệm đã ứng trước bằng hình thức đấu thầu rộng rãi và chỉ định thầu rút gọn…

Ngoài ra, ông Định còn ký các hợp đồng với Công ty Công ty Cổ phần Tư vấn & Xây dựng Hoàng Đức và Công ty Cổ phần Trường Vạn Lộc thực hiện tư vấn đấu thầu để hợp thức thủ tục cho Công ty Việt Á trúng thầu và thanh quyết toán theo giá của Công ty Việt Á đưa ra, gây thiệt hại hơn 16 tỷ đồng.

Sau khi CDC Nghệ An thanh toán tiền cho Công ty Việt Á, bị cáo Phan Quốc Việt đã chỉ đạo cấp dưới là Phan Tôn Noel Thảo và Hồ Thị Thanh Thảo tính toán, xác định và chi tiền % ngoài hợp đồng cho CDC Nghệ An, trái quy định của pháp luật.

Cáo trạng xác định, tổng cộng, CDC Nghệ An ký 6 hợp đồng với tổng trị giá hơn 35 tỷ đồng, trong đó đã thanh toán cho Công ty Việt Á 5 hợp đồng với tổng số tiền hơn 28 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 16 tỷ đồng.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Thắm (cựu Kế toán trưởng CDC Nghệ An) thừa nhận được Việt Á trích "hoa hồng" 15% cho các hợp đồng.

Ở lần đầu tiên, vào cuối năm 2020, Hồng Thắm nhận 750 triệu đồng tiền “hoa hồng” từ Việt Á và đem cất ở tủ cá nhân, sau đó đề nghị trả lại Việt Á nhưng doanh nghiệp này từ chối nhận lại.

Ở lần tiếp theo, Việt Á đưa cho Thắm 1,4 tỉ đồng. Số tiền này, nữ kế toán trưởng khai được Việt Á trích riêng cho lãnh đạo 2% (tương đương 185 triệu đồng) và kế toán trưởng 1% (95 triệu đồng), còn lại là cho cơ quan (hơn 1,1 tỉ đồng).

Sau khi nhận tiền, Thắm phân chia tiền theo tỷ lệ trên cho Giám đốc CDC Nghệ An, cho bản thân và đưa lại cho Trưởng khoa Dược cất giữ. Ngoài số tiền trên, Hồng Thắm khai có lần được Nguyễn Thị Thắm (nhân viên Công ty Việt Á) đưa cho 100 triệu đồng vì nói rằng đây là tiền công marketing.

Vẫn theo lời khai của cựu Kế toán trưởng CDC Nghệ An, sau khi nhận tiền từ Việt Á, bị cáo kể cho chồng nghe. Chồng bị cáo khuyên nên trả lại cho Việt Á. Sau đó, bị cáo gọi điện cho Nguyễn Thị Thắm đề nghị trả lại nhưng Thắm chỉ chấp nhận lấy lại 1,4 tỉ đồng. Số tiền 95 triệu đồng, Nguyễn Thị Hồng Thắm nói rằng đã lâu rồi nên không nhận lại.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Định khai không quen biết ai ở Công ty Việt Á, nhưng xuất phát từ nhu cầu cần cấp bách chống dịch, với tư cách là Giám đốc CDC Nghệ An, bị cáo đã chỉ đạo  vay kit test của Việt Á.

Cựu Giám đốc CDC Nghệ An khẳng định, trước khi vay kit xét nghiệm có gọi điện hỏi ý kiến của lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An và nhận được sự đồng ý. Việc chỉ đạo này không có văn bản, bị cáo có ghi âm lại cuộc gọi nhưng sau khi làm việc với CQĐT đã không tìm thấy file ghi âm này.

Cựu giám đốc CDC Nghệ An thừa nhận việc vay kit xét nghiệm và sau đó hợp thức hóa hồ sơ để thanh toán cho Việt Á là sai; việc truy tố bị cáo tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" là hoàn toàn xác đáng.