Người dân xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội rỉ tai nhau về một truyền thuyết kì dị xung quanh núi Cô Tiên (hay gọi núi Bạch Tuyết) và lời nguyền "tiên nữ", rằng núi Cô Tiên có một kho báu của người Tàu, nhưng được "yểm bùa" bằng những cô gái đồng trinh bị chôn sống...
Đã có không ít người đi thử vận may tìm "kho báu" nhưng không thành. Và ngày càng có nhiều người mơ thấy vàng bạc châu báu hoặc bị “tiên nữ” nhập hồn.
Một cán bộ văn hóa xã Vân Côn cho biết: "Lời đồn nhiều người bị "ma bắt" hay dưới núi Bạch Tuyết có "hầm thần của" tôi cho rằng không có căn cứ. Mặt khác, nhiều người bảo nằm ngủ hay mơ thấy một cô gái áo trắng xuất hiện đó cũng chỉ là giấc mơ. Hiện cứ ngày rằm, ngày lễ... người dân ở đây thường đến thắp hương, cúng lễ tại núi Bạch Tuyết rất đông. Người dân ở đây thấy núi linh thiêng đã đóng góp xây dựng bảo vệ di tích. Tuy nhiên, đây là điểm không nằm trong khu bảo tồn văn hóa nên chưa có sự quan tâm nào từ các cấp chính quyền".
Truyền thuyết xáo động làng quê
Nhiều người đồn rằng, Vân Côn là đất thánh, có nhiều lộc trời. Các ngôi đền, ngọn núi, dòng sông ở mảnh đất này chứa không ít ngọc ngà, châu báu. Sự linh thiêng ở Vân Côn chẳng nơi nào sánh bằng. Một người dân, cho biết:
"Về Vân Côn mà không thăm "núi thần" thì phí. Đây là nơi thiêng liêng nhất xã này. Đồn rằng, dưới núi có cô công chúa bị chôn sống làm thần "giữ của". Bình thường, cứ đến ngày rằm, ngày lễ... người dân đến đây xin lộc rất đông!".
Vừa dẫn chúng tôi lên thăm núi Bạch Tuyết, ông Nguyễn Đình Vượng, một người dân ở đây vừa kể cho chúng tôi nghe những bí ẩn xung quanh vấn đề này. Theo lời ông cha kể lại, từ thời Trung Quốc xâm lược nước ta, đã chôn rất nhiều vàng bạc, kho báu ở núi Bạch Tuyết.
Trong thời gian ấy, chúng đã nuôi một người con gái trinh nữ có nước da trắng ngần, mái tóc đen dài óng ả trong vòng 100 ngày, sau đó thả xuống hố để chôn sống làm thần giữ của. Từ đó, linh hồn người con gái bị yểm bùa cứ quanh quẩn bên ngọn núi. Nghe đâu, cô gái bị bắt có tên Bạch Tuyết. Ngọn núi chúng tôi gọi từ cái tên đó.
Do đó nhiều câu chuyện huyền bí liên quan đến truyền thuyết cứ ngày một nhân lên qua lời kể của những người dân. Người làng đinh ninh rằng, ngọn núi này rất thiêng, vì thế, không ai dám bén mảng gần. Nếu có chuyện gì phải đi qua ngọn núi thì cũng gắng đi thật nhanh hoặc đi vòng đường khác dù xa gấp mấy lần.
Có một câu chuyện mà người dân ở đây thường truyền tai nhau đó là chuyện một người đàn ông được “thần núi” báo mộng cho vàng. Theo lời kể, trong làng có ông Trẻ Cu, người chẳng sợ gì ma quỷ thánh thần. Ông Trẻ Cu cứ lùa trâu lên núi đó chăn, rồi vào tán cây cạnh những phiến đá đó nằm ngủ.
Một hôm, đang ngủ, ông giật mình bởi thấy có tiếng nói từ trong núi vọng ra rằng nếu ông mang một mâm xôi, một con gà trống thiến đến núi thắp hương thì thần núi sẽ trả một con gà bằng vàng.
Nghe thế, ông Trẻ Cu mừng rỡ về nhà mua xôi, gà. Thắp hương xong thì quả thật, từ trong kẽ đá, một đàn gà bằng vàng kéo nhau chạy ra. Tuy nhiên, thần núi chỉ cho ông bắt con gà què đi phía sau cùng. Ông đã không đồng ý với giao kèo đó và đàn gà biến mất.
Tức khí, ông Trẻ Cu mang chõng lên núi nằm ăn vạ. Tuy nhiên, cứ đêm kê võng nằm trên núi thì sáng mở mắt ra, ông lại thấy mình nằm ở dưới đồng. Chuyện đó lặp đi lặp lại nhiều lần, lại không thấy đàn gà trên xuất hiện nữa, nản chí ông Trẻ Cu đành bỏ cuộc…
Bí ẩn lời nguyền của thần núi
Khép lại những câu chuyện được “thừa hưởng” từ đời trước, ông Vượng bảo, ông không tin nhiều vào những chuyện mang yếu tố hoang đường trên nhưng không có lửa thì làm sao có khói. Chắc chắn trong lòng núi Bạch Tuyết có cất chứa một điều gì bí mật.
Và sự hồ nghi đó càng có cơ sở khi cách đây chừng 30 năm, một đại gia ở Vân Côn đã tổ chức cuộc khai quật quy mô lớn ở ngọn núi này. Tuy không tìm thấy bạc vàng châu báu nhưng những gì đoàn tìm kiếm tận thấy, trải qua càng làm mọi người tin hơn chuyện người Tàu giấu của ở ngọn núi này.
Theo lời ông Nguyễn Văn Hận, một người dân trong xã, vào những năm 80 của thế kỷ trước, ông vốn là một người nức tiếng giàu có nhất làng, xã thậm chí nhất huyện lúc bấy giờ.
Việc kinh doanh buôn bán của ông trải dài khắp trong Nam, ngoài Bắc. Nhưng tất cả sự giàu có ấy đã trở thành câu chuyện dĩ vãng khi ông bắt tay vào việc tìm kiếm kho báu dưới chân núi Cô Tiên.
Vào khoảng năm 1982, ông Hận vốn là người cùng xã nhưng khác thôn đi qua, thấy mấy người đàn ông “rủ rê”: “Ông có chung với chúng tôi không?”, rồi nháy mắt chỉ vào lối đi được lát những phiến đá xanh kỳ bí. Ông Hận đồng ý tài trợ mọi kinh phí cho cuộc tìm kiếm bao gồm tiền ăn cho hơn chục trai đinh, tiền mua dụng cụ khai quật.
Cứ theo hai hàng đá ấy, sau chục ngày đào bới, mọi người đã khoét một đường hầm ăn xiên vào núi theo hướng nghiêng 30o. Đào được chừng 15m thì bắt gặp một phiến đá lớn chắn ngang giao thông hào. Bị chặn đường, mọi người đào rộng ra hai bên đến vài mét nhưng phiến đá vẫn chắn ngang trước mặt.
Đào sang hai bên không được, ông Hận chỉ đạo mọi người đào sâu xuống chân phiến đá. Thật bất ngờ, “cửa hang” được mở ra, chui vào trong, đoàn tìm kiếm phát hiện ở phiến đá đối diện cửa hang có hình con rùa đang chúi đầu xuống đất. Ngoài hình con rùa trên thì trong khoang trống đó mọi người không thu được bất cứ vật gì.
Bị ba phiến đá bủa vây, ông Hận và mọi người đã cố sức mở lối đi sâu vào trong nhưng vô hiệu. Không như phiến đá ở ngoài, hai phiến đá khép góc phía trong cứng hơn thép. Búa tạ phang vào chỉ thấy tóe lửa sáng lòa, khét lẹt chứ chẳng hề sứt mẻ, xây xát, sức người không tài nào đánh sập nổi. Thế là cuộc tìm kiếm khép lại.
Ông Hận bảo, cũng từ bận ấy, chẳng biết là sự trùng hợp hay sự trừng phạt của “thánh thần” mà chuyện làm ăn của ông liên tiếp gặp vận rủi. Từ một đại gia, mấy lần ông chịu cảnh trắng tay. Làm ăn thua lỗ, phá sản và khó khăn lắm ông mới trụ được, nhưng mãi chỉ ở mức trung bình. Thời vàng son của đại gia Nguyễn Tài Hận cũng chấm dứt từ đây.
Theo nhiều người dân trong làng, không chỉ có ông Hận mà những người tham gia vào cuộc tìm kiếm, giờ ai ai cũng “gặp chuyện xui”. Có người phá sản, người nghèo đói túng quẫn, người bệnh tật, người chết trẻ hoặc con cái lục đục… Một trong số ít những người còn lại trong làng không bị “vận” là ông Vũ Văn Tỵ.
Khi chúng tôi đến nhà, ông Tỵ đang đi vắng chỉ còn vợ ông, bà Vũ Thị Đang ở nhà. Vừa nghe hỏi chuyện, bà Đang đã vội vàng xua tay: “Thời ấy chồng tôi cũng tham gia nhưng chỉ một vài ngày thôi. Thấy nhiều chuyện hãi hùng thì vội vàng dừng lại, sau chỉ đứng xem”.
Bà Đang bảo, từ câu chuyện thủa trước mà chẳng ai dám nghĩ đến việc đào bới lần nữa. Bà bảo, không ít người con gái đi ngang qua đây đã bị “bắt vía”. Cứ trở nên ngớ ngẩn, ăn nói lảm nhảm, lúc khóc lúc cười.
Chỉ là chuyện “tam sao thất bản”?
Bà Đỗ Thị Cấm người đã có thâm niên hơn 20 năm trông coi ngọn núi lạ này, cho biết: "Trên đỉnh núi dân làng Vân Côn thờ bà chúa Hẹ và quan Thượng Lềnh, chứ không phải như người ta đồn thổi. Ngọn núi là 4 tảng đá tự dưng mọc lên. Thuở nhỏ tôi thấy núi có phần nhỏ hơn bây giờ.
Có lẽ nó đã lớn lên chút ít. Chuyện có kho báu phía dưới hay không? Đúng là người ta rỉ tai nhau. Nhưng có thật hay không thì theo tôi không có cơ sở để nói dưới 4 tảng đá kia có kho báu. Nếu theo truyền miệng thì dưới 4 tảng đá ấy có chôn ấn tín nhưng ấn tín gì thì cũng không ai rõ.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giả thiết. Những năm 1983 - 1984 đã có người đến đào núi để tìm của cải, tuy nhiên sau đó không hiểu vì lý do gì mà cuộc đào núi bất thành. Từ ngày đó đến bây giờ không ai còn có ý định đào núi tìm của cải hay ấn tín nữa".
Bà Cấm khẳng định chuyện kho báu dưới chân núi là không có cơ sở mà không hiểu sao người dân trong vùng vẫn đồn thổi về một tài sản lớn nằm dưới lòng đất ấy. "Đó là một ngọn núi thiêng. Bởi nó thờ các thần. Nhưng có lẽ sự việc đã bị "tam sao thất bản", mọi người đẩy câu chuyện sang một hướng không chính xác".
Anh Đồng, một thanh niên tham gia đội quân khi xưa nhớ lại: "Ngày ấy, nghe dưới núi có kho báu, ai cũng muốn khám phá. Nhưng lật hết hòn đá này đến hòn đá khác vẫn chẳng thấy gì quý giá. Có lẽ, kho báu dưới núi là lời đồn thổi. Nhiều người bảo bị ma ám nhưng không phải như vậy".
Được biết, sau lần khám phá kho báu bất thành đó ông Hận từ bỏ mộng làm giàu qua việc đào núi tìm kho báu. Cũng từ ngày đó, cỏ cây trên ngọn núi lại mọc um tùm vây kín lại những tảng đá chỉ lộ ra độc một con đường lên đỉnh để người dân hàng ngày lên thắp hương.
Trước thông tin nửa thực nửa hư rằng núi "Bạch Tuyết" có nhiều vàng bạc, châu báu có không ít người đã tìm đến khám phá. Thế nhưng, "núi thần của" đã có từ bao đời nay mà vẫn được giữ nguyên, "kho báu" chưa hề một người nào có thể "sờ" đến. Và lời đồn về "núi thần" cứ thế được lan truyền mà chẳng được lý giải một cách rõ ràng. |
(Theo Pháp luật Xã hội)