Ngày 11/9/2001, cả thế giới rúng động trước thông tin nước Mỹ bị tấn công khủng bố. Gần 3.000 người đã thiệt mạng và hàng nghìn nạn nhân khác bị thương. Hơn một tuần sau, Tổng thống George W. Bush đã có bài phát biểu hùng hồn tại quốc hội. Trong bài phát biểu này, ông đã trấn an và kêu gọi tinh thần đoàn kết của toàn thể người dân, đồng thời nêu rõ trách nhiệm của nước Mỹ trong việc dẫn dắt một "cuộc chiến chống khủng bố" trên toàn cầu.

{keywords}
Tổng thống George W. Bush phát biểu về sự kiện 11/9 trước Quốc hội Mỹ ngày 20/9/2001. Ảnh: Nhà Trắng

Dưới đây là toàn văn bài phát biểu:

Thưa ngài Chủ tịch Hạ viện, quyền Chủ tịch Thượng viện, các thành viên Quốc hội, cùng toàn thể nhân dân Mỹ.

Theo thông lệ, một vị tổng thống khi bước vào phòng họp này thường chỉ đọc bản Thông điệp Liên bang. Nhưng tối nay, điều này đã không còn cần thiết vì bản thông điệp đã được truyền tải bởi chính những người dân Mỹ.

Chúng ta đã thấy nó từ những hành khách máy bay dũng cảm, những người đã liều mình chống trả bọn khủng bố để cứu lấy sinh mạng của hàng nghìn người khác dưới mặt đất. Trong số này, có những công dân phi thường như Todd Beamer. Và tôi cũng xin được hân hạnh chào đón vợ của anh, Lisa Beamer, trong buổi tối ngày hôm nay.

Chúng ta đã thấy bản Thông điệp Liên bang trong tinh thần làm việc bền bỉ đến quên mình của những nhân viên cứu hộ. Chúng ta đã thấy những lá cờ được giăng ra, những ngọn nến được thắp sáng, những bịch máu được hiến tặng, cùng những lời cầu nguyện bằng cả tiếng Anh, tiếng Do Thái lẫn tiếng Ảrập. Chúng ta đã thấy tình bác ái của những con người giàu lòng thương yêu và san sẻ. Họ xem nỗi đau của những người xa lạ như nỗi đau của chính mình.

Thưa toàn thể nhân dân, trong 9 ngày qua, toàn thế giới đã được tận mắt chứng kiến bản Thông điệp Liên bang của chúng ta. Và đây là một bản thông điệp mạnh mẽ.

Tối nay, chúng ta trở thành một đất nước được đánh thức trước những hiểm nguy và được thôi thúc để bảo vệ tự do. Nỗi đau của chúng ta đã biến thành sự giận dữ, và sự giận dữ đã biến thành quyết tâm. Bất kể chúng ta có đem kẻ thù ra trước công lý, hay đem công lý đến trước mặt kẻ thù, thì công lý đều sẽ được thực thi.

Tôi xin cảm ơn sự lãnh đạo của quốc hội ở thời khắc quan trọng này. Toàn nước Mỹ đều rưng rưng xúc động vào buổi tối ngày thảm kịch xảy ra, khi được thấy các thành viên đảng Cộng hòa và Dân chủ cùng đứng bên nhau trên các bậc thềm của Điện Capitol, hát vang bài ca "Chúa phù hộ nước Mỹ". Và trên cả, các vị đã hành động bằng việc cung cấp gói cứu trợ 40 tỷ USD để tái thiết các cộng đồng và đáp ứng các nhu cầu của quân đội chúng ta.

Tôi xin cảm ơn Chủ tịch Hạ viện Dennis Hastert, lãnh đạo phe thiểu số Richard Gephardt, lãnh đạo phe đa số Tom Daschle và Thượng nghị sĩ Trent Lott vì sự lãnh đạo và phục vụ của các vị đối với đất nước của chúng ta.

{keywords}
Chuyến bay 175 United Airlines lao thẳng vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Ảnh: AP

Thay mặt người dân Mỹ, tôi xin gửi lời cảm ơn đến toàn thế giới vì sự ủng hộ của các bạn. Nước Mỹ sẽ không bao giờ quên những giai điệu trong bài quốc ca của chúng tôi được vang lên tại Điện Buckingham, trên đường phố Paris, và tại cổng Brandenburg ở Berlin.

Chúng tôi sẽ không thể quên cảnh những trẻ em Hàn Quốc tụ tập cầu nguyện bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Seoul, hay những lời khẩn cầu thương xót bên trong một nhà thờ Hồi giáo ở Cairo (Ai Cập). Chúng tôi sẽ không thể quên những phút mặc niệm cùng những ngày đau buồn được tổ chức ở Australia, châu Phi và khu vực Mỹ Latin.

Chúng tôi cũng sẽ không thể quên những công dân của hơn 80 quốc gia khác đã ngã xuống bên cạnh những công dân Mỹ: Hàng chục người Pakistan; hơn 130 người Israel; hơn 250 công dân Ấn Độ; những người đàn ông, phụ nữ từ El Salvador, Iran, Mexico và Nhật Bản; cùng hàng trăm công dân Anh.

Nước Mỹ không có người bạn nào đáng quý hơn nước Anh. Một lần nữa, chúng ta lại cùng chung tay vì một mục tiêu cao cả. Thật vinh dự khi ngài Thủ tướng Anh đã vượt đại dương để thể hiện sự đồng lòng với nước Mỹ. Cảm ơn ngài đã đến đây, người bạn của chúng tôi.

Ngày 11/9/2001, những kẻ thù của tự do đã thực hiện một hành động gây chiến đối với đất nước chúng ta. Nhân dân Mỹ từng biết đến nhiều cuộc chiến tranh, nhưng suốt 136 năm qua, chúng đều diễn ra ở những miền đất xa xôi bên ngoài nước Mỹ, trừ một ngoại lệ xảy ra vào một ngày Chủ nhật năm 1941. Nhân dân Mỹ từng biết đến nhiều thương vong bởi chiến tranh, nhưng không phải tại trung tâm một thành phố lớn trong một buổi sáng bình yên. Nhân dân Mỹ cũng từng chứng kiến những cuộc tấn công bất ngờ, nhưng chúng chưa bao giờ nhắm tới hàng nghìn dân thường.

Tuy nhiên, tất cả những điều trên đã xảy ra đối với chúng ta chỉ trong một ngày, và bóng đêm đã phủ xuống một thế giới khác, một thế giới nơi tự do đang bị đe dọa.  

{keywords}
 Tổng thống George Bush được Chánh văn phòng Nhà Trắng Andrew Card thông báo về vụ khủng bố 11/9, khi ông đang dự khán một lớp học ở Florida. Ảnh: Reuters

Người dân Mỹ đang đặt ra rất nhiều câu hỏi vào tối ngày hôm nay. Họ đang hỏi rằng: Kẻ nào đã tấn công đất nước chúng ta? Tất cả bằng chứng chúng ta thu thập được đều hướng tới một tập hợp các tổ chức khủng bố có liên kết lỏng lẻo, được biết đến với tên gọi al-Qaeda. Chúng chính là những kẻ giết người bị kết tội đánh bom các đại sứ quán của Mỹ tại Tanzania và Kenya, cũng như chịu trách nhiệm về vụ đánh bom tàu khu trục USS Cole.

Cách al-Qaeda gây khủng bố cũng giống như cách các băng đảng mafia gây tội ác. Nhưng mục tiêu của chúng không phải vì tiền, mà là muốn cải tạo thế giới, và áp đặt tư tưởng cực đoan của chúng lên mọi người ở khắp mọi nơi.

Những kẻ khủng bố thực hành một hình thức ngoại luồng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, thứ đã bị các học giả và đại đa số giáo sĩ Hồi giáo bác bỏ, một phong trào ngoài luồng gây ô uế các giáo lý ôn hòa của đạo Hồi. Tôn chỉ của bọn chúng là giết hại toàn bộ những người theo Cơ đốc giáo, người Do Thái và người Mỹ, không phân biệt quân đội hay dân thường, phụ nữ hay trẻ em.

Nhóm khủng bố này và thủ lĩnh của chúng - một kẻ tên là Osama bin Laden – có mối liên kết với nhiều tổ chức ở nhiều quốc gia khác nhau, như tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Ai Cập hay Phong trào Hồi giáo Uzbekistan. Hàng nghìn kẻ khủng bố như vậy đang hoạt động ở trên 60 quốc gia. Chúng được tuyển lựa từ nhiều nơi, rồi được đưa đến các khu trại ở những đất nước như Afghanistan, nơi chúng được huấn luyện các chiến thuật khủng bố. Sau đó, chúng được gửi trả lại quê nhà hoặc bí mật đến nhiều nước trên thế giới, để âm mưu thực hiện các hành vi tội ác và phá hoại.

Các thủ lĩnh của al-Qaeda có sức ảnh hưởng lớn ở Afghanistan, và đang hỗ trợ chế độ Taliban kiểm soát phần lớn đất nước này. Ở Afghanistan, chúng ta có thể thấy tầm nhìn của al-Qaeda đối với toàn thế giới.

Người dân Afghanistan bị đàn áp dã man. Nhiều người đang bị bỏ đói và nhiều người đã rời bỏ đất nước này. Phụ nữ không được đến trường, sở hữu TV là bất hợp pháp, tôn giáo chỉ được thực hành theo ý của lãnh đạo, và đàn ông có thể vào tù nếu để râu không đủ dài.

{keywords}
Mọi người cố chạy thoát thân khi Trung tâm Thương mại Thế giới đổ sập. Ảnh: AAP

Nước Mỹ tôn trọng người dân Afghanistan. Xét cho cùng, chúng tôi hiện là nguồn viện trợ nhân đạo lớn nhất của họ. Nhưng chúng tôi lên án chế độ Taliban. Chế độ này không chỉ đàn áp người dân của chính mình, mà còn đe dọa mọi người ở khắp mọi nơi bằng cách tài trợ, bao che và dung dưỡng cho những kẻ khủng bố. Bằng cách hỗ trợ và tiếp tay cho các hành vi giết người, chế độ Taliban cũng không khác gì những kẻ giết người.

Tối nay, nước Mỹ đã đưa ra những yêu cầu sau đây đối với chế độ Taliban: Giao nộp cho chính quyền Mỹ tất cả những kẻ cầm đầu của al-Qaeda đang lẩn trốn tại đất nước này (Afghanistan); thả tự do toàn bộ công dân nước ngoài, bao gồm các công dân Mỹ, đang bị giam cầm một cách không chính đáng; bảo vệ các nhà báo, nhà ngoại giao và những nhân viên cứu trợ nước ngoài đang hoạt động tại Afghanistan; đóng cửa ngay lập tức và vĩnh viễn tất cả các trại huấn luyện khủng bố tại Afghanistan, đồng thời giao nộp toàn bộ những kẻ khủng bố cùng những kẻ nằm trong hệ thống hỗ trợ khủng bố cho các cơ quan chuyên trách; trao cho nước Mỹ toàn quyền tiếp cận các trại huấn luyện khủng bố, để chúng tôi có thể chắc chắn rằng chúng không còn hoạt động.  

Những yêu cầu trên không phải thứ để đàm phán hay thảo luận. Chế độ Taliban phải thực hiện ngay lập tức. Họ sẽ phải giao nộp những kẻ khủng bố, hoặc chịu chung số phận với chúng.

Cuộc chiến chống khủng bố của chúng ta khởi đầu với al-Qaeda, nhưng nó sẽ không chấm dứt ở đó, mà chỉ chấm dứt một khi toàn bộ các nhóm khủng bố trên phạm vi toàn cầu bị phát hiện, ngăn chặn và tiêu diệt.  

Người Mỹ đang hỏi rằng: tạo sao chúng (những kẻ khủng bố) lại căm ghét chúng ta? Chúng căm ghét điều chúng ta đang được chứng kiến ngay tại đây, trong căn phòng này – một chính phủ được bầu cử tự do. Trong khi đó, thủ lĩnh của chúng chỉ là những kẻ tự phong.

Chúng căm ghét những quan điểm tự do của chúng ta – tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do bầu cử, tụ tập và thể hiện chính kiến của mình…  

Chúng muốn lật đổ chính phủ hiện tại của nhiều quốc gia Hồi giáo, như Ai Cập, Ảrập Xêút, và Jordan. Chúng muốn đẩy Israel ra khỏi vùng Trung Đông. Chúng muốn đẩy các Cơ đốc nhân và người Do Thái ra khỏi những khu vực rộng lớn tại châu Á và châu Phi.

{keywords}
Trang nhất những tờ báo ở Mỹ được xuất bản một ngày sau vụ khủng bố 11/9. Ảnh: Wikipedia

Những kẻ khủng bố này không chỉ tước đoạt mạng sống, mà còn hủy hoại và triệt tiêu mọi con đường sống. Với những hành vi tàn bạo, chúng hy vọng rằng nước Mỹ sẽ trở nên sợ hãi, rút lui khỏi thế giới và bỏ rơi các nước bạn bè. Chúng chống lại chúng ta, vì chúng ta đang ngáng đường chúng.

Chúng ta sẽ không còn bị lừa gạt bởi vẻ ngoài tử tế của chúng, như những gì chúng ta đã được chứng kiến ở thời điểm trước đó. Chúng là những kẻ thừa kế các tư tưởng diệt chủng của thế kỷ 20. Bằng việc hy sinh mạng sống con người để phục vụ những quan điểm cực đoan của mình, bằng việc chối bỏ mọi giá trị trừ tham vọng quyền lực, chúng đang đi theo con đường của chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quốc xã... tới nơi mà những chế độ này cáo chung trong nấm mồ vô danh của những lời dối trá bị lịch sử lãng quên…  

Người Mỹ đang hỏi rằng: Chúng ta sẽ chiến đấu và chiến thắng cuộc chiến này như thế nào? Chúng ta sẽ chỉ đạo mọi nguồn lực theo mệnh lệnh của mình - mọi phương tiện ngoại giao, mọi công cụ tình báo, mọi công cụ thực thi pháp luật, mọi ảnh hưởng tài chính và mọi vũ khí chiến tranh cần thiết – để hủy hoại và đánh bại mọi mạng lưới khủng bố trên toàn cầu.

Cuộc chiến này sẽ không giống như cuộc chiến tại Iraq cách đây một thập kỷ, với một cuộc giải phóng lãnh thổ mang tính quyết định và một kết thúc chóng vánh. Nó sẽ không giống như cuộc không chiến ở Kosovo cách đây 2 năm, nơi không một lực lượng nào trên mặt đất được sử dụng và không một người Mỹ nào hy sinh trong trận chiến.

Câu trả lời của chúng ta không đơn thuần chỉ là một sự trả đũa ngay tức thì hay những cuộc tấn công đơn lẻ. Nhân dân Mỹ đừng hy vọng đây sẽ chỉ là một trận chiến, mà nó sẽ là một chiến dịch dài hơi, không giống như bất kỳ cuộc chiến nào khác mà chúng ta từng trải qua. Chiến dịch này vừa bao gồm các cuộc tấn công quyết liệt, có thể được theo dõi qua TV, vừa có những hoạt động bí mật, được giữ kín ngay cả khi chúng được thực hiện trót lọt.

Chúng ta sẽ triệt tiêu mọi nguồn tài chính của bọn khủng bố, khiến chúng phải đối đầu lẫn nhau, đẩy lùi chúng từ nơi này đến nơi khác, cho đến khi chúng không còn nơi nào để ẩn náu và nghỉ ngơi. Và chúng ta sẽ truy kích các quốc gia cung cấp viện trợ và nơi ẩn náu an toàn cho bọn khủng bố. Đã đến lúc các quốc gia, khu vực phải đưa ra quyết định của mình. Họ phải lựa chọn đứng về phía chúng ta hoặc đứng về phía bọn khủng bố. Kể từ ngày hôm nay, bất kỳ quốc gia nào tiếp tục che giấu và hỗ trợ khủng bố sẽ bị nước Mỹ xem như kẻ thù.  

{keywords}
Tổng thống George W. Bush đến New York động viên lực lượng cứu hỏa tại hiện trường vụ khủng bố 11/9. Ảnh: AP

Đất nước chúng ta đang đứng trước một lời cảnh báo: Chúng ta không hoàn toàn miễn nhiễm trước mọi cuộc tấn công. Vì thế, chúng ta sẽ phải tiến hành các biện pháp phòng vệ trước chủ nghĩa khủng bố để bảo vệ người dân Mỹ. Ngày nay, hàng chục cơ quan và bộ ngành cấp liên bang, cũng như các chính quyền cấp tiểu bang và địa phương, đều phải có trách nhiệm bảo đảm an ninh nội địa. Những nỗ lực này cần phải được cộng tác ở mức độ cao nhất. Vì vậy, trong buổi tối ngày hôm nay, tôi xin được thông báo việc thành lập một cơ quan cấp nội các có thể trực tiếp báo cáo tình hình cho tổng thống – Bộ An ninh nội địa.  

Và cũng trong tối hôm nay, tôi cũng xin được công bố một người Mỹ xuất sắc dẫn đầu nỗ lực này, nhằm củng cố an ninh của nước Mỹ: một cựu quân nhân, một thống đốc tài giỏi, một người yêu nước đích thực, một người bạn đáng tin cậy - Tom Ridge từ bang Pennsylvania. Ông ấy sẽ lãnh đạo, giám sát và điều phối một chiến lược quốc gia toàn diện để bảo vệ đất nước chúng ta trước chủ nghĩa khủng bố, và ứng phó với bất kỳ cuộc tấn công nào có thể xảy ra.

Những biện pháp này là rất cần thiết. Nhưng cách duy nhất để đánh bại chủ nghĩa khủng bố như một mối đe dọa đối với cuộc sống của chúng ta là phải ngăn chặn nó, loại bỏ nó và tiêu diệt nó ngay tại những nơi nó sinh sôi phát triển.

Nhiều người sẽ tham gia vào nỗ lực này, từ các đặc vụ FBI, các nhân viên tình báo cho đến những quân nhân dự bị được gọi đi nghĩa vụ. Tất cả đều xứng đáng nhận được lời cảm ơn và chúc phúc của chúng ta. Và tối nay, khi chỉ đứng cách Lầu Năm Góc đang bị hư hại có vài cây số, tôi có một thông điệp muốn gửi tới quân đội của chúng ta: Hãy sẵn sàng. Việc tôi gọi điện cảnh báo đến các lực lượng vũ trang đều có lý do của nó. Giờ là lúc nước Mỹ sẽ hành động, và các bạn sẽ khiến chúng tôi tự hào.

Tuy nhiên, đây không phải là cuộc chiến của riêng nước Mỹ, và thứ đang bị đe dọa không chỉ là sự tự do của riêng nước Mỹ. Đây là cuộc chiến của toàn thế giới. Đây là cuộc chiến của nền văn minh. Đây là cuộc chiến của tất cả những ai tin tưởng vào tiến bộ, lòng khoan dung và sự tự do.

Chúng tôi đề nghị tất cả các quốc gia hãy cùng tham gia nỗ lực của chúng tôi. Chúng tôi cũng đề nghị, và sẽ cần đến, sự giúp đỡ của lực lượng cảnh sát, các cơ quan tình báo, cũng như hệ thống ngân hàng trên toàn thế giới. Nước Mỹ xin bày tỏ lòng biết ơn đối với các quốc gia và tổ chức quốc tế đã phản hồi với sự cảm thông và ủng hộ. Các quốc gia này đến từ khu vực Mỹ Latin, châu Á, châu Phi, châu Âu và cả thế giới Hồi giáo. Hiến chương NATO dường như đã phản ánh rõ ràng nhất thái độ của thế giới vào lúc này: Một cuộc tấn công vào bất kỳ quốc gia thành viên nào đều được xem như cuộc tấn công vào tất cả những nước còn lại.

Thế giới văn minh đang sát cánh cùng nước Mỹ. Họ hiểu rằng nếu vụ khủng bố này không bị trừng phạt, các thành phố của họ, công dân của họ có thể trở thành nạn nhân tiếp theo. Chủ nghĩa khủng bố, nếu không được giải quyết, sẽ không chỉ phá hủy các công trình, mà còn có thể đe dọa tính ổn định của các chính phủ hợp pháp. Và các vị biết đó, chúng ta sẽ không cho phép điều này xảy ra.

{keywords}
Một góc khu tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố 11/9 ở New York. Ảnh: AP

Người Mỹ đang hỏi rằng: Có thể mong đợi điều gì từ chúng ta? Tôi yêu cầu các bạn hãy tiếp tục sống và che chở những đứa con của mình. Tôi biết rất nhiều người vẫn còn sống trong sợ hãi vào buổi tối ngày hôm nay, song tôi yêu cầu các bạn hãy bình tĩnh và quyết đoán, ngay cả khi phải đối mặt với mối đe dọa đang tiếp diễn. 

Tôi yêu cầu những người dân Mỹ hãy đề cao những giá trị của nước Mỹ, và hãy nhớ rằng tại sao rất nhiều người từng đến đất nước này. Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến bảo vệ những nguyên tắc của riêng mình, và trách nhiệm trên hết của chúng ta là phải sống sao cho đúng với những nguyên tắc đó. Không một ai phải trở thành nạn nhân của sự đối xử bất công hay những lời lẽ ác độc vì nguồn gốc dân tộc hay đức tin tôn giáo của mình… 

Tôi yêu cầu các bạn hãy tiếp tục hỗ trợ các nạn nhân của thảm kịch này bằng những đóng góp của mình. Những ai muốn giúp đỡ có thể truy cập trang web libertyunites.org, để tra cứu tên của những nhóm cung cấp sự hỗ trợ trực tiếp ở các bang New York, Pennsylvania và Virginia.

Hàng nghìn đặc vụ FBI vẫn đang điều tra vụ khủng bố và có thể cần đến sự hợp tác của các bạn, nên tôi yêu cầu các bạn hãy sẵn lòng cung cấp thông tin cho họ.

Tôi yêu cầu các bạn hãy kiên nhẫn, vì việc thắt chặt an ninh có thể đi kèm những trì hoãn và bất tiện; và các bạn cũng nên kiên nhẫn đối với thứ sẽ trở thành một cuộc chiến dài hơi.

Tôi yêu cầu người dân Mỹ hãy tiếp tục đóng góp và tin tưởng vào nền kinh tế Mỹ. Những kẻ khủng bố đã tấn công vào một biểu tượng cho sự thịnh vượng của nước Mỹ. Nhưng chúng không thể phá hủy gốc rễ của sự thịnh vượng đó. Nước Mỹ đạt được thành công nhờ vào sự chăm chỉ, sáng tạo và gan dạ của nhân dân Mỹ. Đó mới là sức mạnh thật sự của nền kinh tế nước Mỹ trước thời điểm vụ khủng bố ngày 11/9, và chúng vẫn là sức mạnh của chúng ta cho đến hôm nay.  

Và cuối cùng, xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho những nạn nhân của vụ khủng bố cùng thân nhân của họ, cho những ai đang khoác lên mình bộ quân phục, cũng như cho đất nước vĩ đại của chúng ta. Những lời cầu nguyện sẽ xoa dịu nỗi đau của chúng ta, và sẽ giúp chúng ta vững tin trên con đường phía trước… 

Tối nay, tôi xin cảm ơn toàn thể nhân dân Mỹ vì những gì các bạn đã và sẽ làm. Và thưa các vị đại biểu của Quốc hội, tôi xin cảm ơn các vị, những người đại biểu của nhân dân, vì những gì các vị đã làm được và những gì chúng ta sẽ làm cùng nhau.

Đêm nay, chúng ta phải đối mặt với những thách thức quốc gia mới mẻ và đường đột. Chúng ta sẽ phải cùng nhau cải thiện an toàn hàng không, mở rộng đáng kể số lượng cảnh sát trên các chuyến bay nội địa, và thực hiện các biện pháp mới để ngăn chặn không tặc. Chúng ta sẽ phải hợp tác để thúc đẩy sự ổn định và duy trì hoạt động của các hãng hàng không, cùng một sự hỗ trợ trực tiếp đối với tình trạng khẩn cấp hiện tại.

Chúng ta sẽ phải cùng nhau cung cấp cho cơ quan thực thi pháp luật các công cụ bổ sung cần thiết để theo dõi khủng bố ngay tại hang ổ của chúng. Chúng ta sẽ phải cùng nhau củng cố khả năng tình báo để biết được kế hoạch của những kẻ khủng bố trước khi chúng kịp hành động, và tìm ra chúng trước khi chúng kịp tấn công.

Chúng ta sẽ phải cùng nhau thực hiện các bước tích cực nhằm củng cố nền kinh tế Mỹ và đưa người dân của chúng ta trở lại làm việc.

Tối nay, chúng ta cùng chào đón hai nhà lãnh đạo thể hiện ý chí phi thường của toàn thể người dân New York: Thống đốc George Pataki và Thị trưởng Rudolph Giuliani. Như một biểu tượng cho quyết tâm của nước Mỹ, chính quyền của tôi sẽ làm việc với quốc hội, và hai nhà lãnh đạo này, để cho thế giới thấy rằng chúng ta sẽ tái thiết thành phố New York.

{keywords}
Các cựu Tổng thống George W. Bush, Barack Obama đến khu tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố 11/9. Ảnh: Obama's White House

Sau tất cả những gi đã trải qua - tất cả những sinh mạng bị tước đoạt, kéo theo những cơ hội và niềm hy vọng – sẽ là điều rất tự nhiên khi tự hỏi, liệu tương lai của nước Mỹ có chìm trong sợ hãi hay không. Thậm chí, một số người còn nói về thời đại của sự sợ hãi. Tôi biết rằng sẽ còn nhiều khó khăn phía trước, cũng như còn nhiều hiểm nguy phải đối mặt. Nhưng chính đất nước này mới là thứ quyết định thời đại của chúng ta, chứ không phải những thứ nêu trên. Chừng nào nước Mỹ vẫn kiên định và vững mạnh, sẽ không có thời đại của sự sợ hãi, mà chỉ có thời đại của tự do, ở nơi đây và trên toàn thế giới.  

Chúng ta đã phải gánh chịu những tác hại khôn cùng. Chúng ta đã phải chịu đựng những mất mát to lớn. Nhưng trong nỗi đau và sự căm phẫn, chúng ta vẫn tìm thấy trách nhiệm cũng như thời khắc của chính mình. Tự do và sợ hãi sẽ phải đối đầu nhau. Sự tiến bộ đối với tự do nhân loại - thành tựu vĩ đại trong thời đại của chúng ta, cũng như khát vọng lớn lao của mọi thời đại – giờ đây phụ thuộc vào chính chúng ta. Đất nước của chúng ta, trong thế hệ này, sẽ xóa tan bóng đen bạo lực khỏi người dân và tương lai của chúng ta. Bằng nỗ lực cùng lòng dũng cảm, chúng ta sẽ tập hợp toàn thế giới theo đuổi sứ mệnh này. Chúng ta sẽ không ngừng nghỉ, chúng ta sẽ không nản chí, và chúng ta sẽ không thất bại. 

Tôi hy vọng rằng trong nhiều tháng và nhiều năm tới, cuộc sống sẽ gần như trở lại bình thường. Chúng ta sẽ quay trở lại nhịp sống cùng thói quen của mình, và đó là một điều tốt. Ngay cả sự đau buồn rồi cũng sẽ được thời gian và những điều tốt đẹp khác xóa nhòa. Tuy nhiên, lòng quyết tâm của chúng ta không vì thế mà suy giảm. Mỗi chúng ta sẽ luôn khắc ghi những gì đã xảy ra vào ngày hôm đó, và nó đã xảy ra đối với những ai. Chúng ta sẽ luôn nhớ thời điểm khi tin tức này xảy đến. chúng ta đang ở đâu và đang làm gì. Một số người sẽ luôn nhớ đến hình ảnh của một đám cháy, hoặc câu chuyện về một người được giải cứu. Một số người sẽ vĩnh viễn mang theo ký ức về những khuôn mặt và giọng nói của những người đã khuất.

Và bản thân tôi sẽ luôn mang theo thứ này: chiếc khiên của một viên cảnh sát mang tên George Howard, người đã hy sinh tại Trung tâm Thương mại Thế giới khi đang cố gắng giải cứu nhiều người khác. Chiếc khiên được mẹ của anh ấy, Arlene, tặng lại cho tôi như một kỷ vật đáng tự hào đối với con trai của bà. Nó là lời nhắc nhở của tôi về những sinh mạng đã mất đi, và một nhiệm vụ không thể hoàn thành.

Tôi sẽ không quên vết thương này đối với đất nước của chúng ta, hay những kẻ đã gây ra nó. Tôi sẽ không nhân nhượng; Tôi sẽ không nghỉ ngơi; Tôi sẽ không ngừng tiến hành cuộc đấu tranh vì tự do và an ninh cho người dân Mỹ.

Dù chưa thể biết chắc diễn biến của cuộc xung đột này sẽ ra sao, nhưng kết quả nó đem lại là rất rõ ràng. Tự do và sợ hãi, công lý hay cái ác, luôn tồn tại song hành trong mọi cuộc chiến, và chúng ta đều biết rằng Chúa không hề đóng vai trò trung lập giữa chúng.

Thưa toàn thể nhân dân, chúng ta sẽ đối mặt với bạo lực bằng lòng kiên định vào công lý, được đảm bảo bởi sự chính nghĩa và niềm tin vào những chiến thắng sắp tới của chúng ta. Với tất cả những gì phía trước, cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự sáng suốt, và cầu xin Ngài phù hộ nước Mỹ.

Cảm ơn quý vị.

Việt Anh (giới thiệu)

Ông Biden lệnh công bố tài liệu giải mật về thảm họa khủng bố 11/9

Ông Biden lệnh công bố tài liệu giải mật về thảm họa khủng bố 11/9

Nhà Trắng thông báo sẽ bắt đầu giải mật tài liệu liên quan các vụ tấn công khủng bố Mỹ ngày 11/9/2001 và công bố chúng trước cuối năm nay theo lệnh của Tổng thống Joe Biden, nhân kỷ niệm 20 năm thảm kịch.

Mỹ phá âm mưu đánh bom đài tưởng niệm 11/9

Mỹ phá âm mưu đánh bom đài tưởng niệm 11/9

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã phá vỡ một âm mưu đánh bom đài tưởng niệm 11/9 và nhiều nơi khác trong thành phố New York.