Cuối tháng 11 vừa qua, đoàn famtrip trải nghiệm du lịch Long An thuộc khuôn khổ Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024 đã được tổ chức nhằm giới thiệu với các đại biểu về các tiềm năng thế mạnh du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Famtrip đưa du khách ghé thăm một số di tích lịch sử nổi tiếng như: lăng mộ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức, Công viên tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, chùa Tôn Thạnh,... cùng một số điểm du lịch đang được du khách quan tâm.

Du khách còn được tìm hiểu về nghề làm trống nổi tiếng ở làng trống Bình An (huyện Tân Trụ) và thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử trong chuyến du ngoạn trên sông Vàm Cỏ Đông.

B23 A1.jpg
Một góc Long An nhìn từ trên cao

Cần xây dựng một thương hiệu du lịch mạnh mẽ

Xuất phát điểm của Long An là địa phương có nền sản xuất nông nghiệp lâu đời thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lịch sử địa phương gắn liền với nông thôn, nông nghiệp truyền thống.

Do đó, hình thái nông thôn tương đối đa dạng cả về ngành nghề, chủng loại cây trồng, vật nuôi; với các sản phẩm nông sản tiêu biểu như: thanh long (Châu Thành), khoai mỡ (Thạnh Hóa), khóm, chanh (Bến Lức), rau (Cần Giuộc), gạo Nàng thơm Chợ Đào (Cần Đước), nếp (Thủ Thừa), …

Đặc biệt, tỉnh có nhiều nghề truyền thống như: nghề làm bánh in truyền thống (Cần Đước); nghề rèn truyền thống xã Nhị Thành (Thủ Thừa); nghề chế tác kim hoàn (Cần Giuộc); nghề truyền thống đan cỏ bàng tại ấp Lộc Thuận, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa;…

Cùng với đó là các làng nghề, làng nghề truyền thống nổi tiếng, điển hình như: Làng mai Tân Tây (Thạnh Hóa), Làng nghề truyền thống Chiếu Long Cang (Cần Đước); Làng nghề truyền thống Trống Bình An (Tân Trụ); Làng nghề truyền thống mây, tre, đan Bến Long (Đức Hòa);…

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP ra đời từ năm 2018 đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, nhất là các giá trị văn hóa của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 231 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 - 4 sao mang nét đặc trưng của địa phương.

Tỉnh có 126 di tích lịch sử văn hóa, 3 công trình văn hóa có tính lịch sử, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia, 105 di tích cấp tỉnh. Giai đoạn 2010 - 2023, tỉnh có khoảng 40 di tích lịch sử văn hóa được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa với tổng nguồn vốn hơn 325 tỉ đồng.

Về vị trí địa lý của tỉnh, Long An là cầu nối giữa khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh ĐBSCL. Tỉnh còn sở hữu hệ thống tài nguyên thiên nhiên đa dạng, sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây là hai tuyến sông lớn, tạo điều kiện cho du lịch đường thủy, và hệ thống kênh rạch chằng chịt giúp phát triển loại hình du lịch miệt vườn, khám phá cảnh sắc sông nước. Rừng tràm Láng Sen – khu Ramsar quốc tế, mang đậm nét đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước.

Với những tiềm năng nói trên, phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng thương hiệu du lịch Long An được đánh giá là hướng đi chiến lược, không chỉ khai thác lợi thế về cảnh quan, văn hóa, và đặc sản địa phương, mà còn góp phần đưa Long An trở thành điểm đến hấp dẫn trong vùng miền Tây Nam bộ.

Đến nay hoạt động du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn ở Long An đang phát triển tích cực, được nhiều du khách trong, ngoài tỉnh biết đến và tham gia trải nghiệm như: du lịch sinh thái giáo dục trải nghiệm Chavi Garden (huyện Bến Lức); du lịch Làng nổi Tân Lập và khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười (huyện Mộc Hóa)…

Đây là loại hình du lịch mang lại nhiều cơ hội làm việc cho người lao động; giúp cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân tại khu vực nông thôn; là điều kiện để quảng bá, giao lưu, trao đổi văn hóa, các sản phẩm OCOP đặc trưng của mỗi địa phương vùng miền,…

Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đem lại lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường; góp phần bảo tồn đa dạng sinh thái, làm mới địa phương theo hướng xanh, sạch, đẹp và nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng với phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững ngành du lịch, một số chuyên gia đề nghị Long An cần xây dựng một thương hiệu du lịch mạnh mẽ, phản ánh đúng bản sắc địa phương và thu hút du khách. Việc xây dựng thương hiệu không chỉ giúp Long An tạo dựng vị thế trên bản đồ du lịch mà còn là công cụ để quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử, và thiên nhiên độc đáo.

Theo đại diện UBND tỉnh, những năm qua, Long An đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, so với tiềm năng, du lịch Long An đòi hỏi cần phải có những nỗ lực rất lớn, nhiều hơn nữa trong mục tiêu phát triển thương hiệu, tính chuyên nghiệp cũng như chất lượng tốt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay. Trong đó có yếu tố về nhân lực, nhất là về chuyên môn, các kỹ năng nghiệp vụ.

Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa du lịch, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, dịch vụ hỗ trợ để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch; liên kết vùng cùng nhau khai thác tài nguyên du lịch của từng địa phương nhằm hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng có tính liên vùng, hấp dẫn, kết nối tạo tour/tuyến. Qua đó, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Long An.