Phong trào xây dựng nông thôn mới thấm đến từng cán bộ, đảng viên và người dân
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Sau nhiều năm triển khai, thực hiện, chương trình trở thành một phong trào lớn lan tỏa đến từng cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn tỉnh Long An.
Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã huy động trên 100.000 tỉ đồng (trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp trên 1.000 tỉ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án gần 3.500 tỉ đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp, người dân gần 800 tỉ đồng; vốn tín dụng trên 95.500 tỉ đồng) đầu tư kết cấu hạ tầng cho các địa phương đạt chuẩn theo lộ trình; đầu tư cho chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chương trình phát triển kinh tế tập thể, chương trình chuyển đổi số;...
Toàn tỉnh hiện có 120/161 xã đạt chuẩn NTM, đạt 74,5% so với tổng số xã và đạt 84,5% giai đoạn 2021-2025; có 28 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 49,12% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025; có 4/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM (Châu Thành, Tân Trụ, Tân An và Kiến Tường), đạt 40% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Năm nay, ngoài 9 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2023, tỉnh phấn đấu có thêm 12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có thêm 1 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM (huyện Cần Đước), 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (huyện Châu Thành).
Ứng dụng công nghệ cao là điều kiện bắt buộc trong xây dựng NTM
Trong hành trình xây dựng Nông thôn mới bền vững, với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, tỉnh Long An tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, giá trị nông sản hướng đến phát triển bền vững,...
Trên tinh thần đó, tỉnh đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng tại chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của chương trình đến năm 2025, diện tích ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến đối với cây lúa là 60.000ha (hiện đạt 30.000ha), thanh long 6.000ha (hiện gần 4.000ha), rau 2.000ha (hiện 1.800ha), cây chanh 3.000ha (295ha), tôm nước lợ 100ha (hiện 10 ha); xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (7 vùng lúa, 1 vùng chanh, 1 vùng thanh long) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, phấn đấu lợi nhuận của người dân trong vùng triển khai chương trình tăng ít nhất 10% so với ngoài vùng; củng cố THT, HTX hiện có và thành lập mới ở những nơi đủ điều kiện. Đến năm 2025, ít nhất 50% HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động có hiệu quả.
Theo đó, Long An hiện là địa phương đứng thứ tư khu vực ĐBSCL về sản lượng lúa, với gần 3 triệu tấn/năm. Hiện Long An đã có gần 30.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao (kế hoạch là 60.000ha), trong đó, trên 11.500ha ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến.
Năm ngoái tỉnh đã xây dựng được gần 30 mô hình điểm về ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa với diện tích 1.300ha, tiếp tục duy trì mô hình đã triển khai, thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 với 115 mô hình; xây dựng 2 mô hình điểm về rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2ha, tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình giai đoạn 2016 - 2020 với diện tích 1.772ha; xây dựng 12 mô hình điểm về thanh long ứng dụng công nghệ cao với diện tích 120ha, tiếp tục nhân rộng 665ha thanh long ứng dụng công nghệ cao và duy trì 7 mô hình với diện tích 140ha; xây dựng 15 mô hình điểm về chanh ứng dụng công nghệ cao với diện tích 150ha, nhân rộng 22 mô hình chanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, diện tích 220ha; xây dựng 3 mô hình điểm chăn nuôi bò thịt ứng dụng côn nghệ cao và hỗ trợ 29 mô hình nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao trong tỉnh…
Để nâng cao giá trị trên từng đơn vị đất sản xuất nông nghiệp, Long An đang rà soát, bổ sung quy hoạch chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, chú trọng xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP… Đồng thời, tỉnh cũng tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này để đảm bảo các yêu cầu về nguồn lực đầu tư, lực lượng lao động có trình độ quản lý và tay nghề cao cũng như đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang tích cực tập trung triển khai chuyển đổi số như: Ứng dụng phần mềm trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm an toàn; quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; quản lý các chỉ dẫn địa lý; áp dụng thiết bị bay không người lái; ứng dụng công nghệ số để thực hiện quan trắc tự động, theo dõi giám sát tự động mực nước, độ mặn; ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin để tự động hóa một số khâu trong quy trình sản xuất chăn nuôi.
Từ trải nghiệm thực tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đánh giá, khi tham gia chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây rau, lúa, chanh, thanh long và con bò, tôm, nông dân hưởng nhiều lợi ích như được hỗ trợ vốn xây dựng mô hình; ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật trong quá trình canh tác; lợi nhuận tăng trên cùng diện tích canh tác;... Đặc biệt là khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn hiện nay, nhất là vào mùa thu hoạch lúa. Qua đó, giúp nhiều địa phương thành lập được tổ hợp tác, Hợp tác xã, xây dựng được các sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Bởi vậy, tại Long An, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, của công nghệ được xem là một trong những điều kiện bắt buộc để các địa phương về đích xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.