Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện bộ tiêu NTM giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1260/QĐ-UBND ngày 22/6/2022 của UBND tỉnh An Giang.

Xác định xây dựng nông thôn mới hướng đến những lợi ích của bà con Nhân dân, trong đó, gắn liền phát triển song hành nông nghiệp – nông thôn. Từ đó, có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, hỗ trợ nông dân trên địa bàn có được những điều kiện thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng lợi nhuận và năng suất thu hoạch.

Nhờ đó, khu vực nông thôn đã có bước phát triển rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Điểm nổi bật trong xây dựng NTM tỉnh Long An đã đạt được trong giai đoạn trước là kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ và từng bước theo hướng hiện đại.

Với phương châm nông dân là chủ thể xây dựng NTM, nhiều địa phương tạo mọi điều kiện khuyến khích nông dân thi đua sản xuất, làm giàu ngay tại quê hương. Ngoài ra, tỉnh cũng có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nhằm gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ... Theo đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực.

Một góc nông thôn ở Long An

Các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung được hình thành và ứng dụng công nghệ cao bước đầu có hiệu quả. Chất lượng nông sản ngày càng tăng, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn lên 65 triệu đồng/người/năm (năm 2022).

Song song đó, các thiết chế văn hoá-giáo dục-y tế ngày càng được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân nông thôn.

Hiện, tỉnh Long An có 116 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến, đến cuối năm 2022 sẽ công nhận thêm 4 xã NTM, nâng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh lên 120 xã, đạt 101% kế hoạch Trung ương giao. Có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Về kết quả xây dựng nông thôn mới cấp huyện, đã có 4/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, gồm: Châu Thành, huyện Tân Trụ, Tân An và thị xã Kiến Tường, đạt 100% kế hoạch năm 2022.

Để các phong trào đi vào chiều sâu, tạo sự lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tích cực triển khai các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với chương trình xây dựng NTM, từ đó phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân. Các phong trào đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia, trở thành hoạt động thường xuyên, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ngoài ra, Hội cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ cho nông dân về ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; tư vấn, hỗ trợ nông dân về khoa học - kỹ thuật và ứng dụng công nghệ mới, đào tạo và dạy nghề... nhằm tạo điều kiện giúp các hộ nông dân phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Tại buổi làm việc với tổ kiểm tra, giám sát của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng nông thôn mới ở Long An năm 2022 hôm qua (29/11), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cho biết, Long An sẽ thực hiện xây dựng "ấp nông thôn mới" để người dân đều được hưởng thụ thành quả nông thôn mới. Nếu thực hiện điều này, Long An là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng "ấp nông thôn mới".

"Xây dựng nông thôn mới sẽ có nơi này, nơi kia phát triển cao thấp. Xây dựng ấp nông thôn mới để mọi người đều được hưởng thụ thành quả", ông Lâm chia sẻ.

Yến Hưng