Nhiều mô hình, dự án hỗ trợ người nghèo

Có hoàn cảnh khó khăn, lại bệnh tật, chị Kim Băng (thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ) được Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn xét cho vay vốn Ngân hàng Chính sách huyện với số tiền 50 triệu đồng để chăn nuôi. Chị Băng còn được hội phụ nữ thị trấn tặng 1 xe nước mía. Nhờ sự trợ giúp và nỗ lực vươn lên, chị Băng mở được một cửa hàng nước giải khát, thuê thêm đất để tăng gia sản xuất, từng bước phát triển kinh tế và thoát nghèo. 

Chị Băng là một trong nhiều gia đình được hỗ trợ bởi mô hình “Giảm nghèo cho nữ chủ hộ nghèo” do Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Long An triển khai. Trong giai đoạn 2017-2021, mô hình đột phá này đã giúp gần 5.000 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo. Ngoài huy động được nhiều nguồn lực để cho vay, hỗ trợ chị em, các cấp hội còn phát động hội viên, phụ nữ tham gia tiết kiệm, tạo thêm nguồn vốn sản xuất, kinh doanh. Đến nay nguồn vốn từ mô hình tiết kiệm tín dụng, góp vốn xoay vòng gần 300 tỷ đồng, giúp cho gần 190.000 lượt hội viên, phụ nữ mượn để sản xuất, phát triển kinh tế. 

Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, giúp người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương tại Long An thực hiện nhiều chương trình, sử dụng hợp lý các nguồn vốn, áp dụng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu, hướng dẫn các hộ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động.

Như tại Bến Lức, sau 2 năm xây dựng, triển khai mô hình “Giảm nghèo bền vững” do UB MTTQ Việt Nam tỉnh Long An phát động, có 15 mô hình được UB MTTQ Việt Nam từ huyện đến cơ sở thực hiện với tổng số tiền hỗ trợ 377 triệu đồng, góp phần giúp đỡ cho 38 hộ thoát nghèo. Các mô hình tiêu biểu như: Xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; Hỗ trợ bò sinh sản; Hỗ trợ vốn sản xuất, giới thiệu việc làm giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững; Hỗ trợ vốn sản xuất và tiền khám chữa bệnh nan y cho hộ nghèo… vẫn đang được nhân rộng góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo tại địa phương.

Được biết trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Long An đã giảm 2,51% tỷ lệ hộ nghèo; bình quân, mỗi năm giảm được 0,63%; đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (đầu năm 2016) 4,03% xuống còn 1,52% (cuối năm 2019). 

Nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo mô hình hỗ trợ bò sinh sản  - ảnh: Báo Long An

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An, giai đoạn này, trên cơ sở nguồn vốn hàng năm được Trung ương phân bổ, tỉnh Long An triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ngoài ra tỉnh đẩy mạnh xã hội hoá công tác giảm nghèo, huy động nguồn lực thực hiện chương trình, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các xã biên giới, xã bãi ngang, khuyến khích dạy nghề gắn với tạo việc làm trong nước hoặc xuất khẩu lao động; lồng ghép mục tiêu giảm nghèo bền vững vào các chương trình phát triển KT-XH của từng địa phương, chương trình xây dựng nông thôn mới...

Với các giải pháp giảm nghèo bền vững đồng bộ, công tác giảm nghèo của tỉnh góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tạo điều kiện thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển. 

Phấn đấu mỗi năm giảm 10% tổng số hộ nghèo theo chuẩn đa chiều

Đến tháng 8/2022, toàn tỉnh Long An hiện còn 6.234 hộ nghèo trên tổng số 479.632 hộ dân đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, chiếm 1,3%; 11.586 hộ cận nghèo, chiếm 2,42%. 

Mục tiêu của Long An là đến cuối năm 2022 có 15% trên tổng số 6.234 hộ nghèo trên toàn tỉnh giảm nghèo bền vững. Hội đồng nhân dân tỉnh Long An đã thống nhất phân bổ vốn năm 2022 cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để thực hiện các dự án giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí gần 32 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển trên 7 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 25 tỷ đồng.

Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 20/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Long An đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, bình quân mỗi năm giảm 10% tổng số hộ nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều; đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định; đảm bảo nguồn vốn cho vay 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định.

Mô hình nuôi dê sinh sản tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo - ảnh: báo Long An

Long An đã đề ra nhiều giải pháp như tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình giảm nghèo phù hợp với từng địa bàn, nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng sâu, vùng xa của tỉnh;…

Bên cạnh đó tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về công tác giảm nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững; Động viên, hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo; Nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Long An chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khuyến khích hộ nghèo vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no”.

Tỉnh cho biết sẽ sử dụng hiệu quả, kịp thời nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và bố trí thêm nguồn vốn địa phương để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng mô hình giảm nghèo của tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kêu gọi, vận động từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh thông qua các phong trào, cuộc vận động Tháng hành động vì người nghèo, chung tay ủng hộ Quỹ vì người nghèo. Huy động thêm sự đóng góp của người dân thực hiện các mô hình giảm nghèo…

N.M