Để đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, thời gian qua, tỉnh Long Anh và nhiều địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu long đã quan tâm xây dựng trường mầm non công lập phục vụ riêng con công nhân lao động.

Tuy nhiên, do sự phát triển dân số cơ học ở các địa bàn này quá lớn, nên số trường mầm non ở khu vực này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, khiến cho nhiều công nhân vẫn không yên tâm.

Mấy năm trước chị Phương Anh đã phải rất vất vả mới tìm được chỗ gửi cô con gái 3 tuổi, sau khi quyết định chuyển từ Quảng Trị về đầu quân cho một doanh nghiệp sản xuất giày thể thao nằm trong khu công nghiệp Đức Hòa, tỉnh Long An.

Mặc dù dự liệu được tình huống này, chị liên hệ sẵn từ sớm, nhưng tới nơi, hầu hết các cơ sở mầm non mà chị “gõ cửa” đều có chung câu trả lời, lớp đông, quá tải. Vòng đi vòng lại mãi, cuối cùng chị tìm được một cơ sở tư thục cách nhà trọ hơn 3km, chịu nhận giữ bé, để chị có thể đi làm theo ca, theo kíp.

{keywords}
Ảnh minh họa: Học sinh mầm non học ngoại khóa

Ở quê nhà Gia Lai, không tìm được việc làm, chị Thúy và chồng rất háo hức khi cả hai được tuyển vào làm công nhân tại một doanh nghiệp trong khu công nghiệp Bến Lức. Gói ghém vội vàng vài bộ quần áo, 2 vợ chồng chị đèo xe máy đưa 3 đứa con di chuyển xuống Long An. Tuy nhiên, chị Thúy đã thất vọng, khóc sưng cả mắt khi không tìm được chỗ gửi bọn trẻ. Chẳng còn cách nào, chị đành phải ở nhà trông 3 đứa trẻ đang trong độ tuổi lớp mầm, lớp chồi. Cả gia đình 5 con người chỉ trông vào đồng lương công nhân của người cha…. giật gấu vá vai, vất vả đủ đường, nhưng “nghèo riết nên quen rồi”. Điều mà chị lo lắng là những đứa trẻ ở nhà miết, không được tới lớp, tới trường sẽ không bằng bạn bằng bè.

Trường hợp như chị Vy và chị Phương Anh từng khá phổ biến tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Long An nói chung và nhiều khu, cụm công nghiệp khác trong cả nước. Hàng Năm, cứ vào đợt tuyển sinh đầu năm học, nhiều trường mầm non buộc phải từ chối, không thể nhận thêm trẻ vì quá tải. Nhưng cho dù từ chối nhận thêm trẻ nhưng ở các trường mầm non cũng liên tục tăng đột biến về sĩ số so với năm học trước. Điều này dẫn đến, các trường chịu nhiều áp lực về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, đồ dùng dạy học và đặc biệt ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Nghịch lý này xảy ra khi các địa phương tăng tốc phát triển, tình trạng di dân đến một số tỉnh, huyện, nơi có các cụm công nghiệp, khu công nghiệp ngày càng đông, gây áp lực cho các địa phương trong việc giải quyết vấn đề trường, lớp cho con em công nhân.

Theo ghi nhận, tại Long An, hệ thống mạng lưới giáo dục mầm non hiện thiếu 70 phòng học cho trẻ 0-2 tuổi và 170 phòng cho trẻ 3-5 tuổi nên các cơ sở dạy học công lập chưa đáp ứng yêu cầu nhận trẻ trong giờ hành chính. Do đó, việc gửi con của nữ công nhân, lao động hiện gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, toàn tỉnh đã có 35/64 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Tổng số công nhân nữ ở các khu công nghiệp này lên tới hơn 60.000 người. Trong đó, lao động nữ làm theo giờ hành chính khoảng trên 50.000 người và làm theo ca cũng vào khoảng 10.000 người.

Sự phát triển này tạo sức ép rất lớn cho hệ thống giáo dục mầm non vốn chưa phát triển đủ mạnh, đủ đáp ứng nhu cầu của người lao động tại các khu vực có khu, cụm công nghiệp.

Hiện nay, Long An đã bắt đầu triển khai thực hiện khát vọng “Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu vùng ĐBSCL và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam” nên sẽ hấp dẫn một lượng lớn công nhân, người lao động từ các nơi đổ về trong thời gian tới.

Để chuẩn bị, nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh đã có những động thái, khẩn trương triển khai, xây dựng trường, lớp cho con em công nhân vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh nhằm hỗ trợ phát triển, mở rộng mạng lưới trường lớp, cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, đáp ứng nhu cầu gửi con và tạo điều kiện cho người lao động yên tâm công tác tại các địa phương có khu, cụm công nghiệp: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước và Cần Giuộc.

Cụ thể, Long An đã triển khai “Giải quyết vấn đề trường, lớp ở các khu, cụm công nghiệp cho con em công nhân vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An giai đoạn 2017-2020” với tổng kinh phí đầu tư trên 403,1 tỉ đồng, trong đó, nguồn kinh phí vận động xã hội hóa 179,4 tỉ đồng, ngân sách nhà nước đầu tư 223,7 tỉ đồng.

Đối với nguồn vận động xã hội hóa, tỉnh đầu xây dựng 19 trường mầm non; nhóm, lớp mẫu giáo độc lập; nhóm trẻ tư thục trên địa bàn 4 huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh có khu, cụm công nghiệp: Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa. Từ nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh đã đầu tư xây dựng thêm 107 phòng học mầm non.

Tuy nhiên, với mục tiêu, chiến lược phát triển trong giai đoạn mới, số lượng cơ sở mầm non như hiện nay sẽ là chưa đủ. Long An cần tính đến một đề án mới đủ lớn, đủ dài hơi cho hệ thống trường lớp mầm non, theo kịp đề án phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, để làm được điều này, chỉ một mình Long An, chỉ một mình các địa phương triển khai thì chưa đủ, cần có thêm những tiếp sức thực tế từ phía trung ương.

Với quyết tâm cao, với khát vọng giữ vững vị trí dẫn đầu vùng, Long An trước mắt sẽ tìm được hướng đi, tìm được cách khắc phục được khó khăn trong việc cung ứng đủ trường lớp, mầm non cho công nhân lao động. Vì chỉ khi người lao động yên tâm thì họ mới gắn bó lâu dài, mới chung tay cùng địa phương thực hiện các khát vọng lớn lao.

Cửu Long