- Khách ngồi chưa ấm chỗ thì đã thấy một người phự nữ đến và nhẹ nhàng đặt một chiếc mâm xuống giữa nhà, trong mâm có một chõ xôi mới đồ và một ít nước chấm được nấu từ cá và ếch. Ngay lúc đó, chủ nhà cũng vào lấy một ít nước suối để khách rửa tay sau đó vào ăn xôi.

Chúng tôi phải đi bộ mất gần 10km đường rừng mới đến được Bản Aki, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).

Phong tục đặc biệt

Bản có 21 hộ với 190 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Macoong, bà con sống chủ yếu bằng nghề trỉa lúa nếp, trồng sắn và chăn nuôi gia cầm.

Cuộc sống hoàn toàn dựa vào tự nhiên nên còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng lòng mến khách của đồng bào nơi đây thì vô cùng đặc biệt.

{keywords}

Một góc bản Aki.

Vì bản nằm sâu trong núi, đường sá đi lại khó khăn nên những người đến được với bản chỉ tính trên đầu ngón tay. Những lần bản có khách lạ đến thăm, lòng hiếu khách của dân bản lại làm khách ngỡ ngàng.

Chúng tôi vào đến bản thì trời cũng đã xế chiều, đi cùng chúng tôi còn có ông Nguyễn Diều, Phó chủ tịch HĐND xã Thượng Trạch.

Trên đường vào bản, đoàn chúng tôi gặp vợ chồng anh Đinh Tiến (trưởng bản) đang xúc cá ở con suối Aki về nấu bữa tối cho cả nhà, biết bản có khách lạ, vợ chồng anh thu dọn đồ về ngay mà không cần ông Diều phải nói gì.

Vào nhà trưởng bản ngồi chưa ấm chỗ thì chị Y Thực bước vào nhà, trên đầu có đội một chiếc mâm. Trong mâm đựng một chõ xôi vừa đồ đang nóng hổi và một bát nước chấm được nấu từ ếch, cá mà cả ngày chị và con bắt được dưới suối.

{keywords}

Một trong những mâm xôi mà bà con mang đến mời khách đường xa

Cũng ngay lúc đó, trưởng bản Đinh Tiến vào nhà lấy ra một ít nước suối để trước cửa rồi bảo chúng tôi ra rửa tay.

Thấy chúng tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì thì ông Nguyễn Diều giải thích, thấy bản có khách nên họ đưa cơm tới mời vì biết khách đi đường xa chắc sẽ đói.

Đồng bào ở đây ăn xôi, không cần bát đũa gì mà chỉ lấy tay vắt nên mới lấy nước cho khách rửa tay trước khi ăn.

Khi khách đã lưng bụng, chỉ cần nói Xà Khi (tức là cảm ơn, ngon lắm) thì chị Y Thực mới bưng phần xôi còn lại về nhà. Đó cũng chính là bữa tối của cả gia đình chị.

Tầm 5 phút sau, lại có một người phụ nữ khác bưng xôi đến, lần này xôi được để trong một chiếc mâm sắt, bên trên còn có một chén chẻo (được giã từ ớt rừng và muối trắng).

Sau đó lần lượt có thêm mấy người nữa cũng bưng đồ ăn đến mời, vợ chủ nhà cũng nhanh chóng đồ xôi rồi bưng ra mời khách.

Mặc dù đã rất no nhưng chúng tôi vẫn vắt một ít xôi trong mỗi mâm để làm vui lòng người mang đến, khách chưa ăn và chưa cảm ơn thì chủ nhân vẫn chưa bưng xôi về.

Khách là trên hết

Trong này đường sá đi lại khó khăn, không có điện thắp sáng, không có sóng điện thoại nên sự xuất hiện của chúng tôi là hoàn toàn bất ngờ, không hề báo trước.

Dường như lòng mến khách đã ăn sâu vào tiềm thức của những người đi cả năm vẫn chưa hết rừng. Ông Nguyễn Diều cho biết, chỉ cần thấy bản có khách, dù là thân hay sơ, khách vào nhà ai thì họ sẽ bưng đồ ăn đến nhà đó mời.

{keywords}

Giã gạo, sảy gạo đồ xôi

Gia đình hôm đó ăn gì họ sẽ mời thứ đó, có thịt mời thịt, có rau mời rau, có sắn mời sắn. Sau khi khách ăn xong thì chủ nhà mới được phép bưng về ăn.

Thầy Nguyễn Văn Thảo, một trong hai thầy giáo cắm bản vừa cười vừa kể lại: “Hồi mới lên đây, ngày nào dân bản cũng đưa xôi sang mời thầy. Ăn mấy ngày như thế thì chúng tôi phải cắt rừng ra lấy gạo, vì ăn xôi không quen”.

Tối đó, bên bếp lửa hồng, trưởng bản Đinh Tiến lại kể: “Trước đây tôi đi bộ đội, họ cho ăn cơm tẻ nên tôi ăn một lúc 7 bát cơm vẫn cứ thấy đói, nhớ xôi của dân tộc mình lắm, lần nào về cũng ăn no căng bụng mới thôi”.

Người dân ở đây đi rừng đi rẫy cả ngày nên chỉ có ăn xôi mới giúp họ no lâu, xôi là thức ăn không thể thiếu trong cuộc sống của bà con dân bản.

“Chúng tôi ở đây có phong tục, khi bản có khách lạ, nếu khách vào nhà ai trước thì phải ở lại luôn nhà đó.

Chúng tôi ăn gì khách ăn nấy, tư trang hành lí của khách cũng được đưa ra cùng kiểm tra, nếu sau hôm đó có mất mát gì thì chủ nhà phải chịu trách nhiệm đền bù toàn bộ.

Nói thì nói thế chứ dân bản đây cái bụng tốt lắm, không lấy của ai cái gì bao giờ.

Nếu theo phong tục thì tối nay nhà báo phải ở lại nhà tôi, nhưng vì nhà báo còn công việc nên tôi “tha” cho”. Nói rồi trưởng bản cười khà khà xóa đi màn đêm tĩnh mịch.

Ngày về, bà con còn đùm nắm xôi gửi nhà báo mang theo để ăn trên đường. tình cảm của bà con dân bản đã làm ấm cái rét ngọt nơi vùng biên giới.

Hải Sâm