Xác định công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và tạo việc làm bền vững là nhiệm vụ quan trọng, mang tính căn cơ, thiết thực trong thực hiện công tác giảm nghèo theo hướng bền vững, đa chiều, bao trùm, huyện Long Phú đa dạng hình thức hỗ trợ.
Các hoạt động này nhằm giúp người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... có việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Năm 2024, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và các chương trình khác, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Long Phú triển khai kế hoạch phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú trọng các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Ngoài việc rà soát, tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện còn phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện các quyết định phân khai chỉ tiêu để các địa phương thực hiện và hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề của năm 2024 đã đề ra.
Cách làm này giúp công tác đào tạo nghề của huyện Long Phú tạo được sự đồng thuận, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của lao động nông thôn. Từ đó, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao, người lao động cải thiện thu nhập, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của địa phương.
9 tháng đầu năm, trên cơ sở phối hợp với các xã, thị trấn thống kê, rà soát nhu cầu đăng ký học nghề, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Long Phú tổ chức được 90 lớp đào tạo nghề với hơn 1.600 người tham gia. Trong số này, nguồn vốn từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giúp huyện tổ chức được 20 lớp với 360 học viên. Số còn lại được thực hiện từ nguồn ngân sách của UBND tỉnh, các chương trình MTQG khác.
Ngoài ra, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên phối hợp một công ty tư vấn 2 lao động có nhu cầu lao động ở nước ngoài có thời hạn, nâng tổng số lao động đi xuất khẩu ở huyện Long Phú từ đầu năm đến nay lên 40 người, vượt xa chỉ tiêu đề ra.
Trong năm 2023, huyện Long Phú đã giải quyết việc làm cho hơn 2.700 lao động. Trong đó, lao động làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở nước ngoài là 28 người; đào tạo nghề cho 758 người.
Long Phú xác định nguyên tắc coi trọng chất lượng đào tạo, gắn với giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề, thực tế theo thống kê, lao động sau khi được học nghề có việc làm ổn định đạt trên 95%.
Trên địa bàn huyện Long Phú thời gian qua xuất hiện nhiều mô hình dạy nghề có hiệu quả, như: đan đát hàng thủ công mỹ nghệ bằng dây lục bình xã Hậu Thạnh, kết cườm xã Trường Khánh. Đa số sau khi được đào tạo nghề này đều nhận nguyên liệu về nhà, tranh thủ lúc nhàn rỗi để gia công, kiếm thêm thu nhập.
Một trong những hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn có thu nhập thấp được tham gia lớp học nghề kết hạt cườm là bà Kim Thị Hoàng, ở ấp Trường Thọ, xã Trường Khánh. Kết thúc lớp học, bà và người dân trong ấp nhận nguyên liệu về nhà làm gia công cho cơ sở. Tùy các sản phẩm làm ra, cơ sở thu mua với giá thỏa thuận, bình quân từ 50.000 - 100.000 đồng/sản phẩm. Nhờ có nghề được đào tạo, bà Hoàng và nhiều người dân có việc làm ổn định, thu nhập gia đình tăng lên, cuộc sống đã bớt khó khăn.
Hiệu quả từ công tác đào tào nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo ở huyện Long Phú. Trong năm 2023, toàn huyện có 892 hộ thoát nghèo, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo về còn 4,53%.
Một trong những khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là do nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề; tâm lý không muốn xa gia đình. Ngoài ra, một lực cản với công tác này là hạn chế về trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tay nghề của người lao động. Thời gian tới, huyện Long Phú xác định tăng cường tuyên truyền, vận động giúp bà con chuyển nhận thức, tư duy, tăng hiệu quả của công tác đào tạo nghề.