Thầy chủ nhiệm vỗ vai chúng tôi: học giỏi mới chỉ là lý thuyết, làm giỏi mới là điều xã hội cần. Học giỏi chưa chắc đã làm giỏi. Lại có người học bình thường mà làm lại rất giỏi. Ấy mới là tốt nghiệp trường đời. Thầy mong lớp D ta, từ nay vừa học hay, vừa cày giỏi, các em nhé?
Hồi học phổ thông cấp 3 (nay gọi là THPT), khối có 4 lớp, chúng tôi học lớp D. Có lần kiểm tra bài cũ, lần lượt cả mấy học sinh khá không hiểu sao cứ ú ớ, thầy giáo nửa thật nửa đùa nói vẻ ngắc ngứ là... "lớp dờ-ôt-dôt-sắc-dốt"! Cả lớp cười ồ lên nhưng ngay lập tức im bặt.
Trước kỳ thi đại học năm đó, thầy chủ nhiệm hỏi tôi chọn khối nào? Thưa thầy, em chọn khối C. Thầy không nói gì, chỉ thoáng nét buồn trên gương mặt.
Thực tình kỷ niệm thời học trò lứa chúng tôi không có gì hơn trội. Không trường chuyên, lớp chọn, không đội tuyển học sinh giỏi môn nọ, môn kia. Cũng không học thêm, không luyện thi. Nếu có một buổi học ngoại khóa nào đó dành cho những bạn bị hổng kiến thức, thầy giáo nói ngay : em không phải đến, nên dành thời gian đó cho công việc khác có ích hơn.
Chỉ mấy cuốn sách giáo khoa, mấy cuốn vở ghi, cứ thế tờ mờ sáng cuốc bộ đến trường. Muốn tìm một cuốn sách gì đó phải mượn xe đạp xuống Vinh, vã mồ hôi mà nhiều khi về tiu ngỉu. Bạn tôi, thậm chí nhất quyển nhét túi sau, cười hề hề, gọn nhẹ, qua sông qua đò lúc nào cũng nhẹ tênh. Đầu mui ngồi tót sỗ sàng, có đứa nhại Kiều như thế.
Khóa học đó, gần 200 học sinh tốt nghiệp, vậy mà thi đại học chỉ đỗ bốn, trong đó ngạc nhiên nhất là "lớp dốt" chiếm ba và người còn lại là nhất quyển.Thi đợt nữa, đợt nữa, cũng chỉ đỗ thêm vài ba người.
Ảnh minh họa |
Thầy chủ nhiệm vỗ vai chúng tôi: học giỏi mới chỉ là lý thuyết, làm giỏi mới là điều xã hội cần. Học giỏi chưa chắc đã làm giỏi. Lại có người học bình thường mà làm lại rất giỏi. Ấy mới là tốt nghiệp trường đời. Thầy mong lớp D ta, từ nay vừa học hay, vừa cày giỏi, các em nhé?
Mới đó mà đã 35 năm rồi...
Sau 35 năm, thầy trò gặp lại nhau. Tóc thầy bạc, tóc trò cũng hoa mơ.Trong Nam, ngoài Bắc bạn bè tàu xe về đủ cả. Bạn ở nước ngoài gửi quà, gửi thư, điện thoại. Lớp trước, lớp sau đến vui chung. Lại có cả con thầy giáo đã mất, cả anh trai bạn đã hy sinh ở biên giới...
Trong số rất nhiều thầy cô, anh em, bạn bầu gặp lại, có hai người...lạ, tôi phải ghé tai to nhỏ người bên cạnh một lúc mới ớ ra.
Nhất quyển vẫn cười hề hề : anh Phượng đánh trống trường ta, không sai một phút chứ còn ai nữa. Các bạn còn nhớ anh thương binh cầm mảnh giấy đến từng lớp và câu nói duy nhất, lặp đi lặp lại suốt 3 năm học " Mời thầy giáo và các em tạm dừng, nghe thông báo của nhà trường" ?
Trường ta lạc hậu nhưng mà...văn minh, vì thông báo mà không làm ồn ào trong giờ học. Ký túc xá đại học trường tôi văn minh nhưng ...lạc hậu là vì loa công cộng cứ ông ổng "Xin lỗi các thầy và các em sinh viên đang học. Căng tin có bia hơi kèm lạc, bánh nướng..."
Nghĩa là, không chỉ các thầy cô giáo đứng lớp mà cả anh đánh trống, chị kế toán, chị thủ thư, cô nuôi dạy trẻ... của trường đều tề tựu với lớp D.
Người thứ hai tôi đã không thể nhận ra ngay, là cô giáo dạy Sử, một trong ba môn thi khối C của tôi. Lần cuối chúng tôi gặp là khi cô cho chúng tôi chép 15 câu hỏi để ôn thi đại học. Các lớp trước nói lại rằng, phần lớn câu hỏi rất chuẩn, nắm vững kiến thức là sẽ làm được bài, không sợ lệch, không sợ tủ.
Thực tế đúng như vậy. Tôi đã thi môn Sử rất tốt cùng với các môn khác để bước vào thời náo nức "Cổng trường đại học cao vời vợi".
Phải 35 năm sau, tôi mới biết rằng, kể từ lứa chúng tôi, cô giáo đã cất kỹ trong góc tủ 15 câu hỏi ấy. Chuyển về quê công tác, khó khăn tứ bề, từ dạy phổ thông cấp 3, cô chuyển xuống dạy phổ thông cấp 2, rồi kiêm cả phổ thông cơ sở.
Cô nói, may mắn có tấm bằng đại học sư phạm cô mới còn biên chế, có nơi để hàng ngày cầm phấn, giãi bày với học trò, dù chỉ một phần rất nhỏ khiến thức chuyên môn có được bao năm tích lũy, chưa kể việc phải tự mày mò để đáp ứng yêu cầu thực tế ở trường cơ sở.
Kéo rê mãi đến tuổi nghỉ hưu, thì trường cô dạy cũng giải tán do sát nhập với trường xã khác.
Cuối cùng cô là thầy giáo mà không có trường, không có cơ quan cũ để đi về.
Thú thật là cô tuyệt đối không nhớ, không nghĩ gì đến việc gặp lại bạn bầu hay học trò cũ, trường cũ - cô giáo tôi giọng bùi ngùi.
Đến phần hội ý riêng từng lớp, lớp D học hay, cày giỏi chúng tôi lại tụm đầu bên nhau. Chỉ thiếu ngọn đèn dầu là y chang cảnh học bài 35 năm trước.
Ông bà nào ngày xưa chưa nói được, chưa dám nói, không thể nói thì bây giờ tháo khoán đi, mai kia mang theo nặng bụng lắm - một người lên tiếng.
Và thế là thật giả, đùa vui ồn ã như khi nghe tiếng trống anh Phượng gióng lên báo hết giờ và lũ học trò lao ra sân trường như ong vỡ tổ.
Chắc chắn, có người muốn nói một điều gì đó, với một người. Tiếc thay, hoa khôi trường tôi, rất giỏi Toán, vấp ở lần thi đầu, cày hết mức để đủ sức hoạt động khắp Á - Âu, một trong những người góp nhiều nhất cho lớp, lần này không về được. Mừng thầy, mừng lớp hôm nay/ Thêm đành lòng bạn chân mây cuối trời - có ngay một câu lẩy Kiều và một tràng vỗ tay tán thưởng.
Cũng là khi tôi nghe được câu chuyện giữa cô giáo với đầu dây kia "Vui lắm, em ạ. Sẽ gửi ảnh cho em. Các cô đều mặc chiếc áo dài em tặng để về họp lớp đấy...".
Bùi Nam Sơn