- Cầu Rồng Trước nằm trên con đường độc đạo nối Tây Trạch với thị trấn Hoàn Lão. Cứ mỗi mùa mưa lũ là cây cầu lại ngập sâu trong nước, người dân và học sinh phải đi “nhờ” trên đường tàu. Hiểm họa trôi người, trôi xe, bị tàu cán thường trực ở đây.

Đường tàu thành đường bộ

Xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nằm cách thị trấn Hoàn Lão khoảng 6km. “Mang tiếng là gần thị trấn nhưng cứ đến mùa mưa lũ là cầu Rồng Trước lại ngập, đường sá chia cắt. Người dân và học sinh muốn đi lại đều rất khó khăn”, ông Hoàng Thanh Lịch (SN 1959), ở thôn Làng cho biết.

{keywords}

Mùa mưa lũ, cây cầu trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây.

Cầu được làm từ năm 1988, dài gần 20m, thấp hơn mặt đường hơn 2m. Từ khi được xây dựng, cây cầu đã giải quyết nhu cầu đi lại cho hàng ngàn lượt người mỗi ngày.

Mùa nắng còn đỡ, cứ mỗi mùa mưa lũ về là hàng ngàn người dân, hàng trăm học sinh, giáo viên dạy ở các trường THCS, tiểu học, mầm non đều rất lo lắng khi phải đi qua đoạn đường này.

{keywords}

Học sinh phải dắt xe dọc theo đường ray để đến trường.

Có mặt tại đây trong mùa mưa bão, PV đã rất bất ngờ khi chứng kiến hàng trăm người dân, người thì đẩy xe máy, người thì đi bộ, cố gắng thật nhanh để vượt qua đoạn đường này trước khi có chuyến tàu tiếp theo.

Vừa chống gậy vừa bước từng bước chậm chạp trên đường ray, bà Dương Thị Nuôi (83 tuổi) cho biết, bà phải đi bộ 1,5km đến nhà con gái. Đi được một đoạn, bà phải dừng lại nghỉ. “Bình thường đi đường cầu, mưa xuống phải trèo lên đường tàu để đi, vất vả lắm”.

{keywords}

Bà Dương Thị Nuôi (83 tuổi) cho biết, mình rất mệt khi phải đi đường tàu

Tính trung bình, mỗi năm ở đây phải có ít nhất 5 trường hợp cả người cả xe trôi xuống sông, phần lớn đều được cứu sống. Nhưng cũng có trường hợp đi trên đường tàu, tàu đến bất ngờ tránh không kịp nên đã xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Và những tai nạn không đáng có

Ngày 16/9 vừa qua ở đây đã có hai người bị nước cuốn trôi. Đầu tiên là cháu Hoàng Thị Thu Nga, học lớp 10A7, trường THPT Lê Quý Đôn. Buổi sáng cháu đi học, nước có rút bớt nên đã cùng các bạn đẩy xe qua cầu. Đang đi thì bất ngờ bị trượt chân làm cả người và xe đạp bị cuốn ra cách đó khoảng 150m. Rất may bạn bè và người dân đã nhanh chóng cứu cháu lên.

Khoảng 7h tối cùng ngày, đang ngồi ăn cơm thì ông Hoàng Thanh Lịch nghe nghe mọi người hô hoán anh Lương Văn Lễ (56 tuổi) bị nước cuốn trôi. Ông đã cùng anh Hoàng Trung Kiên nhảy xuống cứu anh Lễ lên, còn xe máy thì đến 8h sáng hôm sau mọi người mới lặn đưa lên được.

Cách đó hai ngày, cháu Lê Văn Nam đang đẩy xe trên đường ray thì tàu đến, cháu phải vứt xe chạy thoát thân.

{keywords}

Nhiều người dân phải bỏ xe máy nếu tàu đến bất ngờ.

Cách đây mấy năm, cũng có trường hợp đi xe trên đường tàu, không tránh kịp, bị tàu hất văng xuống sông và tử vong. Còn vào năm 2011, anh Nguyễn Duy Thành (30 tuổi) cũng bị tàu cán, phải cắt chân.

Mặc dù biết là rất nguy hiểm nhưng những người dân nơi đây không còn cách nào khác. Đến giờ tan trường là hàng trăm học sinh phải dắt xe qua đường tàu để về nhà. Em Dương Thị Thơm, học lớp 10A12 cho biết: “Từ nhà đến trường 7km, bọn em không thể gửi xe đi bộ được nên phải dắt xe lên đường tàu để đi”.

Còn các cô giáo THCS và tiểu học thì phải gửi xe phía bên này cầu rồi đi bộ gần 4km mới đến được trường.

{keywords}

Một số người liều mình đẩy xe qua dòng nước xiết.

Mấy năm gần đây, xã đã thành lập đội dân quân tự vệ phòng chống bão lụt thôn Làng, mỗi mùa mưa lũ về, 12 người trong đội lại thay nhau tuần tra, cảnh giác và giúp đỡ người dân mỗi khi qua đoạn đường này.

Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Văn Khánh, Chủ tịch xã Tây Trạch nói: “Biết người dân và các em học sinh, thầy cô giáo rất vất vả mỗi khi mưa lũ về nên rất nhiều lần xã đã làm tờ trình để gửi lên huyện, tỉnh thông qua các đại biểu hội đồng nhân dân. Nhưng nhưng do nguồn vốn hạn hẹp, đến thời điểm này vẫn chưa có kinh phí xây cầu”.

Người dân ở đây đang mong lắm một câu cầu vững chắc, chí ít cũng ngang mặt đường để mưa lũ không còn là nỗi lo thường trực nữa.

Hải Sâm