Ở thời điểm gay cấn thanh khoản, OceanBank không phải là ngân hàng duy nhất chi lãi ngoài. Song một số tổ chức tín dụng khác có thể đã chi lãi ngoài cho một số lần huy động vốn, trong một thời gian nhỏ giọt, chứ không phải trở thành “luật lệ ngầm” tồn tại nhiều năm như ở OceanBank với một doanh nghiệp quy mô lớn như PetroVietnam.
Tháng 11-2010 là những ngày đáng nhớ trên thị trường tiền tệ. Cựu chủ tịch một ngân hàng kể lại đang đi công tác nước ngoài, nhưng sáng ngày 9-11-2010 khi giá vàng vọt lên 38,5 triệu đồng/lượng, còn giá đô la Mỹ có lúc tới 21.600 đồng, ông phải họp khẩn với hội đồng quản trị qua điện thoại và yêu cầu toàn hệ thống tạm ngưng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, không chào mua cũng không chào bán tiền đồng. Các chi nhánh được lệnh kiểm soát chặt chẽ thanh khoản. “Chúng tôi vẫn phải bán, vẫn phải cho doanh nghiệp vay ngoại tệ để trả nợ, thực hiện các giao dịch thanh toán, nhưng ai cũng biết trong giá bán, ngoài biên độ kịch trần, còn cộng một số loại phí khác cho hợp lệ. Cung ngoại tệ bấy giờ khan hiếm” - ông nhớ lại.
Ngày 11-2-2011, lần đầu tiên trong lịch sử ngành, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng công bố hàng ngày tăng liền một hơi 9,2% theo hướng tiền đồng mất giá so với đô la Mỹ (trước đấy các lần điều chỉnh chỉ 1-2% - NV). Nhắc lại hai diễn biến trên mới thấu hiểu giá trị những khoản ngoại tệ mà các doanh nghiệp dầu khí gửi ở Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) giai đoạn 2009-2012.
PetroVietnam được mệnh danh là “cánh chim đầu đàn” của nền kinh tế. Một doanh nghiệp hàng đầu độc quyền thăm dò, độc quyền khai thác, độc quyền xuất khẩu dầu thô cho quốc gia |
Khi tòa hỏi Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, “tổng số tiền VietsovPetro gửi tại ngân hàng thời điểm cao nhất là bao nhiêu?”, ông trả lời: “Chủ yếu ngoại tệ, số dư cao nhất nếu không nhầm vào năm 2011, có thời điểm lên tới mấy trăm triệu đô. Tỷ lệ phần trăm tiền gửi không kỳ hạn đối với tiền đồng là 0,1%/tháng, sau đó anh Thắm cho áp dụng 0,15%/tháng; còn tiền đô thì thấp hơn, hình như 0,05% hoặc 0,02%”. Trong lúc “nước sôi lửa bỏng” về thanh khoản, mà VietsovPetro gửi dồn cho OceanBank mấy trăm triệu đô la Mỹ với lãi suất thấp hiếm có, sao VietsovPetro hào phóng đến vậy?
Suốt thời gian xét xử vụ án OceanBank lần thứ nhất vào tháng 3-2017 và hiện nay, có dư luận cho rằng thiệt hại vật chất thực mà Ngân hàng Đại Dương gánh chịu gói gọn ở con số khoảng 1.600 tỉ đồng chi lãi ngoài. Và những lãi lỗ trong kinh doanh của ngân hàng này có thể khắc phục được. Tuy nhiên tính chất nghiêm trọng của vụ án lại không chỉ nằm ở con số thiệt hại vật chất, mà ở sự vi phạm pháp luật có hệ thống trong một thời gian dài liên quan đến tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) - vốn được mệnh danh là “cánh chim đầu đàn” của nền kinh tế. Một doanh nghiệp hàng đầu độc quyền thăm dò, độc quyền khai thác, độc quyền xuất khẩu dầu thô cho quốc gia như PetroVietnam mà lại vi phạm quy định về kinh doanh tiền tệ, gửi tiền và nhận chi lãi ngoài, thì thử hỏi các doanh nghiệp khác nhìn vào ra sao?
Xót xa hơn, tiền chi lãi ngoài như Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và các lãnh đạo chi nhánh OceanBank khai tại tòa, chảy vào túi các cá nhân. Các doanh nghiệp mà họ là người lãnh đạo gửi tiền của Nhà nước vào ngân hàng cổ phần và hưởng lợi cá nhân từ việc đó. Đồng thời hành động trên đã gây thương tổn cho thị trường tiền tệ.
Nếu hàng chục ngàn tỉ đồng (xin được nói rõ là hàng chục ngàn tỉ đồng ở một thời điểm, còn tổng số tiền gửi trong một thời gian dài, nhiều năm liên tiếp và luôn duy trì ở mức cao có thể lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng do các khoản tiền gửi lần lượt đáo hạn và được gửi lại hoặc gửi mới - NV) được gửi đúng quy định ở các ngân hàng khác nhau, thì mặt bằng lãi suất những năm đó có thể đã không bị đẩy lên quá cao đến thế. Lãi suất huy động một khi thực sự ở trần 14%/năm, các ngân hàng có thể cho vay ra ở 17-18%/năm, chứ không thể tới 23-24%/năm như tại một số tổ chức tín dụng.
PetroVietnam ở vai trò một tập đoàn chủ lực của đất nước, đã góp phần làm căng thẳng thị trường tiền tệ và thông qua đó gián tiếp khiến cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng thêm. Đấy mới là điều mà tòa án xét xử phải đi đến cùng!
Liên minh Thắm - Sơn đã tạo ra một tiền lệ xấu cho hoạt động của OceanBank. Ở vị trí ông chủ ngân hàng, Hà Văn Thắm là người quyết định chủ trương chi lãi ngoài, còn Nguyễn Xuân Sơn hoặc đích thân đi đến tận nơi chi tiền hoặc chỉ định thuộc cấp đi chi. Sơn trả lời tòa: “Bị cáo thấy truyền thống chi quà dịp lễ Tết cho lãnh đạo, doanh nghiệp bị nền kinh tế thị trường làm cho méo mó. Đấy cũng là nỗi khổ của doanh nghiệp, được đi tặng quà là tốt lắm rồi. Bản thân bị cáo từ khi còn làm chức nhỏ cũng đi cùng lãnh đạo chúc Tết. Đưa quà bé quá thì chẳng ai đánh giá, phân tích gì, nhưng mình cũng tự cảm thấy không tương xứng”.
Với việc chi lãi ngoài OceanBank đã tự đặt mình ra ngoài phạm vi quy định của luật lệ của các tổ chức tín dụng, tự phá vỡ những hàng rào đảm bảo an toàn hệ thống. Ai đó có thể lập luận ở thời điểm gay cấn thanh khoản, OceanBank không phải là ngân hàng duy nhất chi lãi ngoài. Một số ngân hàng khác cũng hành xử tương tự. Điều đó không phải không chính xác. Song một số tổ chức tín dụng khác có thể đã chi lãi ngoài cho một số lần huy động vốn, trong một thời gian nhỏ giọt, chứ không phải trở thành “luật lệ ngầm” tồn tại nhiều năm như ở OceanBank với một doanh nghiệp quy mô lớn như PetroVietnam. “Luật ngầm” của ông lớn PetroVietnam là góc khuất mà việc xét xử đang dần đưa ra ánh sáng công luận.
(Theo TBKTSG)