Sáng nay (18/4), phiên tòa xét xử cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận.
Theo quan điểm luận tội của đại diện VKS, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn giữ vai trò chính, đã lợi dụng chức vụ, can thiệp vào đấu thầu gây thiệt hại cho Bệnh viện Tim Hà Nội số tiền lớn. Ông Tuấn là người chịu trách nhiệm cao nhất trong bệnh viện, giữ vai trò chủ mưu, gây ra thiệt hại trong thời gian dài, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên cần phải áp dụng mức án nghiêm khắc.
Tuy nhiên, xét thấy bị cáo đã tự nguyện khắc phục hậu quả, ăn năn hối hận... nên đại diện VKS đề nghị cho bị cáo được hưởng mức án thấp, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Đại diện VKS đề nghị tuyên phạt cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội mức án 4 - 5 năm tù.
Bào chữa cho ông Nguyễn Quang Tuấn, luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng: Do tính chất cấp bách trong việc khám chữa bệnh vì vật tư, hóa chất đã hết mà kết quả đấu thầu tập trung của UBND TP Hà Nội chưa có, nên ngay từ đầu năm 2017, Bệnh viện Tim Hà Nội đã có nhiều văn bản trình cơ quan có thẩm quyền báo cáo tình hình vật tư, hóa chất đã sắp hết.
Tuy nhiên, việc tổ chức đấu thầu tập trung chưa thể thực hiện được ngay, trong khi bệnh viện lại đang thiếu vật tư, hóa chất để chữa bệnh nên đã liên tục báo cáo cấp trên và đề nghị được mua sắm khẩn cấp với thời gian dự kiến vật tư, hóa chất được mua khoảng 2-3 tháng/lần.
Tình hình khẩn cấp do thiếu vật tư, hóa chất chữa bệnh không chỉ ở Bệnh viện Tim Hà Nội, Liên ngành Sở Y tế, Tài chính cũng có báo cáo gửi UBND TP.Hà Nội với tinh thần không được để xảy ra tình trạng thiếu vật tư, hóa chất chữa bệnh cho nhân dân. Từ đó đề nghị UBND TP cho phép các bệnh viện trên được mua sắm vật tư, hóa chất theo hình thức chỉ định thầu khẩn cấp. Đề nghị này sau đó đã được UBND TP chấp thuận.
Vẫn theo quan điểm bào chữa của luật sư, chính vì việc mượn hay ký gửi vật tư y tế trong vụ án này bị xử lý nên thời gian dài vừa qua, nhiều bệnh viện đã không dám mượn hay ký gửi trước, dù vẫn đang thiếu vật tư y tế để khám chữa bệnh.
"Thậm chí, để bảo đảm an toàn cho mình, có bệnh viện đã phải thông báo dự kiến thời gian ngừng khám chữa bệnh, chỉ giải quyết những ca cấp cứu thật cần thiết, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng do sắp hết vật tư y tế. Thực trạng hiện nay cũng đã phản ánh tâm trạng của các Giám đốc bệnh viện là “thà bị kiểm điểm còn hơn bị truy tố…”, lời luật sư.
Theo luật sư, nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm của bị cáo trong 4 gói thầu năm 2017 là do nóng vội, sợ bệnh viện rơi vào tình trạng không còn vật tư, hóa chất để kịp thời chữa bệnh cho nhân dân.
Luật sư cho rằng, trong vụ án này, giữa các bị cáo là cựu cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội với 2 đơn vị được trúng thầu không có các thỏa thuận ăn chia, lợi ích vật chất.
Việc ông Nguyễn Quang Tuấn được biếu quà dịp Tết với tổng số tiền khoảng 230 triệu đồng không phải là thỏa thuận ăn chia, lợi ích vật chất để cho doanh nghiệp trúng các gói thầu.
Bào chữa cho cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, luật sư cho hay: "Bị cáo là Giáo sư đầu ngành về tim mạch và nay chính mình lại mắc căn bệnh này. Chúng tôi và ông Tuấn không muốn nói, nhưng trong hoàn cảnh này đành phải nói để mong nhận được sự phán quyết nhân văn của HĐXX".