Luật sư Trần Ngọc Trung, cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie. Nguồn ảnh: Dân Trí |
Theo thông tin đưa ra tại buổi Tọa đàm "Thế nào là Made in Vietnam?" do Câu lạc bộ Café Số, thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức vào sáng 17/7/2019 tại Hà Nội, hiện tại Việt Nam các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự xác định xuất xứ hàng hóa dựa theo Nghị định 89 và Nghị định 43 quy định về dán nhãn xuất xứ lên sản phẩm đối với sản phẩm xuất khẩu, nhưng nhà nước chưa đưa ra quy định một sản phẩm thế nào thì được gán nhãn "Made in Việt Nam" cho những sản phẩm chỉ bán trong thị trường nội địa.
Theo Luật sư Trần Ngọc Trung, cố vấn cao cấp của Công ty Luật Baker & McKenzie, cho đến giờ phút này cơ quan nhà nước mới chỉ quan tâm xuất xứ đối với hàng xuất khẩu, liên quan đến hưởng ưu đãi thuế quan, còn hàng sản xuất trong nước, xuất xứ trong nước, phải chứng nhận theo nguyên tắc thế nào chưa được đặt ra. Hiện nay chưa có doanh nghiệp bán hàng trong nước nào đi xin chứng nhận xuất xứ vì nhà nước không yêu cầu, không có quy định nào yêu cầu doanh nghiệp bán hàng trong nước phải đi xin chứng nhận xuất xứ khi bán hàng hóa trong nước.
Việt Nam đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu quy định về xuất xứ hàng hóa quá chặt thì sẽ bất lợi cho chính doanh nghiệp Việt Nam, do đó điều quan trọng nhất vẫn là nhà nước tập trung quản lý về chất lượng, thay vì chỉ tập trung về vấn đề xuất xứ.
Bình luận về vấn đề của Asanzo bị quy kết “bán hàng Tàu đội lốt hàng Việt”, Luật sư Trần Ngọc Trung cho biết, qua theo dõi thông tin trên báo chí, báo chí đưa ra vấn đề xuất xứ là muốn bảo vệ người tiêu dùng, nhưng thực tế báo chí đã đặt vấn đề chất lượng sản phẩm Asanzo ra chưa, hay chỉ xoáy vào yếu tố nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Cũng qua báo chí phản ánh, mấy năm gần đây Asanzo phát triển nhanh và mạnh, chiếm lĩnh thị phần khá cao trong thị trường nội địa, nếu họ lừa dối khách hàng họ có thể tồn tại và phát triển nhanh như vậy được không. Người sản xuất có quyền sản xuất, người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm, các doanh nghiệp coi trọng giá trị thương hiệu là yếu tố sống còn để tồn tại, nên họ sẽ không bán sản phẩm kém chất lượng để người tiêu dùng quay lưng lại.
Cũng theo Luật sư Trần Ngọc Trung, hiện đang tồn tại hai bộ quy tắc xác định xuất xứ hàng hóa, đó là quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi, chủ yếu là ưu đãi thuế. Nếu không dùng quy tắc ưu đãi thuế, thì có thể áp dụng nguyên tắc xuất xứ ưu đãi. Đối việc dán nhãn "Made in" ở đâu, quy tắc này nhà nước dành quyền cho các doanh nghiệp tự xác định. Để xác định được doanh nghiệp sẽ căn cứ vào các cam kết quốc tế hoặc căn cứ theo quy định trong nước. Thông thường với mỗi sản phẩm, doanh nghiệp sẽ chỉ chọn áp dụng một nguyên tắc trong nước hoặc quốc tế để xác định mặt hàng đó "Made in" ở đâu. Nhưng khi giữa các quy định trong nước và quốc tế có xung đột thì thường doanh nghiệp sẽ chọn áp dụng nguyên tắc quốc tế.
Trong trường hợp Asanzo, Luật sư Trung cho biết, bản thân ông chưa nắm rõ Asanzo xác định xuất xứ "Made in Vietnam" theo nguyên tắc nào, nhưng nếu áp dụng nguyên tắc xuất xứ theo các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia thì việc Asanzo dùng “Made in Vietnam” vẫn có thể được phép. Cụ thể, Việt Nam có tham gia cả hai Hiệp định Asean và Hiệp định Asean Trung Quốc. Nếu Asanzo nhập toàn bộ linh kiện từ Trung Quốc, thì đánh giá theo tiêu chí của Asean sẽ không được phép ghi xuất xứ Việt Nam.
Asanzo có hai nhà máy lắp ráp hàng điện tử, điện máy tại TP.HCM. Nguồn: FB của ông Phạm Tam, Chủ tịch Asanzo. |
Nhưng nếu căn cứ theo Hiệp định Asean Trung Quốc thì Asanzo được ghi xuất xứ Việt Nam, vì theo cam kết trong Hiệp định này, nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, nhưng sản phẩm cuối cùng sản xuất ở Việt Nam vẫn có thể được phép ghi “Made in Vietnam”. Asanzo có thể áp dụng quy tắc về xuất xứ theo căn cứ Hiệp định Asean Trung Quốc để ghi "Made in Vietnam" là điều có thể được phép và không hề sai.
Theo Luật sư Trung, việc ghi xuất xứ ở đâu có muôn hình vạn trạng và có độ tùy biến rất cao. Về câu chuyện “đội lốt hàng Việt Nam” cần có đánh giá khách quan nhất. Như trường hợp Khải Silk nhập khăn lụa 100% từ Trung Quốc, không có công đoạn nào làm ở Việt Nam cả nhưng ghi “Made in Vietnam” thì rõ ràng là hàng đội lốt. Khi xác định xuất xứ thì điều quan trọng là phải xác định hàm lượng giá trị tạo ra ở Việt Nam có đạt được các quy định về xuất xứ theo các hiệp định thương mại, cũng như các quy định trong nước hay không…
Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (VCCI) cho rằng, khi xác định hành vi doanh nghiệp có gian dối về xuất xứ hay không thì phải phân biệt rạch ròi quy trình gia công của doanh nghiệp. Ví dụ, hành vi xé mác của nước khác đi, cắt mác đi, dán nhãn của mình lên sản phẩm, đây rõ ràng là hành vi gian dối, lừa dối người dùng.
Còn trong quy trình sản xuất, lắp ráp gia công của doanh nghiệp cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh, cần xác định linh kiện nào nhập khẩu về, cái gì sản xuất ở Việt Nam, toàn bộ quy trình gia công ở Việt Nam có vượt qua quá trình gia công đơn giản, hay chỉ dùng công nghệ tuốc nơ vít. Toàn bộ quy trình sản xuất của một sản phẩm, trước khi cấp chứng nhận xuất xứ để các doanh nghiệp xuất khẩu đi nước khác, cơ quan nhà nước phải đi kiểm tra dây chuyền, máy móc của từng doanh nghiệp để xác định.