Mời quý độc giả theo dõi video:
Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hoá đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy chất lượng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngọc Lặc là huyện miền núi ở phía Tây của tỉnh. Do trình độ dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số không đồng đều nên việc tổ chức đưa các chương trình, dự án chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, cũng như tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, tham gia các phong trào phát động ở cơ sở, xây dựng bản làng ngày càng phát triển, là rất quan trọng...
Và Người có uy tín trên địa bàn là một trong những lực lượng quan trọng góp phần cùng chính quyền địa phương hoàn thành "sứ mệnh" này...
Hiện nay, toàn huyện Ngọc Lặc có 179 Người có uy tín. Đây là lực lượng "nòng cốt" đi đầu trong việc tiếp nhận thông tin, truyền đạt ý kiến và nhu cầu của cộng đồng đến các các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý.
Đồng thời, tuyên truyền các chính sách và dự án từ cấp trên xuống cộng đồng một cách hiệu quả. Họ còn là lực lượng đi đầu làm gương và hướng dẫn, vận động người dân thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương...
Đơn cử, ông Phạm Văn Cảnh ở thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập, không chỉ trực tiếp tham gia cùng những người có tâm huyết trong thôn, phục dựng lại các trò diễn của lễ hội Pồn Poong một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, ông còn tỉ mỉ hướng dẫn bà con bảo tồn những nếp nhà sàn cổ, trang phục, ẩm thực, cồng chiêng, các làn điệu hát, múa, trò chơi dân gian... của dân tộc Mường.
Hay như bà Phạm Thị Tẳng, Người có uy tín ở làng Lỏ, xã Cao Ngọc là một ví dụ. Ở địa phương, bao năm qua, bà Tẳng được nhìn nhận là người có công lớn trong việc bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào Mường. Bà Tẳng nhận thấy nhiều nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc đang bị mai một, trong đó có trò diễn Pồn Pông dân tộc Mường, nên trong suốt nhiều năm qua, bà Phạm Thị Tắng đã nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu và góp phần phục dựng lại trò diễn này.
Nhờ đó mà năm 2017, trò diễn Pồn Pông được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Để động viên Người có uy tín phát huy vai trò, huyện luôn quan tâm triển khai kịp thời các chính sách cho Người có uy tín, tạo điều kiện phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động người thân tham gia phát triển kinh tế, xã hội, như: cung cấp thông tin thường xuyên cho
Người có uy tín, tổ chức các hội nghị tập huấn; tổ chức hội nghị biểu dương kịp thời Người có uy tín có thành tích xuất sắc; quan tâm thăm hỏi Người uy tín trong các dịp lễ, tết; Người uy tín bị ốm đau...
Hiện nay, huyện Ngọc Lặc đang tập trung thực hiện các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, trọng tâm là chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, huyện sẽ tiếp tục tranh thủ, phát huy vai trò của đội ngũ những Người có uy tín làm cầu nối giữa chính quyền và Nhân dân góp phần đưa chính sách đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, chất lượng nhất.