Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Bình đã tập trung chỉ đạo các Đội QLTT triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các kế hoạch kiểm tra định kỳ/chuyên đề đã ban hành;

Tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa và trên khâu lưu thông, trong đó, chú trọng vào các lĩnh vực/mặt hàng trọng điểm: xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thuốc lá, đường cát, thực phẩm; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,….; Tăng cường xử lý các hành vi vi phạm trên môi trường TMĐT.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và các Sở, ngành có liên quan tại địa phương cũng như tăng cường trao đổi, hỗ trợ chia sẻ thông tin với Cục QLTT các tỉnh/thành phố trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính; thực hiện tốt các nhiệm vụ của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh;…

Bên cạnh đó, Cục QLTT Quảng Bình đã thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau như: phát tờ rơi; ký cam kết; tuyên truyền bằng xe tuyên truyền lưu động; tổ chức hội nghị tuyên truyền cho các tổ chức/cá nhân sản xuất, kinh doanh;

Thường xuyên đưa các tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường của lực lượng QLTT; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình phát sóng các phóng sự trong chuyên mục Phòng chống buôn lậu, hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;…

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong 6 tháng đầu năm của lực lượng QLTT Quảng Bình đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể: Đã kiểm tra 319 vụ việc, xử lý 191 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt trên 3 tỷ đồng; giá trị tang vật vi phạm trên 7,3 tỷ đồng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 6,2 tỷ đồng (tăng gần 4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, vượt gần 40% chỉ tiêu giao năm 2024).

Thời gian tới, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra với diễn biến phức tạp, nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau; các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên môi trường truyền thống và TMĐT tiếp tục gia tăng, nhất là vào các dịp cao điểm Lễ, Tết.

Do đó, 6 tháng cuối năm 2024, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình tiếp tục triển khai đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của cấp trên; phát huy những ưu điểm, thành quả đã đạt được trong thời gian qua; thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả các kế hoạch kiểm tra/công tác đã đề ra;

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn; công tác phối hợp; hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chú trọng đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức công vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ công chức,… với quyết tâm cao hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm 2024.

B18_A1_Quang Binh.jpg
Bán hàng online ngày càng phổ biến tại Quảng Bình cũng như trên cả nước. Ảnh minh họa

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thương mại điện tử

Xác định chống hàng giả và gian lận thương mại trong TMĐT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các Đội QLTT chủ động nắm tình hình về đối tượng, địa bàn; rà soát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động TMĐT của các tổ chức, cá nhân; kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Chỉ trong vòng 02 tháng (tháng 5 và tháng 6/2024), lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra 15 vụ việc, phát hiện và xử lý 13 vụ việc vi phạm trong hoạt động TMĐT. Tổng số tiền xử phạt là hơn 400 triệu đồng; giá trị tang vật vi phạm trên 230 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet; không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng. Hàng hóa vi phạm được phát hiện tập trung vào nhóm sản phẩm thời trang (giày, áo, quần, túi xách…); trang sức; phụ kiện điện thoại,… 

Thời gian tới, Cục tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch liên quan; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên môi trường TMĐT.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh; chủ động việc tiếp nhận, xử lý thông tin từ người tiêu dùng, doanh nghiệp về các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; thực hiện công tác thẩm tra, xác minh thông tin hoặc giám sát các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng trên môi trường TMĐT.