Mời quý độc giả theo dõi video:
Bảo tồn văn hóa làng nghề của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cũng là một trong những dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 được tỉnh Thanh Hoá chú trọng triển khai từ sớm.
Bám sát các chính sách, chương trình của tỉnh, các địa phương miền núi tỉnh Thanh Hóa đã phát triển du lịch cộng đồng gắn với các sản phẩm từ các làng nghề làm điểm tựa nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước không chỉ nổi tiếng bởi nghề dệt vải mà vùng đất này còn được du khách biết đến bởi cảnh miền núi đẹp nên thơ, yên bình với những nếp nhà sàn giữa rừng núi xanh mướt, những thửa ruộng đẹp đến nao lòng.
Trước đây, thôn Lặn Ngoài thuộc diện khó khăn, thu nhập của người dân không cao vì chủ yếu quanh quẩn với ruộng nương, hay chuồng trại chăn nuôi nhỏ lẻ.
Giờ đây, làng nghề dệt thổ cẩm đang được triển khai “thuận buồm, xuôi gió” tạo việc làm cho hơn 215 lao động, trong đó có 88 lao động là hội viên phụ nữ trực tiếp tham gia dệt thổ cẩm, còn lại là lao động tham gia gián tiếp.
Toàn thôn Lặn Ngoài có 71 khung cửi dệt thổ cẩm và 13 điểm trưng bày sản phẩm. Sản phẩm chính làm ra là vải dệt thổ cẩm và các sản phẩm từ vải thổ cẩm như: khăn Piêu, cạp váy, gối, chăn…
Nếu như ngày xưa những sản phẩm dệt thổ cẩm chỉ được tạo ra để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân bản địa, thì nay các sản phẩm này đã trở thành mặt hàng được nhiều du khách lựa chọn khi đến tham quan, trải nghiệm với người dân. Mỗi một sản phẩm thủ công truyền thống đều có câu chuyện, gửi gắm trong đó những lời răn dạy, những kiến thức tích lũy từ đời sống của đồng bào... và bảo tồn nghề dệt truyền thống là bảo tồn cả kho tàng văn hóa dân gian quý giá của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
Cơ sở dệt của bà Hà Thị Lý là một trong những địa điểm thường xuyên được các đoàn du khách ghé thăm. Tại đây, du khách được trải nghiệm các khâu để tạo ra tấm vải thổ cẩm.
Trong khuôn viên nhỏ của nhà sàn, bà Lý đặt những khung cửi, dụng cụ tách hạt bông, kéo sợi cho du khách trải nghiệm.
Để sản xuất ra được sản phẩm thổ cẩm phải qua rất nhiều khâu, nhưng chủ yếu chỉ tập trung vào sản xuất thủ công. Đầu tiên là trồng, chăm sóc và thu hoạch bông. Quả bông được tách ra, rồi dùng dụng cụ bật cho những sợi bông tơi và nhuyễn, thành dạng thô. Bông bật xong được đưa vào dụng cụ cán để tạo sự liên kết giữa các sợi bông. Sau khi cán, bông được vò thành từng nắm nhỏ rồi dùng dụng cụ để kéo thành sợi dài. Sợi bông được kéo xong, tiếp tục được đưa vào xa kéo sợi để xe bông thành chỉ. Sau đó, sợi được cuộn thành những cuộn chỉ to.
Để tấm vải có màu sắc, trước khi dệt, bà con vào rừng tìm một số loài cây để lấy lá, lấy vỏ, lấy rễ để làm màu đem về nấu cho đến khi nước có màu sắc rồi nhúng cuộn sợi vào nước khoảng 30 phút, sau đó đem phơi khô. Mỗi loại cây có một màu sắc, để có nhiều màu, dùng nhiều loại cây khác nhau hoặc pha chế để phối màu theo kinh nghiệm dân gian. Sợi được ngâm màu và phơi khô, đảm bảo độ săn, dai, bền và chắc sẽ được mắc vào khung cửi để dệt nên những tấm vải theo ý muốn của người dệt.
Đầu năm 2019, sản phẩm dệt thổ cẩm của thôn đã vinh dự được tham gia trưng bày tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất tại tỉnh Đắk Nông và đã đạt loại A; cuối năm 2019 đạt giải B tại Lễ hội thổ cẩm tỉnh Điện Biên. Sản phẩm dệt tại cơ sở bà Lý đã được công nhận sản phẩm OCOP của địa phương.
Câu chuyện ghi nhận ở thôn miền núi Lặn Ngoài là minh chứng sống động cho thấy hiệu quả từ việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia đang phát huy hiệu quả.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ tạo ra nhiều việc làm, mà còn nâng cao đời sống cho người dân nơi đây, góp phần đưa xã Lũng Niêm đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2020. Sản phẩm dệt thổ cẩm của thôn Lặn Ngoài đã được huyện Bá Thước lựa chọn tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.