- 7 tuổi, NSƯT Trung Anh - người vào vai Lương Bổng của "Người phán xử" đã phải trải qua cú sốc lớn khi mất mẹ, mất dì và chị gái cùng lúc. Đây là quá khứ ám ảnh NSƯT Trung Anh suốt quãng thời gian dài mà đến bây giờ mỗi khi nhắc lại câu chuyện cũ anh không khỏi ngậm ngùi.
Clip 1: NSƯT Trung Anh nói về tuổi thơ đầy sóng gió
Clip 2: NSƯT Trung Anh tiết lộ về vợ kém 10 tuổi
Xem toàn bộ phần trò chuyện của NSƯT Trung Anh
Nhà báo Hà Sơn: Không chỉ nhiều đam mê cho sân khấu, phim ảnh, anh còn nghị lực trong cuộc sống. Tuổi thơ nhiều sóng gió và ám ảnh chính là động lực để anh nỗ lực trong cuộc sống?
NSƯT Trung Anh: Vâng, đúng là năm tôi 7 tuổi, gia đình bị bom rơi ngay cửa nhà khiến mẹ, dì và chị ruột tôi mất. Lúc đó tôi ngủ dưới hầm ở Đức Thọ, Hà Tĩnh nên sống sót. Khi đó bố tôi đang công tác ở Hà Nội và hai anh cũng ở cùng bố, tôi quá nhỏ để hiểu nỗi đau mất người thân.
Sau đám tang, tôi cùng người bà con đi bộ 400 cây số từ Hà Tĩnh ra Hà Nội tìm bố. Thật ra đó là quá khứ ám ảnh tuổi thơ mà tôi không muốn nhắc đến nhiều. Bây giờ chớp mắt nghĩ lại tôi cũng không thể nhớ được toàn bộ điều gì đã xảy ra. Nó là lát cắt đớn đâu mà đứa trẻ 7 tuổi lúc đó là tôi không thể hiểu về sự mất mát. Nhưng càng lớn tôi càng cảm nhận việc mất mẹ, thiếu mẹ, nhớ mẹ nó lớn thế nào. Và sự mất mát này nó ảnh hưởng phần nào đến tính cách, con người, cuộc sống của tôi.
Tôi sống ít cởi mở, ít giao tiếp chỉ thích chơi với một nhóm bạn học cùng phổ thông bởi khi ngồi với các bạn tôi cảm thấy thoải mái hoặc một số bạn Nhà hát Kịch. Nhưng với người lạ tôi thường không thích giao tiếp.
Quãng đường dài từ Hà Tĩnh ra Hà Nội hẳn sẽ hằn sâu vào trí nhớ của anh. Nhưng cuộc sống của 4 người đàn ông trong một gia đình thiếu bàn tay người phụ nữ cũng đầy khó khăn và ám ảnh không kém?
- Vô cùng khó khăn bạn ạ. Bốn người đàn ông cực kỳ yêu thương nhau nhưng sự chia sẻ ra bên ngoài thì không hẳn như những người phụ nữ. Chúng tôi yêu thương nhau theo một cách khác, có thể khô khan như trong nhà không có lấy một bó hoa hay thiếu vắng điều gì đó nhưng chúng tôi chấp nhận để tồn tại và phát triển.
Hai anh trai của tôi khi mẹ, dì và chị qua đời nhiều tuổi hơn tôi nên hiểu ít nhiều tận cùng của sự đau khổ, mất mát. Nhưng các anh đã cố gắng sống vươn lên vượt qua hoàn cảnh.
Bốn bố con tôi sống nghèo trong nhà không có gì cả đến một cái xe đẹp cũng không có mà đi. Nhưng hai anh đã dần trưởng thành và thay mẹ, thay chị che chở và lo cho tôi. Chẳng bao giờ chúng tôi nói điều gì với nhau về sự giúp đỡ ấy. Nói ra lại bị bảo khách sao nhưng thực lòng trong trái tim mình tôi luôn biết ơn hai người anh của mình.
Bố anh sau này có đi bước nữa. Người đàn bà thứ hai của bố có yêu thương anh nhiều không?
- Việc bố tôi đi bước nữa là hợp lý. Dì của bố thiệt thòi là không có con. Bà dành nhiều tình cảm cho tôi nhưng chẳng tình cảm nào bằng tình cảm người đẻ ra mình bạn ạ. Tuy nhiên, tôi và các anh của mình rất biết ơn dì vì đã chăm sóc bố tôi đến tận bận giờ khi ông đã 98 tuổi và dì cũng đã 80...
Anh thiệt thòi mất mẹ quá sớm nhưng ông trời lại ban tặng một người vợ chịu thương chịu khó chăm sóc và chia sẻ với anh quãng thời gian vừa qua. Anh hạnh phúc về điều đó chứ?
- Tôi nghĩ đó là một may mắn. Trước đây tôi không mê tín nhưng càng ngày càng nghiệm ra duyên số là trời định. Trước đó tôi hơi lông bông không thích gò bó khuôn khổ gì, đấy là sự ích kỷ cá nhân nhưng khi gặp vợ yêu rồi lấy tôi đã hi sinh tự do cá nhân và khi có con mình càng phải chăm lo gia đình nhiều hơn.
Vợ tôi là người đảm đang, quán xuyến việc gia đình và quan trọng nuôi dạy con từ nếp ăn nếp ngủ lẫn giáo dục văn hóa. Thậm chí tôi có ở nhà cũng không làm được tốt những điều đó. Vợ thay tôi làm tất cả mọi việc, đấy là điều may mắn của tôi.
Vợ kém anh 10 tuổi, sự chênh lệch tuổi tác có dẫn đến những mâu thuẫn trong hôn nhân? Có khi nào anh tự hỏi vì anh chung tình, sống giản dị chân phương hay vì chị ấy biết chia sẻ, hi sinh với người nghệ sĩ như anh?
- Vợ kém tôi 10 tuổi nhưng về suy nghĩ giữa chúng tôi không có khoảng cách. Tôi nghĩ rằng trong bất kỳ một cuộc hôn nhân nào việc nghĩ cho nhau rất quan trọng. Mình là đàn ông, làm gì cũng nghĩ xem như vậy có tốt không, có giữ được cuộc sống không?.... Tất nhiên sẽ có những xích mích nọ kia, nhưng gia đình nào cũng thế, mình phải giải quyết được vấn đề dứt điểm vì để nó tồn tại khó dung hòa.
Hai con của anh chăm và ngoan, anh có hướng gì cho các cháu?
- Chúng tôi không tạo sức ép vấn đề chọn cái gì mà dựa trên khả năng của các cháu thiên về về cái gì để tự quyết định. Hồi các cháu bé cũng có một số đạo diễn chơi với tôi biết các cháu có mời đi đóng phim nhưng các con không thích. Các cháu chỉ xem phim bố đóng hoặc đến Nhà hát Kịch của bố xem.
Việc học tập của các con, vợ tôi cực kỳ quan tâm. Chúng tôi luôn muốn lấy kiến thức làm vốn cho con chứ không phải dành khoản tiền này, tiền nọ làm vốn. Con lớn nhà tôi học trường Ams 7 năm sau đó thi đỗ ĐH Bách khoa HN. Cháu đã học được một năm và chúng tôi có ý định cho cháu đi du học, vấn đề phụ thuộc vào kinh tế nữa thôi. Còn cháu thứ hai đang học lớp 9 trường Lương Thế Vinh. Tôi thấy cuộc sống của mình như thế là hạnh phúc!
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Sơn Hà - Xuân Quý - Đức Yên - Bạt Tuấn