Tháng trước, 7 người cao tuổi tại một viện dưỡng lão ở Bỉ qua đời do nhiễm Covid-19 dù đã tiêm vắc xin đầy đủ. Tất cả đều nhiễm biến thể mang tên Mu.

Sự bùng phát đã đặt ra câu hỏi liệu Mu có gây ra mối đe dọa lớn hơn các biến thể khác, bao gồm cả Delta hay không. Nhưng theo các nhà khoa học, cho đến nay, chưa có căn cứ để khẳng định nguy cơ trên.

{keywords}

Ảnh minh họa: Thewellnesspeople

Mu mang các đột biến có khả năng tránh được vắc xin nhưng đang dần ít phổ biến hơn so với các biến thể khác. Đó là một dấu hiệu cho thấy Mu sẽ không trở thành biến thể thống trị.

Trên toàn cầu, các ca nhiễm Mu dường như đã đạt đỉnh vào giữa tháng 7, khi chúng chiếm 0,6% tổng số ca Covid-19. Hiện nay, chúng chỉ chiếm 0,1% số ca mắc mới.

Biến thể Mu có ở nhiều nơi nhưng không chiếm nhiều ca

Trong số 48 quốc gia có ca nhiễm biến thể Mu trong năm nay, có 10 quốc gia phát hiện Mu vào tháng trước. Biến thể này phổ biến nhất ở Colombia, nơi ghi nhận trường hợp đầu tiên trên thế giới vào tháng 1.

Mỹ, Mexico và một số quốc gia châu Âu (Bỉ, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh) đã xuất hiện các trường hợp nhiễm Mu trong 4 tuần qua.

Tuy nhiên, một biến thể phân tán nhiều nơi không đồng nghĩa sẽ lan rộng trên toàn cầu. Ở Mỹ, các ca nhiễm Mu có ở hầu hết các tiểu bang nhưng chỉ chiếm dưới 0,2% tổng số bệnh nhân Covid-19 trong tháng 8.

Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ, cho biết: "Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát biến thể Mu nhưng không coi đó là mối đe dọa vào lúc này".

Biến thể Mu không lây lan như Delta

Vào tháng 8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá Mu là một "biến thể cần quan tâm". Đó là dạng biến thể có thể gây ra sự lây lan hoặc có những thay đổi di truyền tác động tới cách thức hoạt động của virus. Vào thời điểm này, các nhà khoa học của WHO lo ngại vì Mu đã lây lan nhanh chóng ở Nam Mỹ kể từ tháng 5.  

Nhưng kể từ đó, tỷ lệ phổ biến của Mu ở Nam Mỹ đã giảm xuống. Đỉnh điểm là vào giữa tháng 7, biến thể trên chiếm khoảng 5% trường hợp nhiễm Covid-19 mới ở Nam Mỹ. Hiện tại, chỉ số còn khoảng 3%.

Các nhà khoa học Colombia ước tính Mu có khả năng lây truyền cao hơn 1,2 lần so với chủng virus gốc. Trong khi đó, Delta có khả năng truyền nhiễm nhiều gấp đôi chủng gốc. 

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn đang theo dõi chặt chẽ Mu vì khả năng chống lại hệ miễn dịch của cơ thể.

Bà Maria van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, giải thích, Mu được quan tâm do có sự kết hợp của các đột biến.

Những đột biến này có thể làm cho Mu chống lại các kháng thể có được nhờ vắc xin hoặc miễn dịch tự nhiên sau khi khỏi Covid-19.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Italy đã tìm thấy bằng chứng khẳng định vắc xin Pfizer vẫn vô hiệu hóa biến thể Mu. Họ kết luận Mu không phải là mối quan tâm về hiệu quả của vắc xin.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

An Yên (Theo Insider)

Khả năng chống biến thể Delta của 3 loại vắc xin phổ biến

Khả năng chống biến thể Delta của 3 loại vắc xin phổ biến

Hiệu quả của vắc xin Pfizer, Moderna, AstraZeneca phai dần theo thời gian nhưng vẫn ngăn ngừa được nhập viện, tử vong.