Kíp trực đêm của Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) tiếp nhận 3 người đàn ông vào viện liên tiếp với tình trạng đau bụng dữ dội, xuyên sang sau lưng.

Trường hợp thứ nhất là ông V.T.D. (49 tuổi, trú tại thị trấn Thanh Thủy, Phú Thọ) vào cấp cứu ngay trong đêm vì đau bụng dữ dội vùng mạn sườn phải. Trước đó 1 giờ, bệnh nhân xuất hiện đau bụng vùng mạn sườn phải, đau quặn từng cơn tăng dần, đau xuyên ra sau lưng.

Bác sĩ phát hiện người bệnh có hình ảnh ứ nước thận phải do sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên bên phải, sỏi thận hai bên và chỉ định phẫu thuật tán sỏi niệu quản bằng ống mềm.

cap cuu viem than.png
Bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Trường hợp thứ 2 là ông N.M.Đ. (45 tuổi, Thị trấn Thanh Thủy, Phú Thọ) vào viện trong tình trạng đau bụng vùng hố chậu trái, đau quặn từng cơn tăng dần, trong cơn đau xuyên ra sau lưng. Qua thăm khám, kiểm tra nhận thấy người bệnh có hình ảnh ứ nước thận trái do sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên, sỏi thận hai bên và được chỉ định phẫu thuật tán sỏi niệu quản bằng ống mềm. Sau ca phẫu thuật thành công, sức khỏe người bệnh đã hồi phục.

Bệnh nhân thứ 3 là ông L.K.T. (52 tuổi, Xuân Lộc, Thanh Thủy, Phú Thọ) được người bệnh vào viện trong tình trạng đau bụng vùng hố chậu, đau quặn từng cơn và xuyên ra sau lưng. Người bệnh được chẩn đoán ứ nước thận trái do sỏi bể thận, sỏi thận hai bên và được thực hiện phẫu thuật tán sỏi thận qua da. 

Theo các bác sĩ, sỏi thận là bệnh phổ biến ở Việt Nam, tỷ lệ mắc rất cao. Trong đó, việc sử dụng thuốc bừa bãi không theo chỉ dẫn của bác sĩ là một trong số nguyên nhân có thể dẫn tới bệnh sỏi thận. Thói quen ăn mặn, nhiều dầu mỡ làm tăng thể tích tuần hoàn khiến các chất khoáng được lọc qua thận nhiều cũng làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận. Ngoài ra, một số thói quen khác cũng gây sỏi thận như uống ít nước, mất ngủ kéo dài, nhịn ăn sáng hay nhịn tiểu.