Bệnh nhân tới khám và điều trị tại Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ). Bác sĩ Nguyễn Thành Công cho biết hình ảnh tổn thương gan của bệnh nhân khiến thầy thuốc đặt vấn đề phân biệt tổn thương u và nhiễm ký sinh trùng.

Chỉ định nội soi tiêu hóa, chụp CT/MRI ngực bụng, xét nghiệm ký sinh trùng, xem xét sinh thiết tổn thương gan được đưa ra. Kết quả cho thấy bệnh nhân nhiễm giun đũa chó gây áp xe gan.

Bác sĩ khuyến cáo người dân cần phòng bệnh bằng cách vệ sinh tốt, tẩy giun định kỳ cho vật nuôi, rửa tay sau khi tiếp xúc với vật nuôi hoặc các khu vực có nguy cơ ô nhiễm đất cao, ăn chín uống sôi…

 Bệnh giun đũa chó xảy ra do con người bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó (Toxocara canis), hoặc ít phổ biến hơn là giun đũa mèo (Toxocara cati). Trứng nở trong ruột người. Ấu trùng xâm nhập vào thành ruột và có thể di chuyển qua gan, phổi, thần kinh trung ương, mắt, hoặc các mô khác.

Các triệu chứng của bệnh tùy thuộc vào cơ quan ấu trùng di cư đến như: Phát ban trên da, sốt, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đầy bụng, chán ăn, sút cân, áp xe gan, lách to.

Bệnh nhân cũng có thể có triệu chứng hô hấp giống như hen, ho kéo dài, tổn thương phổi, viêm cơ tim, viêm thận. Khi hệ thần kinh trung ương bị thương tổn, bệnh nhân sẽ có triệu chứng co giật, triệu chứng tâm thần kinh hay bệnh lý ở não.

Bệnh điều trị kéo dài trung bình 14 ngày, cần điều trị nhiều đợt tùy từng thể bệnh lâm sàng theo phác đồ.