Mới đây, Capcom đã ngừng việc cung cấp các thông tin xem trước (demo) cho giới truyền thông về phiên bản bom tấn làm lại từ Resident Evil HD 2002. Đây có lẽ là phiên bản tốt nhất, được mong chờ nhất khi làm mới hoàn toàn lại cấu hình HD cũ kỹ để chuyển sang một dạng đồ họa mới hiện đại nhất nhưng vẫn giữ nguyên lối chơi và cách điều khiển nhân vật quen thuộc…Thành thật mà nói, một giờ chơi nó là không thể đủ mà phải ngồi trước TV cả ngày mới thấy “đã đời” khi được chơi phiên bản làm lại của một trong những tựa game huyền thoại của hệ máy console.
Nhưng phải mất một thời gian nữa nó mới chính thức ra mắt, và bây giờ nhiều fan hâm mộ đã tính tới chuyện khởi động lại phiên bản đầu tiên của trò chơi trên PlayStation để hồi tưởng lại tòa biệt thự Spencer, thứ đã chiếm trọn trái tim họ trong suốt 18 năm qua. Những hình ảnh quen thuộc hiện lên, và fan hâm mộ càng thấy yêu, thấy thích hơn phiên bản gốc cũng như bản HD làm lại năm 2002. Có một cái “chất” riêng của Resident Evil đã biến mất hoàn toàn từ khi Resident Evil 4 được phát hành cho tới nay. Các phiên bản sau này có thể đẹp mắt hơn, mượt mà hơn vì Capcom đã ứng dụng những công nghệ phát triển game hiện đại nhất để ứng dụng vào đó…Nhưng, phiên bản đầu tiên của trò chơi xuất hiện năm 1996 đã quá thành công rồi, quá vĩ đại rồi nên “linh hồn” của nó vẫn cứ tồn tại và ám ảnh người chơi từ đó cho đến nay.
Resident Evil chắc chắn sẽ là một trong những tựa game đầu tiên mà người chơi đã từng bỡ ngỡ tiếp xúc với chiếc máy PlayStation thân quen. Và quả thật, Resident Evil đã ám ảnh người chơi vì hầu hết khi chơi nó, người chơi thường là những cô, cậu bé chưa đến tuổi vị thành niên. Đó là những thây ma với hình thù ghê rợn, là những khoảng tối đen vô tận rùng mình…là những gì kinh tởm và hãi hùng nhất mà bạn sẽ không dám tưởng tượng ra, nhưng chúng lại tồn tại và ẩn họa trong ngôi biệt thự Spencer. Không gian hoàn toàn tĩnh lặng vì chỉ có một mình bạn thám hiểm ngôi biệt thự, nhưng rồi bất chợt phải thét lên chết khiếp bởi những cái bẫy đã được thiết kế sẵn một cách rất thông minh. Người chơi biết rằng, nếu họ cứ tiếp tục chơi thì tâm lý của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi những tình huống kinh dị ghê gớm…nhưng họ vẫn cứ tiếp tục cuộc hành trình của Jill và Chris bất chấp mọi đe dọa vì tình yêu và cảm giác đặc biệt mà Resident Evil đem lại.
Ngày đó, kỹ thuật làm game còn thô sơ khiến cho bạn không thể điều chỉnh góc nhìn camera theo ý của mình để quan sát thật kỹ không gian xung quanh, và chính điều đó khiến những quyết định và hành động của bạn hoàn toàn theo cảm tính và…liều! Chính những thứ “ngây thơ” đó khiến cho bạn thường bất thình lình phải giáp mặt với những xác sống ở ngay cảnh sau…Đã có nhiều người chỉ trích Capcom tại sao lại xây dựng Resident Evil trên nền tảng 32 bit vì nó có quá nhiều điểm hạn chế mà đặc trưng nhất là hệ thống camera cố định. Nhưng liệu những người chơi đó có tự đặt một câu hỏi ngược lại dành cho bản thân: Liệu Resident Evil có sức cuốn hút đặc biệt như đã làm được không khi Capcom quyết định cho người chơi nhìn thấy những gì sẽ diễn ra tiếp theo?! Dù thế nào đi nữa, fan của Resident Evil vẫn tự hào và ngày càng yêu mến hơn cái góc nhìn camera “cổ lỗ sĩ” đó bởi nó là một phần không thể thiếu của một tựa game huyền thoại.
Khi Resident Evil được làm lại cho hệ máy GameCube vào năm 2002, nhiều người chơi đã đủ độ dũng cảm và nhận thức trưởng thành hơn để bắt tay vào chơi nó để có một cái nhìn khác về căn biệt thự Spencer. Capcom vẫn giữ hệ thống góc nhìn camera cố định như đã từng làm với phiên bản gốc, nhưng ánh sáng và hiệu ứng đồ họa đã được cải thiện lên một tầm cao mới để người chơi có thể thỏa sức trải nghiệm Resident Evil hơn trước.
Với việc nắm bắt toàn bộ những công nghệ hiện đại nhất để gia tăng sức mạnh và cải thiện những nhược điểm cho đứa “con cưng” của mình, đội ngũ phát triển của Resident Evil đã tạo ra trò chơi tuyệt nhất trên hệ máy GameCube. Hình tượng nhân vật là trên cả tuyệt vời nếu so với những tựa game console thời đó, và đặc biệt những góc quay, hình ảnh và hiệu ứng (ánh sáng và bóng tối) đã được trau chuôt và cải thiện một cách đáng kể…khiến cho bóng của nhân vật mà bạn điều khiển cùng những con zombie được in lên tường rất rõ ràng và chân thực khiến cho việc chơi Resident Evil trở nên trực quan và sinh động hơn trước rất nhiều. Bạn không thể biết những gì tiếp theo sẽ xảy ra, nhưng bạn nhận được một chút thông tin và dấu hiệu để mơ hồ đoán ra nó.
Capcom vẫn đang trong quá trình hoàn thiện phiên bản làm lại mới nhất của Resident Evil (dự kiến sẽ phát hành vào Quý I năm 2015) sau khi đã từng remake trò chơi này vào năm 2002 cho máy GameCube. Nhưng cũng phải nói rằng, lần cập nhật đó của Capcom chỉ đơn thuần khiến cho hình ảnh của Resident Evil đẹp hơn, hiện đại hơn với chất lượng hình ảnh HD tốt nhất vào thời điểm đó chứ chưa chú trọng đến việc phát triển và nâng cấp những nội dung liên quan khác…Nhưng ở phiên bản sắp sửa được ra mắt sẽ khác, khi chính Capcom xác nhận rằng ngoài những cảnh cutscene được giữ nguyên để đảm bảo mạch nội dung được trọn vẹn như trước còn hầu như toàn bộ tất tần tật những thứ gì có trong Resident Evil cũ sẽ được làm lại hoàn toàn.
Capcom cũng sẽ cho phép người chơi chơi Resident Evil ở chế độ màn hình rộng (widescreen mode). Nó sử dụng hệ thống pan-và-scan để tạo ra một khung hình rộng từ cửa sổ 4:3 mặc định, đó là một nét mới đáng ghi nhận. Để ngăn chặn một số lỗi khiến cho góc nhìn camera bị bắn ra khỏi khung hình nhân vật đang đứng, Capcom đã thêm một chuyển động nhẹ nhàng vào hệ thống camera để khiến nó mượt mà hơn. Nhưng không phải ai cũng thích điều này và họ hoàn toàn có thể trải nghiệm Resident Evil ở màn hình 4:3 truyền thống mà không ai ép buộc.
Thực sự là một sai lầm to lớn khi nghĩ rằng Capcom đang cố gắng remake lại phiên bản HD năm 2002 để trở thành “HD của HD”…nhưng họ không thừa thời gian, tiền bạc và công sức để làm điều đó một lần nữa bởi chắc chắn nó sẽ không còn hiệu quả như ở lần đầu tiên nữa. Resident Evil phiên bản năm 2015 chắc chắn sẽ là một “bom tấn” cho các hệ máy PlayStation 4, Wii,…vì công sức mà Capcom bỏ ra là không nhỏ và cũng bởi tình cảm mà người hâm mộ dành cho trò chơi là quá lớn!
Bi Vi