Lươn châu Âu đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì nạn buôn lậu (ảnh: CNN)
Cặp đôi gồm một người phụ nữ 20 tuổi và một người đàn ông 43 tuổi, đã bị bắt giữ vào hôm thứ hai (28/10) tại sân bay Charles de Gaulle của Paris trên đường trở về Trung Quốc, sau khi họ bị phát hiện mang khoảng 60 kg lươn nhỏ giấu trong hành lý.
“Những người này đã cất giấu những con lươn con, thuộc loại Elvers, trong các thùng chứa được chế tạo đặc biệt, với các thiết bị làm lạnh cầm tay, giấu kín trong hành lý”, một phát ngôn viên tòa án quận Bobigny (Pháp) – nơi thụ lý vụ án, cho biết.
Phát ngôn viên của tòa án cũng cho biết thêm, còn một công dân Trung Quốc nữa trong vụ việc đã trốn thoát khỏi sân bay. Người này để lại một chiếc vali khác chứa thêm 30 kg lươn giống Elvers, hiện tại đang bị cảnh sát Pháp truy nã gắt gao.
Số lươn sau đó đã được cơ quan hải quan giao lại cho một tổ chức chuyên bảo vệ lươn chăm sóc
Cảnh sát cho biết, nếu số lươn con nói trên được vận chuyển trót lọt về Trung Quốc, chúng sẽ có giá trị lên tới 180.000 euro (hơn 200.000 USD).
Được biết, một kg lươn châu Âu có thể được bán với giá 5.500 USD tại Trung Quốc. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng đột biến tội phạm buôn lậu lươn châu Âu trong những năm gần đây, khoảng 15 triệu con lươn bị buôn lậu đã bị thu giữ tại châu Âu vào năm 2018.
Những con lươn nhỏ bị cất trữ trong những chiếc thùng đặc dụng để qua mặt anh ninh sân bay (ảnh: The portugal news)
Tình trạng này chủ yếu tập trung ở các nước Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha, nơi loài lươn phát triển. Theo Europol (cơ quan cảnh sát châu Âu), số vụ buôn lậu lươn hiện nay đã đánh dấu mức tăng 50% so với năm trước và chủ yếu được thực hiện bởi những người Trung Quốc.
Cơ quan này ước tính rằng đã có tới 300 triệu đến 350 triệu con lươn bị buôn bán trái phép từ Âu sang Á mỗi năm, tổng số giao dịch này trị giá lên tới 3,3 tỷ USD.
"Buôn bán lươn châu Âu là một trong những tội ác về động vật hoang dã lớn nhất thế giới. Những con lươn bị buôn lậu vì giá trị của chúng trên thị trường", ông Andrew Kerr, Chủ tịch của tổ chức bảo tồn lươn châu Âu, phát biểu.
“Khoảng 25% số lượng lươn châu Âu đã biến mất trong thời gian ngắn”, ông nói thêm.
Ông David Baker, chuyên gia khoa học biển tại Đại học Hồng Kông cho biết:
“ Trước đây, lươn Nhật Bản từng là nguồn lươn thịt chính ở châu Á, nhưng số lượng loài này đã sụt giảm nghiêm trọng do bị khai thác quá mức”,
Điều này đã dẫn đến hiện tượng buôn lậu lươn châu Âu - loài được liệt kê trong danh sách có nguy cơ tuyệt chủng tại châu Âu từ năm 2009. Số lượng lươn tại châu Âu đang ngày càng cạn kiệt, vì vậy, buôn bán lươn từ lâu đã bị hạn chế.
Lươn châu Âu đã được bảo vệ từ năm 2009 bởi Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Năm 2010, EU đã cấm xuất khẩu tất cả các loài lươn.
Lươn ở châu Âu có vòng đời rất đặc biệt. Những con lươn trưởng thành thường sinh sản ở biển Sargasso, bờ Bắc Đại Tây Dương. Sau khi trứng nở, lươn con sẽ trôi dạt cùng dòng hải lưu trong chuyến hành trình hơn hơn 3.700 dặm (khoảng 6.000 km).
Cuối cùng, chúng bơi vào và sống tại những con sông nước ngọt của châu Âu. Mất khoảng 10 đến 25 năm cho đến khi chúng trưởng thành, vì vậy, lươn châu Âu có giá trị kinh tế vô cùng cao.
Lươn châu Âu có giá trị kinh tế rất lớn tại Trung Quốc (ảnh: CTV News)
“Lươn châu Âu thường bị bắt và buôn bán trong giai đoạn đang phát triển. Chúng sẽ dễ bị bắt hơn khi còn nhỏ và dễ dàng để những kẻ buôn lậu giấu vào trong những chiếc thùng được đặc chế. Chúng thường bị bắt trộm ở Tây Âu, đặc biệt là ở Tây Ban Nha, sau đó được gửi đến Trung Quốc hoặc Nhật Bản", ông Baker nói.
"Những kẻ buôn lậu nhét chúng vào các bong bóng nhựa có oxy, đặt những bong bóng trong hành lý xách tay và cuối cùng đưa chúng đến châu Á trên một chuyến bay thương mại.
Những con lươn đôi khi được "tẩy sạch nguồn gốc" ở một điểm dừng chân tại Bắc Phi, nơi không có lệnh cấm xuất khẩu như Liên minh châu Âu”, ông Baker nói thêm.
Vào năm 2018, Europol đã tuyên bố bắt giữ 10 thành viên của một nhóm tội phạm có tổ chức, những kẻ này đang cố gắng buôn lậu 350 kg lươn sống từ Tây Ban Nha đến Trung Quốc, trung chuyển qua Ma – rốc (một quốc gia tại bắc Phi).
"Hầu hết nhu cầu thịt lươn đều xuất phát từ châu Á, nơi lươn được coi là một món ngon, trái ngược với châu Âu và châu Mỹ", ông Baker cho biết.
Ông Baker cùng với nhóm nghiên cứu của mình hiện nay đã phát triển một phương pháp để xác định nguồn gốc của mẫu lươn mỗi khi chúng bị thu giữ.
"Chúng tôi lấy một mẫu vật từ những con lươn, trích xuất DNA và phân tích cấu trúc bộ gen của nó", ông nói. "Điều này cho phép chúng tôi xác định nó thuộc loài nào, cụ thể là nó có phải là lươn châu Âu hay không".
Gần đây nhất, nhóm của ông Baker đã tìm ra một phương thức mới để phân tích DNA của lươn bằng cách kiểm tra mẫu nước chúng đang sống, có khả năng trả về kết quả trong vòng 24 giờ.
Phương pháp nói trên hi vọng sẽ giúp cho cơ quan chức năng có thể xác định nhanh chóng nguồn gốc của những con lươn bị buôn lậu và trả chúng về môi trường bản địa tự nhiên.
Theo Danviet