Thế giới đang hồi hộp theo dõi "nhất cử nhất động" của Triều Tiên giữa lúc có thông tin cho biết nước này chuẩn bị thử vũ khí hạt nhân lần thứ 6.
Đã hơn một tháng kể từ khi các quan chức Mỹ và Hàn Quốc công khai tuyên bố Triều Tiên đã sẵn sàng kích nổ một quả bom hạt nhân, và cũng đã gần 2 tuần sau khi giới phân tích nói bãi thử hạt nhân duy nhất của Triều Tiên, Punggye-ri, đã "sẵn sàng", nhưng vẫn chưa có vụ nổ nào xảy ra.
Triền Tiên được cho là đã đạt tiến bộ lớn về chương trình tên lửa và hạt nhân. (Ảnh: KCNA) |
Sau mỗi lần thử tên lửa hay hạt nhân là Triều Tiên lại tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển được một vũ khí hạt nhân có thể lắp vừa lên tên lửa có tầm bắn tới Mỹ. Vậy tại sao Triều Tiên lại trì hoãn vụ thử hạt nhân lần 6?
"Tôi nghĩ họ sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần 6 vào lúc nào đó. Nhưng họ đang điều chỉnh thời gian rất kỹ và thực sự đang tính đến một số yếu tố", CNN dẫn lời bình luận của Jean Lee, một thành viên tại Trung tâm Wilson và là một giảng viên về các nghiên cứu Triều Tiên.
Một quan chức Mỹ cho biết, quân đội đã quan sát thấy hoạt động đáng kể tại bãi thử Punggye-ri và có sự đào mới đang diễn ra ở lối vào hầm. Hoạt động này cho thấy vụ thử hạt nhân chưa thể xảy ra sớm.
Chính quyền Bình Nhưỡng thường tính toán cẩn trọng các vấn đề trong nước và địa chính trị mỗi khi tiến hành thử vũ khí hạt nhân. Các cuộc thử nghiệm thường diễn ra theo một chu kỳ khá dễ doán, với thời gian trùng với các sự kiện hoặc dịp lễ lớn ở Triều Tiên.
Gần đây nhất, hôm 16/4, Triều Tiên bắn thử tên lửa nhưng thất bại ngay sau ngày kỷ niệm 105 sinh nhật cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. Vụ thử tên lửa đầu tiên của nước này sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ trùng với dịp ông tiếp đón Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 2.
Có một số đồn đoán rằng Triều Tiên nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội ngày 25/4 để thử hạt nhân và tên lửa. Trước sự kiện này, Triều Tiên đã tập trận quy mô lớn. Theo giới phân tích, ngày 25/6 kỷ niệm cuộc chiến Triều Tiên cũng là một lựa chọn để Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần 6.
Triều Tiên tập trận ngày 25/4. (Ảnh: KCNA) |
Tong Zhao, một thành viên tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua về Chương trình Chính sách hạt nhân của Chính sách Toàn cầu - lại cho rằng, sau 5 vụ thử hạt nhân, Triều Tiên có lẽ đã đạt tới năng lực thu một vũ khí hạt nhân đủ nhỏ để lắp vừa lên tên lửa.
Do vậy, thêm các cuộc thử nghiệm nữa chỉ là cách để tăng số lượng đầu đạn hạt nhân, hoặc nâng cao sức hủy diệt, chứ không còn đóng vai trò sống còn đối với mục tiêu tối thượng của họ nữa.
"Điều đó có nghĩa là họ có thể sẽ hoãn, thậm chí hủy các vụ thử hạ nhân bổ sung, từ đó có thể sử dụng chúng như một đòn bẩy, như một đòn mặc cả tiềm năng, thậm chí từ bỏ kiểu như một thiện chí trong trường hợp chính quyền Trump muốn đối thoại", Tong Zhao nhận định.
Sức ép từ Trung Quốc và Mỹ có thể cũng là một yếu tố khiến Triều Tiên chưa thử tên lửa lần 6, mặc dù các chuyên gia cảnh báo điều này khá khó, bởi Bình Nhưỡng dường không khuất phục trước áp lực và các biện pháp trừng phạt của quốc tế.
Tuy là đồng minh nhưng Trung Quốc giờ đây dường như đã phát chán với hành xử của Triều Tiên. Trong khi đó, Tổng thống Trump và chính quyền của ông tuyên bố họ đang xem xét mọi lựa chọn, kể cả vũ lực, đối với Bình Nhưỡng.
Trong một màn phô trương sức mạnh, Washington đã điều các tài sản quân sự tới khu vực, trong đó có hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và một trong những tàu ngầm uy lực nhất của nước này.
Thanh Hảo