Đây không phải lần đầu tiên, VinFast xuất hiện như một tâm điểm trên các chương trình quốc tế phản ánh về sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Biểu tượng cho một Việt Nam mới năng động và phát triển
Giải thích về việc lấy VinFast làm ví dụ điển hình cho một Việt Nam mới năng động và phát triển, đài RTS cho rằng, trước VinFast, Việt Nam chưa từng có một ngành công nghiệp sản xuất ô tô đúng nghĩa. Theo RTS, với sự đầu tư vượt trội vào nhà máy có mức độ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á, VinFast sẽ là một thế lực của ngành công nghiệp ô tô thế giới.
“Tôi chưa bao giờ tưởng tượng sẽ có ngày cầm lái một chiếc ô tô sản xuất bởi người Việt, ngay trên đất Việt. Nó thực sự rất tốt. VinFast và Việt Nam sẽ là kẻ thách thức trong ngành công nghiệp ô tô thế giới”, biên tập viên của RTS bày tỏ trên sóng truyền hình Thụy Sỹ, khi đang cầm vô lăng chiếc VinFast Lux A2.0.
Trước khi được RTS giới thiệu đến hàng trăm triệu khán giả trên toàn cầu (chương trình này còn được phát lại trên nhiều kênh sóng phục vụ cộng đồng các nước nói tiếng Pháp), cái tên VinFast cũng đã “vượt qua biên giới” với độ phủ dày đặc trên hàng loạt các hãng thông tấn lớn.
Khi VinFast khánh thành nhà máy với “kỳ tích 21 tháng”, chuyên trang tài chính Bloomberg đánh giá rất cao VinFast trong “cuộc đua” với các đối thủ lừng lẫy đến từ nước ngoài, đã có hàng chục năm kinh nghiệm.
Bloomberg nhận định, VinFast chọn cách “đi với những người khổng lồ” trong ngành như BMW, Bosch (Đức), Pininfaria (Ý), Magna Steyr (Áo) và tuyển dụng nhân sự cấp cao từ các hãng xe danh tiếng thế giới “là những yếu tố đảm bảo cho chất lượng sản phẩm cuối cùng”..
Trong khi đó, tờ Nikkei lại cho rằng, VinFast đã thể hiện một bước đi táo bạo khi thị trường Việt Nam có quy mô còn nhỏ so với các nước khác trong khu vực. Ấn phẩm nổi tiếng của Nhật Bản dẫn lời của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng: "Chúng tôi cam kết nỗ lực hết sức để khẳng định vị thế và đẳng cấp thương hiệu Việt Nam trên toàn cầu".
Ở góc nhìn tổng thể, tạp chí Forbes của Mỹ đưa ra bình luận về vai trò của VinFast trong việc trở thành đầu tàu kéo các doanh nghiệp nội địa tham gia sâu và ngành công nghiệp phụ trợ. Forbes khẳng định, VinFast đã mở đường cho một kế hoạch dài hơn và bền vững, khi dành 30% diện tích tổ hợp sản xuất để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.
Riêng CNN lại chọn xe máy điện VinFast để đưa vào một phóng sự về môi trường ở Việt Nam. Kênh truyền hình Mỹ bình chọn cho chiếc xe máy điện VinFast là biểu tượng giao thông xanh nhờ yếu tố bền vững.
“Với đặc tính “vừa hiện đại nhưng vẫn giữ được truyền thống, VinFast xác lập một xu thế mới trong việc sử dụng xe cá nhân tại Hà Nội, thành phố 8 triệu dân với thói quen sử dụng xe máy”, CNN cho hay.
Trong chương trình đặc biệt về kinh tế Việt Nam phát sóng tại Thụy Sỹ, Pháp và các quốc gia sử dụng tiếng Pháp, đài truyền hình quốc gia Thụy Sỹ RTS đã gọi VinFast là “kẻ thách thức ngành công nghiệp ô tô thế giới”. |
Thương hiệu Việt với tầm nhìn toàn cầu
Tại sao dù mới bước chân vào ngành công nghiệp ô tô thế giới và có sản phẩm thương mại chưa đầy 1 năm, VinFast lại được truyền thông quốc tế chú ý đến vậy? Theo nhìn nhận của các chuyên gia, trước tiên phải xuất phát từ bối cảnh, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong suốt 25 năm qua chủ yếu đi gia công cho các hãng nước ngoài. Và VinFast ra đời đã đánh dấu bước ngoặt cho ngành công nghiệp trọng điểm này.
Hãng xe Việt đã thực hiện một chiến lược phát triển rất khác thường khi chủ động đứng ra làm chủ chuỗi giá trị sản xuất ô tô ngay từ đầu. Nhà máy hiện đại bậc nhất thế giới của VinFast ở Hải Phòng sở hữu chu trình sản xuất hoàn thiện, đồng bộ và tự động hóa cao với hàng nghìn robot, trang bị hệ điều hành sản xuất thông minh mang lại hiệu suất tối ưu.
Đặc biệt, VinFast là nhà máy ô tô duy nhất tại Việt Nam làm chủ được các công đoạn cốt lõi, có năng lực tự sản xuất những cấu phần chính của một chiếc ô tô như thân vỏ, động cơ..., qua đó khẳng định được vị thế của một nhà sản xuất ô tô độc lập.
Hình ảnh VinFast cũng từng xuất hiện trên nhiều trang báo và kênh truyền thông lớn của thế giới như Nikkei, Bloomberg, Forbes, CNN... |
Dường như giới truyền thông quốc tế đã nhận ra tầm nhìn xa của hãng xe Việt là vươn ra thị trường thế giới. Rất nhiều báo quốc tế đã dự đoán về chiến lược này khi VinFast công bố sản lượng nhà máy ô tô lên đến 250.000 chiếc/năm trong giai đoạn đầu, hướng tới 500.000 chiếc/năm vào năm 2025. Khi dung lượng thị trường trong nước vẫn ở quy mô nhỏ - trên dưới 200.000 xe mỗi năm, xuất khẩu là con đường mà VinFast đã nhắm đến ngay từ đầu.
“Tầm nhìn của VinFast là trở thành một công ty và thương hiệu ô tô toàn cầu”, Đài RTS dẫn lời bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Tổng Giám đốc VinFast, cho thấy mục tiêu lớn của thương hiệu ô tô Việt. Một trong những thị trường đầu tiên VinFast muốn hướng tới là Mỹ, rất giàu tiềm năng nhưng được đánh giá là đầy thách thức.
Mẫu xe máy điện Klara của VinFast từng được kênh truyền hình CNN (Mỹ) bầu chọn là biểu tượng giao thông xanh của Hà Nội. |
Chính bởi thế, giới quan sát trên thế giới hiện coi VinFast như là biểu tượng mới của kinh tế Việt Nam - đất nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.
"Vingroup là một minh chứng cho thấy các nhà sản xuất Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm có giá trị cao", tờ Bloomberg viết.
Chiếc ô tô mang thương hiệu Việt đã trở thành một ví dụ điển hình cho sự năng động của đất nước hình chữ S. Sức hút của VinFast với truyền thông quốc tế như lời khẳng định về sự tự chủ của doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu. Và giờ đây, ô tô VinFast đang dần “soán ngôi” lúa nước, nón lá, gốm sứ... trong các đề tài kinh điển thường được báo chí thế giới đề cập khi nhắc tới Việt Nam.
Minh Tuấn