- Dù từng một thời đầu gối tay ấp nhưng không ít cặp đã phải "đường ai nấy đi" vì mâu thuẫn phát sinh trong đời sống vợ chồng. Tại tòa, khi được hỏi về các bà vợ, nhiều đấng mày râu không giấu được bức xúc, liên tục tố đối phương với muôn vàn ấm ức.

“Vợ tôi chỉ thích đi du lịch”

Đương sự trong phiên tòa hôm ấy là một cặp vợ chồng trẻ. Họ ngồi chung trên một băng ghế dài. Là người đệ đơn xin ly hôn, chị tỏ ra bình thản còn anh ánh mắt buồn rười rượi.

Qua phần hỏi, anh cho biết vợ chồng anh kết hôn vào năm 2004. Anh làm giám đốc nhân sự ở một công ty du lịch, anh cũng thành lập thêm một công ty nhỏ chuyên kinh doanh mỹ phẩm. Khi công ty hoạt động ổn định, anh chuyển cho vợ đứng tên, quản lý.

Công việc công ty không quá bận rộn, anh muốn dù thế nào chị cũng phải dành thời gian cho hai con (con trai 9 tuổi, con gái 6 tuổi). Thế nhưng chị không hiểu.

“Vợ tôi lấy lý do bận việc công ty rồi toàn bộ việc nhà từ lau nhà, rửa bát cho đến đưa đón con đi học…cô ấy đều giao một tay tôi lo liệu. Vợ tôi chỉ thích đi mua sắm, đi du lịch, hẹn hò cùng bè bạn…Tôi vẫn còn thương vợ và nhất là không muốn các con phải thiếu cha hoặc mẹ nên tôi không đồng ý ly hôn”, anh nói trước tòa.

{keywords}
Chị T. và người chồng ngoại quốc tại phiên tòa ly hôn.

“Anh ấy nói không đúng, vợ chồng không hiểu nhau thì không thể tiếp tục chung sống. Anh ấy là chồng nhưng rất ích kỷ, chỉ muốn tôi ở nhà làm nội trợ. Tôi đề nghị tòa giữ nguyên án sơ thẩm cho ly hôn, giao hai con cho tôi chăm sóc”, vén mái tóc uốn xoăn nhuộm màu vàng nhạt phảng phất hương nước hoa, chị trình bày.

Sau nhiều lời hòa giải bất thành, HĐXX tuyên sửa một phần bản án, giao cậu con trai lớn 9 tuổi cho người chồng chăm sóc. Tòa dứt lời tuyên án, chị bình thản bước ra khỏi phòng xử, chỉ còn một mình anh ngồi lặng lẽ trên bằng ghế dài.

“Cô ấy ngoại tình”

Giữa tháng 6 vừa qua, TAND TP.HCM cũng mở một phiên tòa ly hôn khá đặc biệt. Nguyên đơn xin ly hôn là người vợ, bị đơn là chồng. Nội dung sự việc khiến người nghe không khỏi ngạc nhiên.

Anh và chị kết hôn vào cuối năm 2012. Quá trình sống chung vợ chồng thường phát sinh mâu thuẫn do bất đồng quan điểm, khác nhau về lối sống cũng như nếp sinh hoạt hàng ngày. Mỗi lần cãi nhau, chị thường bỏ về nhà cha mẹ ở. Cuộc sống vợ chồng chỉ kéo dài được một năm rồi họ ly thân. Tình cảm vợ chồng không còn nên chị xin ly hôn.

“Dù cô ấy ngoại tình nhưng tôi vẫn còn thương cô ấy. Tôi thấy mâu thuẫn vợ chồng chưa trầm trọng đến mức phải ly hôn nên tôi xin được đoàn tụ. Tôi muốn vợ chồng có một khoảng thời gian sắp xếp lại mọi chuyện, hàn gắn lại tình cảm trước đây”, bị đơn nói trước tòa.

Mặc kệ chồng, người vợ kiên quyết giữ nguyên yêu cầu. Chị cũng thừa nhận việc mình ngoại tình, thậm chí hiện nay chị đã có thai với người đàn ông khác. Chị nói anh khó tính, hay xét nét mọi chuyện. Sống với anh, chị không tìm được cảm giác hạnh phúc. Chuyện ngoại tình chị thấy là “bình thường”, không có gì ghê gớm.

Trả lời câu hỏi của tòa việc có biết việc quan hệ với người khác trong thời kỳ hôn nhân là vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục không? Chị lẳng lặng không đáp còn anh ánh mắt đầy u uất. Trong chốc lát, anh thay đổi quyết định, đồng ý ly hôn. Phiên tòa khép lại, họ bước ngang nhau ra khỏi phòng xử án nhưng mỗi người nhìn về một hướng.

“Cô ấy lấy tôi chỉ vì tiền”

Một phiên tòa khác diễn ra giữa năm 2014, người đệ đơn kiên quyết đòi ly hôn là chồng. Ông là người Mỹ, ngoài 60 tuổi, có học hàm cao đến Việt Nam công tác còn vợ ông – chị T. mới chỉ ngoài đôi mươi.

Ông cho biết 6 năm về trước, trong một lần đi quán bar ông gặp cô gái 19 tuổi là chị T. Thấy chị ăn nói dễ thương lại xinh xắn nên đem lòng cảm mến. Sau thời gian tìm hiểu, ông quyết định cưới T. 

Sau khi cưới, ông bỏ hơn 3,4 tỷ đồng để mua một căn nhà ở trung tâm thành phố biển Vũng Tàu. Khi về hưu, ông ở hẳn tại Việt Nam. Cũng từ khi ông về hưu, cuộc sống vợ chồng thường xuyên phát sinh mâu thuẫn. Trong đơn xin ly hôn, cụ ông “tố” vợ trẻ không tôn trọng mình, thường xuyên đi chơi về muộn, hay nói dối, thách ông ly hôn…

Ông nhận thấy giữa ông và vợ trẻ có sự chênh lệch tuổi tác quá lớn, bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa và trình độ…Vợ ông chỉ coi ông là chỗ xin tiền để chi tiêu cá nhân và cho gia đình…Đó là cuộc hôn nhân sai lầm nên muốn ly hôn.

Thế nhưng từ khi ông đệ đơn, chị T. lại quay sang phản đối, tìm mọi cách níu kéo chồng. Cô bảo mình rất yêu thương chồng nhưng do trình độ tiếng Anh kém nên không thể trò chuyện. Nếu tòa vẫn tuyên ly hôn thì đề nghị cho cô được hưởng 50% giá trị căn nhà thay vì 30% như trước.

Sau khi xem xét, tòa tuyên y án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu ly hôn. Về tài sản, tuyên nguyên được hưởng 70% giá trị căn nhà, chị T. hưởng 30% còn lại. Vừa ra khỏi phòng xử, chị T. vui vẻ rảo bước bên bạn bè, mặc người đàn ông chị mới gọi là chồng từ ít phút trước khó nhọc lê từng bước chân.

M.Phượng