Không quản nắng hay mưa, ngày hay đêm, những cần thủ săn cá khủng vẫn miệt mài tay cần, tay vợt lang thang khắp khúc sông này đến hồ câu khác.

Trắng đêm "ôm" cần

19 giờ một ngày giữa tháng 8 tại sông Thái Bình đoạn qua thôn Tiền, xã Thanh Hải (Thanh Hà, Hải Dương), khi các gia đình xung quanh bắt đầu lên đèn thì cũng là lúc những “tín đồ” đam mê câu cá loay hoay tìm cho mình một chỗ ngồi chắc chắn để buông cần. Sau nhiều lần lỡ hẹn, đêm nay chúng tôi mới gặp được nhóm câu của anh Trương Văn Soái và Trần Quang Minh ở thị trấn Cẩm Giàng để cùng trải nghiệm thú câu đêm. Anh Soái chia sẻ: “Những tay câu mới vào nghề thường câu ngày nhưng với những tay câu chuyên nghiệp, thì đêm mới là thời điểm để săn những loại cá có trọng lượng trên 10 kg”.

Theo lời của một số cần thủ lâu năm thì không giống như câu cá trong các khu hồ câu giải trí, câu cá đêm trên sông cần phải có nhiều kinh nghiệm và một chút may mắn. Cùng một đoạn sông, cùng buông cần nhưng có người cá cắn câu lia lịa, người khác lại ôm cần ngồi đợi cả đêm mà vẫn trắng tay. Đoạn sông này nước chảy nhẹ, nhưng chỉ cách một đoạn ngắn nước lại chảy xiết, cá khó dính câu.

{keywords}

Con cá mè nặng 19 kg là thành quả trong một lần đi săn cá “khủng” của nhóm cần thủ ở thị trấn Cẩm Giàng

Cẩn thận đơm miếng mồi vào lưỡi câu, anh Soái nhanh tay quăng cần đến đúng điểm nước chọn trước. Vừa thao tác, anh vừa giải thích, muốn chuyến câu đêm có kết quả, cần thủ phải biết chọn đoạn sông có cá ăn đêm, phán đoán chính xác chỗ nước chảy nhẹ, có luồng cá để buông cần. Ngoài ra, người câu phải nắm rõ đó là loại cá gì, có tập tính ăn thế nào để chọn mồi câu phù hợp... Như đoạn này chủ yếu là cá chép, trắm nên mồi nhử phải là tôm, cua, ốc... Chỉ những loại mồi câu này mới đủ sức thu hút cá đến ăn. Và cứ 30 phút phải thay mồi một lần để bảo đảm độ tươi và nhạy mùi.

23 giờ, sau gần 4 tiếng đồng hồ buông cần nhưng chưa một cần nào “nháy phao”, thấy tôi có vẻ sốt ruột, anh Minh động viên: “Chú đừng nóng vội. Nhiều lúc bọn anh còn ngồi chờ đến tận sáng. Cái món câu này càng yên tĩnh, mặt nước càng êm thì cá mới dễ cắn câu. Trước đây, cá ở các sông khá nhiều, không thiếu các loại cá to từ gần 10 kg đến 20 kg. Bây giờ, do môi trường sống thay đổi, những con cá “khủng” ngày càng ít. Vài ba tháng, anh em tôi mới có người câu được cá lớn tầm 10 kg”.

Đang mải câu chuyện, bỗng anh Minh đứng phắt dậy, tay phải ghì chắc cần câu, tay trái linh hoạt thu, nhả cước để ròng cá. “Cá dính rồi. Con này chắc to đây, nó kéo khỏe lắm”, anh Minh reo lên vui sướng. Thấy “đồng đội” có cá cắn câu, anh em trong hội bỏ hết cần nhao đến cổ vũ: “Từ từ thôi, căng quá đứt cước đấy. Cứ ròng cho nó đuối sức đã…”. Cứ thế, người và cá đánh vật với nhau hơn 1 giờ đồng hồ. Trời khuya khá lạnh nhưng những giọt mồ hôi đã chảy thành dòng trên khuôn mặt anh Minh. Căng thẳng nhưng chúng tôi nhận thấy ánh mắt anh sáng lên đầy vui sướng.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, không khí đang sôi nổi bỗng chùng xuống trong sự tiếc nuối. “Thôi, mất rồi. Đứt cước rồi…”, tất cả mọi người đều đồng thanh. Chiếc cần của anh Minh rung lên một cái rồi đứng im. Nỗi thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt, anh Minh tiếc nuối: “Đen quá. Vậy là mất toi con cá to”. Không ai nói thêm câu gì, mọi người lại trở về chỗ của mình để buông cần đợi chờ cơ hội.

Người đánh vật với… cá

{keywords}

Anh Phạm Văn Quang ở TP Hải Dương câu được cá trắm đen nặng 34 kg tại hồ Côn Sơn

Hội câu của anh Soái vẫn nhớ như in một lần hiếm hoi bắt được cá “khủng”. Đó là một đêm trung tuần tháng 5-2015, nhóm câu của anh câu trên sông Thái Bình đoạn qua xã Thái Tân (Nam Sách).

Sau hơn 2 giờ kiên trì phục kích, đến 23 giờ 45, con cá to đã cắn câu của một cần thủ. Niềm vui lớn bừng lên trong toàn hội nhưng việc đưa được cá lên bờ không hề dễ. Vốn sống trong môi trường tự nhiên lại có trọng lượng lớn nên cá rất khỏe.

Bằng kinh nghiệm, các anh biết chắc phải mất một thời gian dài để ròng cho cá đuối sức mới đưa được lên bờ. Nếu căng tay, cước dễ bị đứt. Các anh phải thay nhau ròng cá. Cuộc chiến vật lộn giữa con cá “khủng” và những cần thủ diễn ra căng thẳng. Cứ kéo được một đoạn, con cá như dùng hết sức bình sinh quẫy mạnh, rẽ nước bơi đi. Những lúc như vậy, họ lại phải thả chùng dây cước để cá bơi một đoạn, rồi lại kéo vào. Dù đã thay phiên nhau nhưng có những lúc, đôi tay của các anh vẫn mỏi rã rời. Cuộc vật lộn kéo dài gần 2 giờ đồng hồ vẫn chưa đến hồi kết, các cần thủ lại gặp thêm một khó khăn mới. Khu vực câu nằm sát ngay bên những bè nuôi cá của người dân địa phương. Con cá mắc câu đã lao xuống phía dưới bè cá và bị mắc dây cước.

Anh Minh kể lại: “Thấy nguy cơ mất cá rất lớn, chúng tôi quyết định cử người lặn xuống để gỡ dây cước. Về đêm, nước rất lạnh và tối, các thành viên trong nhóm phải lấy hơi thật sâu để lặn xuống đáy bè. Đây là tình huống khá nguy hiểm. Trước đây đã có trường hợp tương tự bị tử vong do ngạt nước. Chính vì vậy, những người có sức khỏe và kinh nghiệm mới được chọn để xuống gỡ cước”. Sau 15 phút ngụp lặn, đoạn dây cước mới được gỡ khỏi bè cá. Cuộc giằng co giữa cá và người lại tiếp tục diễn ra. Cuối cùng, phải mất đến gần 3 tiếng, con cá trắm đen nặng hơn 20 kg mới đuối sức, bơi lờ vờ sát mặt nước. Chậm rãi ròng cá vào sát bờ, các thành viên trong hội dùng bao dứa luồn xuống bụng cá để nhấc lên thuyền. Mặc dù đã mệt nhoài sau thời gian dài đánh vật với con cá “khủng” nhưng ai nấy đều vui mừng với chiến lợi phẩm đạt được.

Môn chơi tốn kém

Nhiều người vẫn ví von rằng câu cá là một môn nghệ thuật và người câu cá là một nghệ sĩ. Bởi vì để câu giỏi, cần thủ phải hội tụ rất nhiều điều kiện như: sức khỏe dẻo dai, sự khéo léo, kinh nghiệm và cả tiền bạc.

Đối với các cần thủ, việc đi săn cá “khủng” không chỉ là chuyện câu cá đơn thuần mà thật sự là trò giải trí khá tốn kém. Ngoài việc phải đầu tư thời gian kiếm tìm những khúc sông lớn, có nhiều cá to, người đi câu cũng phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn để mua cần câu, lưỡi, cước… Hiện nay trên thị trường, một chiếc cần câu có giá từ 2-3 triệu đồng. Có những chiếc cần câu được nhập khẩu từ nước ngoài có giá trên 10 triệu đồng. Đấy là chưa kể đến các khoản phụ khác như xăng xe, nước uống, đồ ăn, túi đựng đồ, ghế gấp… Để có một bộ đồ nghề câu hoàn chỉnh, mỗi cần thủ phải bỏ ra số tiền từ 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Đấy là chưa kể tốn kém về thời gian vì môn chơi này không có điểm dừng cụ thể. Tốn kém về thời gian mới đáng kể nhất.

Anh Tăng Bá Hanh 46 tuổi ở đường Phạm Hồng Thái (TP. Hải Dương) có niềm đam mê săn cá khủng gần 20 năm nay. Mỗi khi rảnh rỗi, anh cùng nhóm bạn lại rủ nhau đến các hồ câu giải trí hoặc những khúc sông lớn, nhiều cá trên địa bàn tỉnh để câu. Trong “sự nghiệp” câu cá của mình, anh đã săn được khá nhiều cá to, có con nặng đến 19 kg.

Theo anh Hanh, việc câu cá cần nhiều kỹ thuật khác nhau. Chẳng hạn như việc sử dụng lưỡi câu cũng hết sức đa dạng. Nếu câu bằng lưỡi đơn thì mồi phải được gắn trực tiếp ở lưỡi câu để hấp dẫn cá. Khi cá đã cắn câu thì khó có thể thoát được. Đối với lưỡi lục thì khác hẳn, người câu không cần gắn mồi trực tiếp ở lưỡi câu mà chỉ cần quăng thính dụ đàn cá đến. Sau đó khéo léo quăng lưỡi câu gần sát ổ thính để bắt cá. Ngoài ra, người câu có thể sử dụng cách đánh ba tiêu. Tuy nhiên, cách câu này khá nguy hiểm vì người câu liên tục quăng cần đi xa với các hướng khác nhau. Do đó, người chơi kiểu này phải luyện kỹ năng thật tốt trước khi đi câu để tránh nguy hiểm cho người bên cạnh. Anh Hanh cho biết: “Đã nghiện món này thì khó bỏ lắm. Nhiều khi chúng tôi rủ nhau chạy xe 50-60 cây số để săn cá khủng. Nhóm câu của chúng tôi có 10 thành viên. Mỗi lần bắt được cá to, ai cũng cảm thấy vui vẻ, tự hào với chiến tích của mình”.

Câu cá đã trở thành một thú vui mang lại giây phút nhẹ nhàng, bình thản giữa cuộc sống nhộn nhịp. Đối với các cần thủ, việc đi săn cá “khủng” không nặng mục đích thương mại mà chủ yếu để thư giãn sau một ngày lao động vất vả. Với họ, không có cảm giác nào phấn khích hơn khi câu được cá to mang về khoe với bạn bè và người thân. Sau những đêm thức trắng, họ quây quần bên chén rượu nhạt để cùng bàn chuyện đời, chuyện nghề và thưởng thức món cá ngon do chính tay bắt được. Tuy vậy, câu cá cũng đang tiêu tốn quá mức thời gian của nhiều người, ảnh hưởng tới công việc, sức khỏe, môi trường. Những sự đam mê thái quá cần được điều chỉnh.

(Theo Báo Hải Dương)