Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nằm cách đất liền gần 15 hải lý, dân số toàn huyện là 22.000 người. Nhờ nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện giảm theo từng năm. Đến cuối năm 2023, toàn huyện giảm còn 404 hộ nghèo (6,55%), 263 hộ cận nghèo. Huyện được giao mục tiêu năm 2024 cần giảm số hộ nghèo về còn 329, tương đương 5,32%; hộ cận nghèo về 214 (3,46%).

Nguồn vốn từ Chương trình giảm nghèo đã được huyện linh hoạt thực hiện hiệu quả việc đầu tư, cải thiện điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng, gia tăng giá trị sản xuất, giúp người dân giảm nghèo bền vững. Gần đây, địa phương triển khai nhiều mô hình giảm nghèo, đa dạng hoá sinh kế cho người dân nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập. Điển hình là mô hình hỗ trợ giống hành tím cho hộ nghèo, cận nghèo.

Trong năm 2024, từ nguồn vốn Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, huyện đã phân bổ kinh phí để hỗ trợ gần 39 tấn hành giống cho 256 hộ dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ có thu nhập thấp. Trên diện tích trồng hơn 13ha, các gia đình tham gia mô hình có thêm tư liệu sản xuất, vốn quay vòng để tiếp tục các vụ sau. Mô hình giúp các hộ dân có sinh kế bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm hành tím dựa trên tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Thực tế từ năm 2022 đến nay, hầu hết hộ dân tham gia mô hình hỗ trợ hành giống này đều tăng thu nhập, cuộc sống ngày càng được cải thiện.

Lãnh đạo UBND huyện Lý Sơn cho biết thực hiện Tiểu dự án 1 (Dự án 4) về phát triển giáo dục nghề nghiệp thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã phối hợp tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người có thu nhập thấp.

W-giam ngheo.jpg
Các lớp đào tạo nghề, hướng dẫn nghiệp vụ... rất cần thiết với lao động nông thôn, đặc biệt lao động thuộc diện hộ nghèo.

Các hộ dân tham gia lớp đào tạo dưới 3 tháng được tạo điều kiện đi tham quan, học tập cách làm du lịch ở một số địa phương. Nhờ phương thức vừa học, vừa làm, vừa quan sát thực tiễn, lao động thuộc các hộ nghèo, cận nghèo... trên đây được trang bị kiến thức, kỹ năng, cách thức làm du lịch, giúp tạo việc làm và thu nhập bền vững. Họ cũng có điều kiện để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.  

Chị Nguyễn Thị Thành, 34 tuổi, ở thôn Bắc An Bình, đảo Bé - xã đảo An Bình, thuộc diện hộ mới thoát nghèo. Chị là một trong 32 người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người có thu nhập thấp tại đảo Bé - xã đảo An Bình được tham gia lớp đào tạo nghề nghiệp vụ du lịch ngắn hạn. Lớp học do UBND huyện Lý Sơn phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Quảng Ngãi tổ chức.

Họ được trang bị các kiến thức tổng quan về du lịch; nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; tâm lý, kỹ năng giao tiếp ứng xử với khách du lịch; an ninh an toàn trong phát triển du lịch; phát triển du lịch bền vững; du lịch cộng đồng và homestay. Tham gia lớp học, lao động được hỗ trợ kinh phí tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày.

Được học lớp ngắn hạn, vợ chồng chị Thành mạnh dạn chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang du lịch, nhận tour, chế biến món ăn phục vụ khách lưu trú một cách bài bản, khoa học. Đầu năm 2024, vợ chồng chị quyết định mua một xe điện chở khách du lịch đi thăm quan đảo, chụp ảnh cho du khách. Công việc làm du lịch giúp anh chị cải thiện thu nhập, có việc làm bền vững.

Không chỉ vậy, việc tham gia lớp học còn nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo tại địa phương. Năm 2024, huyện đảo này tiếp tục khảo sát, phân loại, tư vấn cho người dân theo học các ngành nghề dịch vụ, du lịch; mở các lớp đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, tạo nguồn lao động tốt hơn phục vụ việc phát triển du lịch.