Ông N.V.S (48 tuổi) ở Phú Thọ được đưa vào Khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng tỉnh, khó thở, suy hô hấp, nuốt khó, yếu cơ, cơ lực chi trên khoảng 3/5, cơ lực chi dưới 4/5, cơ nâng cổ 1/5. Ông còn bị sụp mí mắt 2 bên, thở nhanh, nhịp thở 30 lần/phút.

Người nhà cho biết, một tuần trước khi vào viện, người bệnh đã có biểu hiện khó thở, khó nuốt, yếu cơ tứ chi, cơ nâng cổ, nặng mí mắt 2 bên. Tình trạng này kéo dài không giảm nên gia đình cho vào viện kiểm tra.

Bệnh nhân U50 được chẩn đoán có cơn nhược cơ cấp - u tuyến ức, được các bác sĩ chỉ định lọc máu hấp phụ, loại bỏ các tự kháng thể.

Người bệnh được chỉ định lọc máu hấp phụ, loại bỏ các tự kháng thể. Ảnh: BVCC

Lọc máu hấp phụ là một trong những phương pháp làm sạch máu. Máu chống đông được rút ra khỏi cơ thể người bệnh, đi qua một hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể, được tưới qua một chất hấp phụ (quả lọc) để loại bỏ các chất độc, thuốc và những chất chuyển hóa có hại và được trả lại cơ thể.

Sau 4 lần lọc, người bệnh tỉnh táo, được rút ống nội khí quản. Cơ nâng cổ của bệnh nhân đạt 5/5, chi dưới 5/5. Ngày 19/9, người bệnh được ra viện và tiếp tục dùng thuốc theo đơn, hẹn khám lại sau 2 tuần xét phẫu thuật u tuyến ức.

Theo ThS.BS.Nguyễn Đức Lịch, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, nhược cơ hay yếu cơ là bệnh tự miễn của những điểm nối thần kinh - cơ ở người bệnh. 

Bệnh đặc trưng bởi yếu cơ, có tính chất dao động theo thời điểm trong ngày. Buổi sáng bệnh nhân khoẻ hơn buổi chiều. Tình trạng yếu cơ tăng khi người bệnh hoạt động quá sức, sẽ giảm khi nghỉ ngơi.

Biểu hiện yếu cơ thường gặp ở cơ mắt (sụp mi), cơ vận nhãn, cơ vùng cổ vai, hông, hoặc cơ hô hấp (thở mệt), nếu nặng sẽ suy hô hấp và đe dọa tính mạng.

Nếu nhược cơ chân, tay, bệnh nhân cảm giác yếu mỏi chân, tay, không thể làm việc lâu, thậm chí không đi lại được. Bệnh nhân cũng có thể bị nhược cơ vùng hầu thanh quản biểu hiện như khó nói, nói ngọng, nhai chóng mỏi, khó nuốt, nuốt sặc.