Trong khi ngành công nghiệp ô tô vẫn còn phụ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài thì xe điện đã tuyên bố thành công với sản phẩm “Made in Vietnam”.
Sau 5 năm tham gia thị trường, công ty xe điện Pega đã chính thức công bố thành công trong việc nội địa hoá các sản phẩm xe điện, trở thành thương hiệu đầu tiên của Việt Nam có khả năng tự chủ trong khâu sản xuất xe 2 bánh.
Bước đầu, tỉ lệ nội địa hoá khoảng 35% tính theo số lượng linh kiện, tương ứng 85% tính theo giá trị linh kiện. Các thành phần được ưu tiên bao gồm khung, vành, càng, động cơ, dây điện, phanh, yên,... Nhà máy chính của đặt tại khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng (Bắc Giang) với diện tích 15.000m2 và được thiết kế để đạt công suất 40.000 xe mỗi tháng.
Nội địa hóa các sản phẩm |
Các đối tác chính trong lĩnh vực sản xuất, có xưởng và nhà máy sản xuất ở Hà Đông (Hà Nội), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh,... đã lựa chọn hợp tác với những công ty uy tín trong lĩnh vực xe máy để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của người Việt, đặc biệt là có khả năng nhiệt đới hoá, chống chịu khí hậu, môi trường hiện nay.
Bà Lương Thị Phi Loan, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển cộng đồng Thiện Chí, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), nơi sản xuất và xuất khẩu sản phẩm xe đạp tre cho biết, 80% nguyên liệu từ tre. Loại xe đạp này nhanh chóng nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các phía đối tác ở Mỹ, Đức,...
Hay như Vietbamboo cũng là một hãng xe đạp tre thuần Việt với nhiều loại có giá bán từ 15 đến 40 triệu đồng/chiếc. Mục tiêu mà công ty nhắm đến chính là mở rộng thị trường ra khu vực, các nước lân cận cũng như trên toàn thế giới, trở thành một thương hiệu uy tín, một niềm tự hào dân tộc của Việt Nam.
Cơ hội cho xe hai bánh
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có sẵn hệ sinh thái sản xuất xe 2 bánh được đánh giá rất cao, cùng với nhiều nhà sản xuất, cung ứng linh kiện giàu kinh nghiệm có thể đáp ứng tốt các yêu cầu về vật liệu, tiêu chuẩn chế tạo, kiếm soát chất lượng và kiểm thử độ bền.
Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ phương tiện cá nhân 2 bánh hàng đầu thế giới. Trong những năm tới, đây vẫn được xem là thị trường màu mỡ bởi nhu cầu của người dân vẫn không ngừng tăng. Đó là cơ hội để các nhà sản xuất xe 2 bánh ở Việt Nam tận dụng và khai thác triệt để lợi thế quốc gia cũng như thị trường tiềm năng trong nước.
Sản phẩm của Việt Nam được thế giới ưu chuộng |
Để đạt mục tiêu nội địa hóa, doanh nghiệp đã phải từng bước làm chủ được các khâu thiết kế và nghiên cứu trước, rồi ổn định về mặt cung ứng, đại lý, kinh doanh; cùng với đó là cân nhắc thế mạnh của việc sản xuất tại Việt Nam so với xu hướng chuyển giao cho "công xưởng của thế giới" như Trung Quốc.
Việc nội địa hoá cũng giúp doanh nghiệp có thể ổn định về sản xuất, đáp ứng lâu dài nhu cầu của thị trường, có thể cam kết cung cấp các chế độ hậu mãi dài hạn với khách hàng, qua đó người sử dụng xe không còn lo ngại thiếu linh kiện, phụ kiện để nâng cấp, thay thế, sửa chữa.
Ông Lê Hoàng Long, CEO của công ty xe điện Pega cho rằng: "Việt Nam đang có cơ hội và khả năng sản xuất xe hai bánh tốt nhất thế giới. Chúng tôi muốn phát huy lợi thế này, đẩy nhanh quá trình nội địa hóa, để mang tới các sản phẩm có chất lượng tốt nhất đến người Việt nói riêng và tiến xa hơn trên thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, việc này cũng giúp có nhiều cơ hội hơn để hợp tác sâu với các đối tác công nghệ như Bosch, Panasonic,... để ra mắt dòng xe scooter chạy điện với nhiều tính năng thông minh trong năm tới."
Đánh giá về thị trường xe đạp và xe điện, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng, xe đạp là phương thức đi lại mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Do không tạo ra khí thải, nên xe đạp là một trong những phương thức vận tải xanh sạch, thân thiện với môi trường.
Nếu được tổ chức khoa học, kết nối hiệu quả với các hệ thống vận tải hành khách công cộng khác như đường sắt đô thị, xe buýt... xe đạp sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc, cải thiện môi trường và giảm tai nạn giao thông tại Việt Nam.
“Tôi mong muốn rằng, triển lãm quốc tế xe hai bánh tại Việt Nam sẽ góp phần định hình rõ vai trò của xe đạp trong hệ thống giao thông vận tải, qua đó giúp các nhà hoạch định đưa ra những giải pháp phù hợp để phát triển xe đạp một cách bền vững tại Việt Nam”, ông nói.
Một vấn đề lớn cần giải quyết với thị trường xe điện, đó là do các công ty kinh doanh xe điện thường xuyên thay đổi mẫu mã, không chú trọng vào việc sửa chữa trong quá trình sử dụng, khiến nhiều người dùng thậm chí phải vứt bỏ xe, hoặc sử dụng các linh kiện độ, chế không đảm bảo chất lượng.
Nam Hải
Thú chơi xe đạp Peugeot cổ 45 triệu đồng/chiếc ở Hà thành
Những chiếc xe đạp cổ Peugoet nhuốm màu thời gian có tuổi đời hơn lên tới 50 năm nhưng hiện vẫn là món hàng “trao tay” đắt giá, đôi khi chúng giá trị lên tới gần 100 triệu đồng.
Xe đạp tre 50 triệu: Hàng Việt thành của hiếm Âu - Mỹ
Chiếc xe đạp được làm hoàn toàn bằng tre có thiết kế độc đáo đang được giới thiệu với mức giá trên 50 triệu đồng tại triển lãm Vietnam Cycle 2016, sắp diễn ra tại Hà Nội.