Băng nhóm tội phạm Yakuza khét tiếng của Nhật đang buộc người vô gia cư tham gia dọn dẹp tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima và sa thải họ khi những người này bị nhiễm phóng xạ cao.
Công ty điện Tokyo (Tepco), điều hành nhà máy Fukushima, cố gắng tuyển công nhân tham gia hoạt động mạo hiểm - tháo dỡ nhà máy. Kết quả là, các nhà thầu phụ của Tepco đã tìm tới Yakuza nhờ giúp đỡ. Những kẻ tội phạm được cho là thường xuyên cung cấp công nhân cho các dự án xây dựng lớn ngay sau khi nhận được yêu cầu.
Phóng viên bí mật Tomohiko Suzuki cho biết, đã xâm nhập vào chiến dịch dọn dẹp và thu giữ nhiều bằng chứng vững chắc về việc những người vô gia cư bị Yakuza đưa tới Fukushima.
Những người lao động này cho biết, họ không biết về các rủi ro và được đối xử như những kẻ bỏ đi.
Một cựu lao động nói: "Chúng tôi không có bảo hiểm sức khỏe, thậm chí không có dụng cụ đo phóng xạ...Chúng tôi bị đối xử như những kẻ vô dụng, như những người bỏ đi...họ hứa hẹn nhiều thứ và sau đó vứt bỏ khi chúng tôi bị nhiễm lượng phóng xạ lớn. Họ hứa cho nhiều tiền, thậm chí là ký hợp đồng dài hạn song bất ngờ sa thải, chẳng trả tôi được 1/3 số tiền cam kết".
Đầu năm nay, cảnh sát Nhật bắt giữ một nghi phạm Yakuza tên là Yoshinori Arai, bị cáo buộc đưa người lao động tới nhà máy không giấy phép và ăn chặn lương của họ.
Arai được cho là kiếm được 60.000 USD trong hơn hai năm nhờ gian lận. Cảnh sát Nhật cho hay, có tới 50 băng nhóm yakuza với 1.050 thành viên đang hoạt động tại tỉnh Fukushima.
Một số lao động bị ép làm việc tại Fukushima cho hay, họ nợ tiền đánh bạc của các băng nhóm, một số khác vì nghĩa vụ gia đình.
Một lực lượng đặc nhiệm đã được lập ra để ngăn chặn tội phạm có tổ chức thu lợi từ các dự án dọn dẹp Fukushima. Tuy nhiên, cảnh sát cần các lao động làm chứng để chống lại các ông trùm trước khi họ ra tay hành động.
Theo ông Suzuki, trong Fukushima - 50 nhóm lao động đầu tiên được phái tới nhà máy sau thảm họa, có ít nhất 3 người do Yakuza đưa tới.
Tepco cho hay, họ cần tối tiểu 12.000 lao động tại nhà máy cho tới 2015, song hiện thời mới tìm được 8.000 người.
Quan chức Tepco phủ nhận các lao động bị đối xử tệ hay tội phạm có tổ chức có liên quan tới các nỗ lực dọn dẹp.
- Hoài Linh (Theo DailyMail)