Nàng dâu đăng kèm hình ảnh mâm cơm bữa thì có hai quả trứng luộc và nước mắm, bữa thì cơm thịt nạc rang và canh rau ngót. Cô cho rằng, với mâm cơm cữ như thế quả thật "nuốt không nổi".
Bài viết sau khi xuất hiện trên mạng xã hội đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, gây ra luồng tranh luận trái chiều giữa phe cảm thông với mẹ bỉm và phe chê trách cô đòi hỏi mẹ chồng quá đáng.
Các ý kiến đồng tình lên tiếng: "Nhìn mâm cơm mà rớt nước mắt. Người ta sinh xong được ăn canh móng giò, đồ bổ các thứ, mình sinh hai đứa cũng chẳng lần nào được bữa tử tế", "Ăn như thế này thì làm sao có sữa cho bé bú". Một số người nhìn mâm cơm cữ lại nhớ 5 năm, 10 năm trước mình cũng từng được mẹ chồng nấu cơm cữ cho như vậy kèm theo câu hờn tủi "ăn bữa cơm cữ mà ghim mãi trong lòng tới giờ".
Tuy nhiên, phần lớn ý kiến lại cho rằng đối với người mới sinh, ăn như vậy là đúng rồi và mẹ chồng chuẩn bị bữa cơm như vậy tức là kiêng kĩ cho con dâu: "Đẻ mà muốn ăn ngon miệng sau này khốn khổ đấy nhá. Mẹ chồng lo lắng thật lòng mới cho ăn uống kiêng khem, đồ ăn phải nấu kĩ, tránh ăn tạp, khổ mẹ khổ con".
Có người còn phân tích rất rõ ràng: "Có lẽ thời của mẹ chồng ăn uống ở cữ nghiêm ngặt, ăn đồ khô cho chắc dạ để con không bị đi ngoài nên giờ bà cũng chuẩn bị cho con dâu như vậy. Thời các bà chỉ làm theo kinh nghiệm, có khoa học như bây giờ đâu, dù sao cũng muốn tốt cho con cháu thôi mà. Nằm một chỗ, được mẹ chồng chăm là tốt lắm rồi, nhiều người còn không biết ở cữ là gì cơ".
Nhiều mẹ đã qua thời kì ở cữ cho rằng phụ nữ mới sinh ăn cơm với trứng luộc, thịt lợn rang nghệ và canh rau ngót là "đúng bài": "Ăn cữ thì ăn thế này là đúng rồi. Mình trong tháng mẹ đẻ nấu cho ăn suốt như thế này, ngon, dễ ăn mà lành bụng".
Thật ra, với thời đại ngày nay, khoa học chứng minh phụ nữ sau sinh, ăn uống, sinh hoạt không cần phải kiêng khem nhiều. Bữa ăn cho sản phụ cần đa dạng, đủ dinh dưỡng để sức khỏe nhanh hồi phục và sữa mẹ đủ dinh dưỡng cho em bé. Nhưng với các bà, các mẹ vẫn là "có thờ có thiêng, có kiêng có lành".
Rất nhiều bình luận cho rằng nàng dâu không nên trách móc mẹ chồng, nàng dâu đang đòi hỏi quá đáng. Một số chị em còn bày tỏ niềm tự hào khi mình sinh đẻ không làm phiền ông bà nội ngoại, vợ chồng tự chăm nhau: "Chăm vợ là trách nhiệm của chồng. Ông bà không có trách nhiệm phải chăm sóc con dâu đâu. Ông bà thương thì chăm thôi, không có cũng phải chịu. Nuôi lớn mấy chục năm, không biết đã báo đáp được ngày nào mà cứ mặc định dâu đẻ mẹ chồng phải chăm, cháu chắt ông bà phải giữ là sai quá sai. Đáng ra, vợ chồng phải xác định trước, tính toán trước khi có con thì những việc nào cần làm, cần lo. Cha mẹ nên được nghỉ ngơi an hưởng tuổi già chứ không phải chạy theo hầu hạ con cháu. Nói gì thì nói, cuộc sống của mình mình lo, con mình đẻ mình chăm, cứ độc lập tự do là hạnh phúc".
Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu dù ở thời nào cũng luôn là vấn đề nhạy cảm. Chưa xét đến mẹ chồng tốt hay không tốt, nhiều nàng dâu luôn mặc định suy nghĩ mẹ chồng đối với nàng dâu "khác máu tanh lòng". Cùng là một câu nói, một lời khuyên nhủ bày dạy, nếu mẹ đẻ nói ra thì là quan tâm, nhưng nếu mẹ chồng nói thì lại cho rằng là soi mói, ghét bỏ.
Không ít nàng dâu thời kỳ ở cữ được mẹ chồng chăm sóc, và nhiều người tỏ vẻ không hài lòng vì thế nọ thế kia. Sự khác nhau về khoảng cách thế hệ, nếp sống, thói quen cũng khiến nhiều mẹ chồng trở nên "xấu xí, tệ bạc" trong mắt các nàng dâu hiện đại. Có bà mẹ chồng từng than thở: "Làm mẹ chồng thời nay khó quá".
Nhiều người mặc định, con dâu ở cữ thì mẹ chồng có trách nhiệm phải chăm. Đến khi con dâu đi làm thì trông cháu là nhiệm vụ của ông bà. Nếu ông bà không hỗ trợ, họ sẽ cho rằng ông bà không thương cháu. Tuy nhiên qua rất nhiều những bình luận được đăng tải dưới bài viết về mâm cơm ở cữ của mẹ chồng, có thể thấy giới trẻ ngày nay đã có tư tưởng thoải mái hơn nhiều. Phần đa không thích phụ thuộc hay nhờ cậy mẹ chồng. Và họ cho rằng được mẹ chồng chuẩn bị cơm cữ đã là tốt, là hạnh phúc lắm rồi.
Thực ra thì mẹ chồng không có trách nhiệm phải chăm sóc nàng dâu khi ở cữ, tuy nhiên nó thể hiện tình cảm của người làm mẹ, làm bà. Tốt nhất là nàng dâu đối với mẹ chồng cũng nên cởi mở. Ví dụ nếu bữa ăn mẹ chuẩn bị không hợp khẩu vị thì có thể đề nghị mẹ thay đổi thực đơn hoặc muốn ăn gì thì nói thẳng ra nhờ mẹ chồng chuẩn bị. Nếu sức khỏe cho phép thì có thể tự đi chợ, tự chuẩn bị bữa ăn cho mình. Chuyện mẹ chồng nàng dâu đối với nhau như thế nào, chỉ có người trong cuộc mới thật tâm hiểu rõ.
Có những thứ mẹ chồng cũng phải học nàng dâu, có những chuyện nàng dâu phải học mẹ chồng, không phải vấn đề đúng sai mà chính là phù hợp với gia đình, với hoàn cảnh sống và tính cách mỗi người.
Theo Dân trí