Điểm xuyên suốt và nổi bật của chương trình là cảm hứng chủ đạo từ cánh hoa đào, loài hoa đặc trưng mà tạo hoá dành riêng cho Măng Đen giữa đại ngàn Tây Nguyên. Với sự tham gia của hơn 100 ca sĩ, người mẫu và hơn 70 em học sinh, nhà thiết kế Minh Hạnh đã biên dựng 10 bộ sưu tập nghệ thuật đặc sắc, tinh tế, giàu cảm xúc sắc màu, khắc họa những nét đẹp độc đáo của thiên nhiên và con người nơi đây.

W-mang-den-1-1.jpg
Cảm hứng chủ đạo của chương trình là cánh hoa đào, loài hoa đặc trưng mà tạo hoá dành riêng cho Măng Đen giữa đại ngàn Tây Nguyên

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, với lợi thế về điều kiện khí hậu, cảnh quan tự nhiên và văn hóa truyền thống, Đảng bộ, chính quyền huyện Kon Plông đã và đang tập trung đầu tư phát triển Khu du lịch Măng Đen đạt các tiêu chí của khu du lịch quốc gia; là điểm đến hấp dẫn và có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế; đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.

W-mang-den-2-1.jpg
10 bộ sưu tập nghệ thuật đặc sắc, tinh tế, giàu cảm xúc sắc màu, khắc họa những nét đẹp độc đáo của thiên nhiên và con người Măng Đen được trình diễn tại chương trình
mang-den-3-1.jpg
Ẩn sâu giữa đại ngàn Trường Sơn Đông là cả kho tàng văn hóa dân gian độc đáo, tiêu biểu là truyền thuyết Mơ Nâm “Bảy hồ, ba thác” về sự hình thành của vùng đất Măng Đen xưa

Theo ông Hà, mới đây Khu du lịch sinh thái Măng Đen đã đón du khách thứ một triệu đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Đó là kết quả của hướng đi đứng đắn, đầu tư có trọng tâm trọng điểm. Kết quả này càng khơi dậy khát vọng và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Kon Plông xây dựng Khu du lịch sinh thái Măng Đen phát triển bền vững.

W-mang-den-4-1.jpg

Chủ tịch UBND huyện Kon Plông hy vọng, với khung cảnh thơ mộng “thành phố hoa anh đào”, trong tương lai sự kết hợp hài hoà giữa con người với văn hoá, thiên nhiên sẽ tạo nên sự khác biệt của Khu du lịch Măng Đen. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch hài hòa giữa công trình kiến trúc với bản sắc văn hóa đặc trưng và cảnh quan thiên nhiên sẽ hiện thực hóa mô hình “rừng trong phố”- “phố trong rừng”.

“Du lịch Măng Đen đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa. Tiềm năng, triển vọng du lịch của vùng Măng Đen đã được tạo hóa ban tặng, còn rất nhiều dư địa để phát triển. Chúng ta tin tưởng rằng, du lịch Măng Đen sẽ có những bước tiến xa, tiến vững hơn nữa trong thời gian đến. Đây cũng là một trong những cơ sở thực tiễn hết sức quan trọng để hiện thực hoá khát vọng xây dựng Khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành điểm nhấn con đường xanh Tây Nguyên và là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam”, ông Đặng Quang Hà khẳng định.

W-mang-den-6-1.jpg
 Măng Đen là vùng đất được ví như thiên đường xanh trên cao nguyên, viên ngọc của đại ngàn Tây Nguyên mà ít nơi nào có được

Theo ông Hà, chương trình nghệ thuật “Măng Đen - Thiên đường hồng” chào năm mới 2024 là hoạt động ý nghĩa, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trở thành nền tảng để phát triển kinh tế-xã hội huyện Kon Plông.

Măng Đen, vùng đất được ví như thiên đường xanh trên cao nguyên, viên ngọc của đại ngàn Tây Nguyên mà ít nơi nào có được. Ẩn sâu giữa đại ngàn Trường Sơn Đông là cả kho tàng văn hóa dân gian độc đáo, tiêu biểu truyền thuyết Mơ Nâm “Bảy hồ, ba thác” về sự hình thành của vùng đất Măng Đen xưa.

Từ thuở sơ khai, Măng Đen được gọi mà T’Măng Deeng. Theo tiếng Mơ Nâm, T’Măng có nghĩa là nơi ở hoặc vùng, còn Deeng có nghĩa là thần linh. T’Măng Deeng có nghĩa là nơi bằng phẳng trú ngụ của các thần linh. 

Nổi bật trong văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện Kon Plông còn là những thanh âm cồng chiêng hoà quyện trong điệu múa xoang thi vị và hương rượu cần say đắm lòng người. Bên mái nhà Rông cao vút, các chàng trai, cô gái say sưa trong điệu hát giao duyên.