- “Miền Trung cứ như một đoàn tàu ngày một kéo dài, nhưng đầu tàu không mạnh. Điểm mạnh của vùng này là mạnh ai nấy làm, như thế khó bay lên được”, chuyên gia Trần Đình Thiên ví von.
Sáng nay, Diễn đàn kinh tế kinh tế miền Trung 2017 tổ chức tại Đà Nẵng, với sự tham dự của 9 tỉnh duyên hải từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận.
Khắc phục tình trạng manh mún, kém hiệu quả
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phát triển kinh tế vùng và tăng cường liên kết có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung của đất nước.
Văn kiện Đại hội Đảng XII cũng đã chỉ rõ cần phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, tăng cường liên kết, phát huy tối đa tiềm năng, khắc phục tình trạng manh mún, kém hiệu quả.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cần xác định động lực để liên kết vùng duyên hải miền Trung |
Phó Thủ tướng cho rằng, vấn đề quan trọng là phải xác định được động lực phát triển của vùng duyên hải miền Trung, làm tiền đề cho việc liên kết.
“Tiềm năng, lợi thế so sánh của các địa phương trước hết phải được tôn trọng và phát huy, vì lợi ích chung của cả vùng. Từ đó, cần tính toán vấn đề phân bổ nguồn lực, phân chia lợi ích của các địa phương trong vùng như thế nào”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ Chính trị yêu cầu điều chỉnh dần cơ chế xây dựng ngân sách theo quan điểm phát triển vùng và theo cơ sở dữ liệu về kinh tế xã hội của từng địa phương.
Đây là nội dung hết sức quan trọng, có địa phương phát triển nhanh nhưng có nơi phát triển mức độ thấp hơn. Do đó khi phân bổ về ngân sách hay nguồn lực phải nhìn tổng thể cả vùng mới đến địa phương.
Quang cảnh diễn đàn sáng nay |
“Nhiều chuyên gia nói nước ta có 63 nền kinh tế. Chúng ta đang phẩn bổ ngân sách theo từng tỉnh nên không trách được cách nghĩ này. Đó là điểm then chốt về mặt tư duy và nhận thức”, ông Huệ nói.
Mạnh ai nấy chạy
PGS.TS Trần Đình Thiên (Viện kinh tế Việt Nam) cho biết, miền Trung có nhiều điều kiện, tiềm năng để phát triển. Hiện liên kết đã rất đông, mấy năm trước chỉ có 2,3 tỉnh; nay tăng lên 9 và sắp kết nạp địa phương thứ 10 (Quảng Trị).
Theo ông trong 6 năm qua, liên kết miền Trung mới chỉ dừng lại ở tham vấn, tư vấn, gợi ý chiến lược, chứ chưa tạo ra liên kết thực sự. Do đó liên kết chưa có đủ động lực.
“Duyên hải miền Trung như một đoàn tàu ngày một dài thêm, nhưng đầu tàu không mạnh. Điểm mạnh ở đây là mạnh ai nấy chạy, tôi nghĩ 30 năm tới khó mà cất cánh”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói. Ông đề xuất nên chia thành hai tiểu vùng để phối hợp hiệu quả hơn.
Ông cho rằng, phải bàn lại vấn đề du lịch miền Trung. Lâu nay du lịch vùng này chủ yếu là đi tắm, giá trị gia tăng ngành du lịch rất thấp. Ông đề nghị với miền Trung, du lịch là quan trọng nhất, phải xác định là mũi nhọn. Thêm nữa, cần có cơ chế phối hợp không để mạnh ai nấy làm.
PGS.TS Trần Đình Thiên: Miền Trung có điểm mạnh là mạnh ai nấy chạy |
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh cũng cho rằng, liên kết khu vực này đang cực kỳ mạnh nhưng là... mạnh ai nấy làm. Theo ông Vinh, lựa chọn du lịch làm ngành mũi nhọn ở duyên hải miền Trung có vẻ phù hợp, nhưng sự phát triển quá nóng đã làm tổn hại đến môi trường thiên nhiên. Ông nêu ví dụ bán đảo Sơn Trà, Bà Nà (Đà Nẵng) đang bị khai thác triệt để để làm du lịch.
Ông Huỳnh Tấn Vinh đề nghị nâng cao vai trò của hiệp hội và DN, đưa nội dung liên kết cụ thể để hiệp hội và DN cùng thực hiện. Ông đề xuất cho phép DN thực hiện ý tưởng đoàn tàu du lịch, mỗi tỉnh một toa tàu 5 sao đi từ Quảng Bình đến Nha Trang.
Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung thành lập tháng 7/2011 tại Đà Nẵng, ban đầu gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Tháng 8/2012 bổ sung thêm 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Năm 2016, tổng GRDP của 9 tỉnh, thành phố trong Vùng Duyên hải miền Trung đạt 465,7 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 10,3% cả nước. |
Đặc khu kinh tế: Bàn 15 năm vẫn lo nhiều quá khó làm
Theo Viện trưởng Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, bàn về đặc khu 15 năm rồi vẫn loanh quanh lo chuyện lạm quyền, lo sợ nhiều quá không làm được.
3 trụ cột đổi mới thể chế kinh tế Việt Nam
Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững môi trường, thực hiện công bằng và hội nhập xã hội, nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước là 3 trụ cột đổi mới thể chế kinh tế Việt Nam.
Cần hơn 10 triệu tỷ tái cơ cấu kinh tế
Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 dự kiến cần khoảng hơn 10 triệu tỷ đồng.