Trước đó, vào tháng 1/2020, chị Phạm Thị H. (SN 1993, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cùng nhiều cá nhân khác gửi đơn đến Công an Hà Nội tố cáo Kiên có hành vi nhận tiền xin chạy dự án hoặc xin việc cho những cá nhân hoặc công ty có nhu cầu.
Sau khi nhận tiền, Kiên không thực hiện như cam kết, chiếm đoạt số tiền đã nhận. Các cá nhân có đơn tố cáo đã giao nộp cho CQĐT toàn bộ tài liệu, giấy nộp tiền... thể hiện việc Kiên đã nhận tiền của người bị hại.
CQĐT làm rõ, với mục đích chiếm đoạt tiền, dù là kẻ nghề nghiệp không ổn định, nhưng Kiên “nổ” với mọi người việc anh ta đang công tác tại Văn phòng Chính phủ, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, có nhiều mối quan hệ, có khả năng xin việc, chạy dự án, mua căn hộ giá rẻ...
Với trò gian dối này, Kiên đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của 6 người nhẹ dạ, chiếm đoạt hơn 7,2 tỷ đồng.
Một trong số các nạn nhân của Kiên phải kể đến ông D. (SN 1966, ở Tây Hồ, Hà Nội). Năm 2017, nghe Kiên giới thiệu đang làm việc ở Văn phòng Chính phủ, có nhiều mối quan hệ với các lãnh đạo địa phương, ông D. đã tin lời.
Tháng 11/2018, con gái nuôi của ông D. là chị Phạm Hải Yến (SN 1982, ở Lào Cai) nói với ông việc chị dự định xây dựng khách sạn để kinh doanh, nhưng khi tiến hành làm thủ tục mới hay, mảnh đất trên nằm trong quy hoạch.
Chị Yến nhờ bố nuôi tìm người có mối quan hệ để xin đưa mảnh đất trên ra khỏi diện quy hoạch.
Ông D. đã gặp và trao đổi với Kiên, bị can khẳng định có thể giúp, yêu cầu đưa tiền để chi phí quan hệ.
Tin tưởng Kiên đang công tác tại Văn phòng Chính phủ, từ tháng 11/2018- 3/2019, ông D. đã đưa cho Kiên hơn 1,6 tỷ đồng là tiền cá nhân của ông.
Sau khi nhận tiền, Kiên không thực hiện như cam kết mà dùng tiền đó chi tiêu cá nhân.
CQĐT đã xác minh tại UBND huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, xác định, không có ai tên là Nguyễn Trung Kiên đến liên hệ làm việc về nội dung liên quan đến thửa đất nhà chị Yến, ở huyện Sa Pa.
Một nạn nhân nữa của Kiên phải kể đến là ông Nguyễn Đình H. (SN 1968, giám đốc một công ty xây dựng ở Đắk Lắk).
Ông H. cũng tin rằng Kiên làm việc tại Văn phòng Chính phủ, có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo các địa phương nên nhờ xin cho công ty của ông được trúng thầu dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông thôn 5, xã Cư Yang, huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk.
Kiên đồng ý và nói với ông H. phải chi phí hết khoảng 600 triệu đồng. Tin tưởng Kiên, ông H. đã nhiều lần nộp tiền và chuyển khoản cho bị can số tiền trên.
Sau đó, Kiên đưa ra nhiều lý do để ông H. tiếp tục chuyển tiền cho anh ta. Tổng số tiền ông H. đã chuyển cho bị can là hơn 1,1 tỷ đồng.
Giả danh cán bộ Thanh tra Chính phủ để lừa đảo ở Hà Nội
Sáng nay (26/1), TAND TP Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Văn Huyền (SN 1975, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
T.Nhung