Trong các cuộc kiểm tra hoạt động kinh doanh trà sữa vừa qua, hầu hết các cơ sở đều không xuất trình được nguồn gốc sản phẩm, thậm chí nhiều nơi còn lập lờ đánh tráo nhãn hàng.
Không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu trà sữa
Sau hơn một tuần nghi ngộ độc trà sữa phải nhập viện cấp cứu, bệnh nhân Trần Thu U. (14 tuổi, Cam Lâm, Khánh Hòa) đã tử vong vào chiều 25/1. Trước đó, sau khi uống trà sữa trân châu gần nhà, bệnh nhân U. bị đau bụng dữ dội, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu và chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan, sốc nhiễm trùng, viêm phổi nặng.
Trước phản ánh trên, TS. Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh nguyên nhân tử vong của cháu Trần Thu U., bởi trước mắt chưa có đủ cơ sở để kết luận nguyên nhân tử vong có phải do ngộ độc trà sữa trân châu hay không?
Theo ông Hùng, trà sữa trân châu là sản phẩm đang được kinh doanh phổ biến trên thị trường, được giới trẻ rất ưa chuộng. Loại hình kinh doanh sản phẩm này được quản lý đầy đủ theo đúng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, từ điều kiện vệ sinh cơ sở kinh doanh, nguyên liệu chế biến… Tuy nhiên, cũng giống như tất cả các sản phẩm thực phẩm khác, trà sữa trân châu chỉ có hại cho sức khỏe khi người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận mà cố tình làm trái quy định pháp luật, kinh doanh gian dối, nguyên liệu nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hay điều kiện vệ sinh cơ sở không đảm bảo.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một lô trà sữa không có nguồn gốc xuất xứ |
“Điều chúng tôi muốn cảnh báo đến người tiêu dùng là không nên sử dụng thực phẩm ở các cửa hàng điều kiện vệ sinh không đảm bảo, các hàng ăn uống vỉa hè không đáp ứng yêu cầu quy định về an toàn thực phẩm.
Với trà sữa trân châu, nếu quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh có thể bị nhiễm vi sinh, hay nguyên liệu trân châu nhập lậu, sử dụng phẩm màu ngoài danh mục… thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng”, ông Hùng nói.
Liên quan tới chất lượng trà sữa, hầu hết trong những cuộc kiểm tra gần đây, lực lượng chức năng phát hiện các đơn vị kinh doanh, vận chuyển nguyên liệu làm trà sữa đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số nguyên liệu trên.
Đáng nói, đây đều là những cơ sở kinh doanh hoặc cung cấp cho những thương hiệu trà sữa khá nổi như: Ding Tea hay Tocotoco. Cụ thể, ngày 19/1, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm số 1 TP Hà Nội đã kiểm tra tại hộ kinh doanh trà sữa DingTea (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) phát hiện 3 thùng hạt trân châu có mẫu giống nhau nhưng cơ sở chỉ xuất trình được nguồn gốc của 2 thùng thuộc Công ty TNHH TMDV và đầu tư sản xuất Lá Phong, một thùng cơ sở chưa xuất trình được nguồn gốc.
Đoàn kiểm tra quyết định tạm thời niêm phong thùng hạt trân châu trên để tiến hành giải quyết theo quy định. Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng tiến hành lấy mẫu hạt trân châu và thạch Agar-agar ball của cơ sở này để tiến hành xét nghiệm.
Tương tự, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Taco với thương hiệu trà sữa Tocotoco cũng từng bị lực lượng chức năng phát hiện nhiều nguyên liệu không rõ nguồn gốc nhưng sau đó được thay đổi nhãn mác thành của mình để đưa vào hệ thống. Tuy nhiên, tới nay, cơ quan chức năng vẫn chưa công bố kết quả xét nghiệm và người tiêu dùng cũng không rõ thực hư những sản phẩm này có hại như thế nào tới sức khỏe.
Lật tẩy “công nghệ” chế trà sữa trân châu
Trong kho hàng tại địa chỉ số 10 Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), khi Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) ập vào kiểm tra, nhiều nhân viên vẫn đang thoăn thoắt biến hàng trăm túi trà không rõ nguồn gốc, xuất xứ thành hàng “made in” Việt Nam.
Theo đó, tất cả những túi trà in toàn chữ Trung Quốc được nhân viên cắt ra rồi đổ sang mẫu túi bạc trắng trơn. Sau khi hoàn thiện đóng gói, các bao bì này được dán nhãn với thương hiệu hoàn toàn mới “Pelo Yen Tea” với hàng tá các hương vị như trà xanh vị bưởi, hồng trà vị cam…
Theo nội dung in trên nhãn, nhà cung cấp sản phẩm là Công ty TNHH Chè Peloyen (địa chỉ Thôn Bản Mới, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn), sản xuất tại Công ty TNHH Thế hệ mới Vĩnh Phúc (địa chỉ thôn Hưng Thịnh, Hợp Thịnh, Tam Dương, Vĩnh Phúc), số công bố hợp quy 1855/2016/YTHN-XNCB. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, đơn vị thuê kho hàng là Công ty TNHH Heekcaa Việt Nam (địa chỉ tại CT 3E, ngách 379/58 đường Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) hoàn toàn không xuất trình được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.
Qua lời khai, bà Nguyễn Thị Hường, Giám đốc Công ty TNHH Heekcaa Việt Nam thừa nhận hành vi làm giả trà “made in” Việt Nam và tiết lộ toàn bộ các sản phẩm này đều được cung cấp cho các quán trà sữa. Ngoài mặt hàng trà nguyên liệu, lực lượng chức năng cũng tạm giữ 144 hộp sữa đặc có nhãn Trung Quốc do chưa xuất trình được hóa đơn.
Mỗi một hộp sữa này có trọng lượng lên tới 5 kg và chưa được dán nhãn phụ bằng tiếng Việt. Được biết, ngoài kho hàng này, Công ty TNHH Heekcaa Việt Nam còn là chủ sở hữu của hệ thống cửa hàng trà sữa Heekcaa với 5 chi nhánh tại TP.HCM và Hà Nội.
Bán trà sữa, lợi nhuận khủng Tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội), nguyên liệu làm trà sữa trôi nổi, không nhãn mác được bày bán công khai với giá rẻ không ngờ. Cụ thể, bột sữa không nhãn mác chỉ với hơn 50 nghìn đồng/kg; trân châu khô 15 nghìn đồng/kg; 50 nghìn đồng/can hương liệu đủ các vị chanh, dâu, kiwi… Với công thức pha chế mà chủ sạp cung cấp, mỗi ly trà sữa thành phẩm, đầy màu sắc cũng chỉ có giá trên dưới 5 nghìn đồng. Trong khi đó, tại các cửa hàng, mỗi cốc trà sữa trân châu, khách hàng phải mua với giá 40 - 50 nghìn đồng. |
(Theo Báo Giao thông)