*Bài viết đưa ra nhiều quan điểm của Chris Hughes, đồng sáng lập Facebook
Chia sẻ trên New York Times mới đây, đồng sáng lập Facebook Chris Hughes đã có những tiết lộ đầy bất ngờ về người bạn đồng hành đã cùng ông lập lên Facebook, đó là Mark Zuckerberg.
Khi Yahoo tìm cách mua lại Facebook với giá 1 tỷ USD vào năm 2006, CEO Mark Zuckerberg đã phản đối vì ông không thích ý tưởng làm việc cho ông chủ Yahoo lúc bấy giờ là Terry Semel.
Mark chưa bao giờ có một ông chủ thực sự của chính mình và dường như anh ta không bao giờ quan tâm đến viễn cảnh này.
Facebook hiện là một trong những công ty đại chúng và có một ban giám đốc. Nhưng Mark Zuckerberg vẫn là người giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị và kiểm soát khoảng 60% cổ phần, đồng thời có quyền biểu quyết. Hughes cho rằng, việc tạo ra một cơ chế như vậy làm giảm sức mạnh của hội đồng quản trị và đội ngũ tư vấn. Điều này dễ dẫn tới một sự chuyên quyền.
Ngoài ra, Zuckerberg cũng hiếm khi trả lời các giám sát viên chính phủ. Trong nhiều năm qua, Zuckerberg chưa bao giờ phải lo lắng quá nhiều về trách nhiệm của bản thân và điều này rõ ràng làm phơi bày những điểm yếu của anh ta. Chính Mark đã khiến Facebook rơi vào tình trạng lộn xộn hiện nay.
Giá trị của việc có một ông chủ
Sự hấp dẫn của kinh doanh đó là việc bạn có thể trở thành ông chủ của chính mình. Nhưng đó thường là đặc quyền của những người từng có kinh nghiệm làm việc cho một người khác.
Robert Sutton, giáo sư tại Đại học Stanford kiêm tác giả của cuốn Good Boss, Bad Boss and The Asshole Survival Guide cho biết: "Bạn thực sự có thể học cách quản lý và nhận được nhiều tư vấn. Thậm chí một người sếp tồi còn có thể dạy bạn phân biệt những gì không nên làm".
Thung lũng Silicon đã quá nổi tiếng với nhiều câu chuyện về những người trẻ dám từ bỏ đại học để trở thành các sáng lập gia của nhiều công ty lớn như Microsoft hay Facebook. Nhưng những doanh nhân đừng sau những công ty tăng trưởng nhanh nhất đều có xu hướng ở ngoài độ tuổi 40. Rất có thể họ đã từng làm việc cho một ai đó trước khi tìm ra được con đường của riêng mình.
Hughes nói: "Thực tế là Zuckerberg chưa bao giờ có một ông chủ của riêng mình". Sự thiếu trách nhiệm của anh ta trong cả quá khứ và hiện tại có thể khiến Mark dễ mắc hai sai lầm khi quyền lực không được kiểm soát một cách đúng đắn, đó là power poisoning (tạm dịch là ngộ độc quyền lực) và moral licensing (tạm dịch là cấp phép đạo đức).
Ngộ độc quyền lực là thuật ngữ sử dụng để mô tả một hiện tượng khi nguồn năng lượng tích lũy làm thay đổi hành vi của con người và khiến họ có hành vi xấu.
Trong cuốn sách Nghịch lý quyền lực của nhà tâm lý học Dacher Keltner tại Đại học California, Berkeley có giải thích, người càng có nhiều quyền lực trong tay, họ càng tập trung nhiều hơn vào nhu cầu của bản thân và ít khi đáp ứng nhu cầu của người khác. Họ thường có xu hướng xem mọi người như một đối tượng cần hướng đến thay vì học cách đồng cảm với họ.
Một vấn đề khác với Mark Zuckerberg và nhiều doanh nhân khác ở Thung lũng Silicon, đó là cấp phép đạo đức. Đây là một cụm từ trong tâm lý xã hội học chỉ hiện tượng tâm lý khi tiềm thức của chúng ta điều chỉnh hành vi đạo đức sao cho cân bằng giữa các hành vi tốt và xấu. Ví dụ khi họ có hành vi ứng xử tốt, trong tâm trí họ đã tồn tại một hình ảnh tích cực về bản thân. Nhưng khi họ có hành vi xấu, tâm trí họ sẽ coi đó là một việc thỏa đáng và chấp nhận được vì họ cũng đã có hành vi tốt trước đó.
Nghiên cứu cho thấy, những người cảm thấy bản thân đã làm rất tốt trong quá khứ có xu hướng cho phép bản thân hành xử phi đạo đức trong thời điểm hiện tại. Nhiều khả năng, Mark Zuckerberg đã đi theo xu hướng này. Phải chăng, Mark có một niềm tin quá lớn vào sứ mệnh kết nối thế giới và những giá trị mà mạng xã hội Facebook đem lại cho con người. Điều này chắc chắn sẽ khiến anh ta chủ quan và chẳng mấy khi quan tâm đến những tác động tiêu cực có thể tạo ra từ Facebook.
Từ những ngày đầu gặp nhau, Hughes cho biết Mark luôn dùng từ "thống trị" để mô tả tham vọng của cả hai. Hughes cho rằng, Mark không sai khi có suy nghĩ như vậy nhưng Mark có thể đã nhầm lẫn. Khi bạn có ít hoặc không hề có kinh nghiệm, bạn dễ dàng thuyết phục bản thân hiểu ra rằng, tham vọng đè bẹp đối thủ và vươn lên thống trị toàn cầu không xung đột với mơ ước biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Nhưng khi bạn không biết những thứ không thể làm được?
Ở thung lũng Silicon, Zuckerberg hay Travis Kalanick của Uber đều là những doanh nhân nổi tiếng bắt đầu kinh doanh kể từ khi còn trên ghế giảng đường. Như lời Sutton từng khẳng định: "Trong thế giới start-up, những người trẻ không biết về những thứ không thể làm được có trong tay khá nhiều lợi thế".
Nhưng tất nhiên họ cũng gặp những hạn chế không hề nhỏ. Thời điểm năm 2007, Hughes, đồng sáng lập Facebook đã rời khỏi nền tảng này nhưng không hề lo lắng việc Facebook có thể độc quyền. Nhưng rồi mọi thứ đã thay đổi. Hughes giờ đây có lý do để lo ngại rằng, người bạn cùng "chung lưng đấu cật" tạo nên Facebook sẽ thay đổi do chịu tác động từ nhiều phía.
Đồng sáng lập Facebook Chris Hughes (bên trái) và Mark Zuckerberg (bên phải) hồi trẻ
Hiện Mark Zuckerberg đang kiểm soát 3 nền tảng mạng xã hội chính là Facebook, Instagram và WhatsApp với hàng tỷ người dùng. Một mình anh ấy có thể quyết định thuật toán Facebook, nguồn tin trên News Feed, cài đặt bảo mật hay cả những tin nhắn nào đã được gửi đi. Mark cũng tạo ra các quy tắc về cách phân biệt lời nói bạo lực, kích động và sự xúc phạm đơn thuần. Ngoài ra anh ta cũng đè bẹp các đối thủ khác bằng cách mua lại, gây khó hoặc sao chép các tính năng.
Theo Hughes, Mark đang nắm giữ trong tay quá nhiều quyền lực và ngay cả khi anh bạn hồi đại học là một người rất tốt bụng, Hughes cũng tỏ ra rất lo ngại về sự độc đoán và chuyên quyền.
Đó là lý do đồng sáng lập Facebook muốn chính phủ giải tán Facebook hoặc ít nhất điều tiết lại công ty. Hughes mong muốn Facebook, Instagram hay WhatsApp đều được tách ra thành các công ty riêng biệt thay vì quy hết về một mối như hiện nay. Đó sẽ là cách hiệu quả để tạo ra một thị trường lành mạnh và cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, anh hy vọng chính phủ sẽ mở ra một cơ quan mới có nhiệm vụ giải quyết các quy định công nghệ.
Hughes nhấn mạnh: "Mark Zuckerberg không thể sửa đổi được Facebook". Và có lẽ thời điểm Hughes cũng có phần đúng. Thật khó để chờ đợi Mark lắng nghe được hết những phàn nàn của người dùng.
Đáp lại những chia sẻ trên của Hughes, mới đây trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình France 2, Mark Zuckerberg đã có đôi lời phân trần. Mark cho biết: "Những gì Hughes đề xuất chẳng giúp ích được gì cho Facebook". Sáng lập gia Facebook cho rằng, Facebook vẫn đang đi đúng hướng và đang không ngừng quan tâm nhiều hơn tới vấn đề chống độc quyền.