Với mức giá chỉ từ 100.000 đồng trở lên, các loại máy đo nồng độ cồn trong hơi thở được nhiều người lựa chọn. Hiệu quả của những thiết bị này có được như mong muốn?
Quy định nghiêm khắc áp dụng để xử phạt các trường hợp vi phạm quy định nồng độ cồn khiến nhiều tài xế, trong đó có cả chị em phụ nữ luôn thấp thỏm nếu trước đó đã sử dụng rượu, bia trước khi ra đường.
"Do đặc thù công việc, tôi vẫn có những buổi gặp gỡ, tiếp đối tác và có sử dụng rượu, bia. Nhấp môi một chút từ hôm trước, hôm sau ra đường tôi vẫn khá lo lắng, không biết nồng độ cồn trong khí thở của mình có nằm trong khung xử phạt hay không. Các bạn tôi cũng thế. Nếu biết chính xác nồng độ cồn trong hơi thở, chúng tôi sẽ quyết định việc nên hay không nên tự lái xe. Vì vậy, khi thấy trên thị trường có bán các loại máy cho phép xác định lượng cồn có trong hơi thở, tôi rất quan tâm", chị Hoàng Thùy Liên (Hà Nội) chia sẻ.
Tự kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở trước khi tham gia giao thông là mối quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những người chịu trách nhiệm lái xe. Chính vì vậy, các loại máy đo nồng độ cồn bán trên thị trường đang là sản phẩm được người tiêu dùng quan tâm. Thị trường những sản phẩm này cũng đa dạng, với đủ loại máy có nguồn gốc xuất xứ khác nhau, bán tại các cửa hàng hay trên sàn thương mại điện tử.
Đại diện cửa hàng bán máy móc chuyên dụng (phố Cầu Giấy, Hà Nội) giải thích: Máy đo nồng độ cồn trong hơi thở hay còn gọi là thiết bị đo nồng độ cồn, là sản phẩm cho phép xác định chỉ số độ cồn trong mẫu, cụ thể là trong hơi thở người. Dựa vào đặc điểm cấu tạo, ứng dụng, thương hiệu, dụng cụ kiểm tra nồng độ cồn được phân loại thành các dạng thích hợp để người dùng có thể có lựa chọn phù hợp, đáp ứng việc kiểm tra độ cồn trong hơi thở.
Được bán phổ biến nhiều trên thị trường hiện nay là loại máy đo nồng độ cồn cầm tay và máy thổi nồng độ cồn mini. Máy đo nồng độ cồn được bán với đủ mọi mức giá khác nhau, từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng cũng có; các loại máy vài triệu đến vài chục triệu đồng cũng có. Trong đó, các loại máy có xuất xứ Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản được bán phổ biến dưới 1 triệu đồng. Các loaju máy chính hãng có xuất xứ từ châu Âu như Đức, Anh… có giá bán cao hơn. Trong đó, loại máy đo nồng độ cồn mini cầm tay kích thước nhỏ gọn, với giá từ 200.000 đồng đến 800.000 đồng được người tiêu dùng ưa chuộng hơn cả.
Công dụng máy đo nồng độ cồn có như mong đợi?
Không khó để tìm kiếm và mua các sản phẩm được giới thiệu có công dụng đo nồng độ cồn trong hơi thở với công dụng nhanh, chính xác, kích thước nhỏ gọn. Đặc biệt, trên "chợ mạng", những sản phẩm này được quảng cáo rầm rộ, với nhiều ưu đãi kèm theo. Những lời quảng cáo này đã thu hút người dân mua để sử dụng, giúp chủ động hơn trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Tuy nhiên, công dụng của sản phẩm này có được như người tiêu dùng mong đợi?
Chị Hoàng Thùy Liên sau khi tham khảo các loại máy đo nồng độ cồn được chào bán trên mạng xã hội đã đặt mua một chiếc máy đo nồng độ cồn mini với giá 600.000 đồng. "Đây là loại máy được shop giới thiệu có lượt mua nhiều nhất, là hàng xách tay, dù không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt nhưng chất lượng đảm bảo. Tôi uống một chút rượu, sau khoảng 4 tiếng tôi sử dụng máy để thổi thử thì không thấy gì. Yên tâm lượng cồn đã bão hòa hết, tôi rất tự tin lái xe ra đường. Nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra bằng máy chuyên dụng, máy vẫn phát hiện tôi có vi phạm ở mức độ nhẹ, phải chịu phạt hành chính. Tôi thử nhiều lần, kết quả chiếc máy đều không chính xác".
"Tôi mua máy trên sàn thương mại điện tử, được khuyến mãi 30%, giá mua chiếc máy đo nồng độ cồn còn hơn 300.000 đồng. Nhưng tôi thất vọng ngay từ khi nhận hàng, bởi dù có thao tác đúng như trên tờ hướng dẫn sử dụng và video hướng dẫn của người bán thì máy vẫn không hiển thị kết quả", chị cho hay.
Đánh vào tâm lý muốn mua máy đo nồng độ cồn giá rẻ, kích thước nhỏ gọn của người tiêu dùng, hiện trên thị trường có nhiều sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan. Những loại máy này có thể cho những kết quả không chính xách, gây ảnh hưởng đến người sử dụng.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, nếu có nhu cầu mua máy đo nồng độ cồn, nên mua những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn. Đó là các loại máy được dán tem kiểm định, đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định theo văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam ĐLVN 107:2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ về phương tiện đo hàm lượng cồn trong hơi thở, được cấp chứng chỉ kiểm định như tem kiểm định, dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định theo quy định và tem còn thời hạn sử dụng.
Tuy nhiên, loại máy đo hiệu quả nhất để đảm bảo an toàn giao thông và phòng tránh vi phạm dành cho mỗi người vẫn là tuân thủ đúng quy định đã uống rượu bia thì tuyệt đối không lái xe.
Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021-NĐ-CP), cụ thể như sau: Mức phạt nồng độ cồn đối với xe đạp - Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền từ 80.000 đồng cho đến 100.000 đồng (Điểm q Khoản 1 Điều 8). - Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền từ 300.000 đồng cho đến 400.000 đồng (Điểm e Khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). - Vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (Điểm c Khoản 4 Điều 8). Mức phạt nồng độ cồn đối với xe máy - Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (Điểm c Khoản 6 Điều 6); tước GPLX từ 10 - 12 tháng (Điểm d Khoản 10 Điều 6). - Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/1 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng (Điểm c Khoản 7 Điều 6); tước GPLX từ 16 - 18 tháng (Điểm e Khoản 10 Điều 6). - Vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng (Điểm e Khoản 8 Điều 6); tước GPLX từ 22 - 24 tháng (Điểm g Khoản 10 Điều 6). Mức phạt nồng độ cồn đối với ô tô - Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng (Điểm c Khoản 6 Điều 5); tước GPLX từ 10 - 12 tháng (Điểm e Khoản 11 Điều 5). - Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (Điểm c Khoản 8 Điều 5); tước GPLX từ 16 - 18 tháng (Điểm g Khoản 11 Điều 5). - Vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng (Điểm a Khoản 10 Điều 5); tước GPLX từ 22 - 24 tháng (Điểm h Khoản 11 Điều 5). |
Theo Phụ nữ Việt Nam