Lãnh đạo Cục di sản cho rằng màu sơn của Nhà hát Lớn hiện nay là màu cơ bản chuẩn trong khi chuyên gia bảo tồn di tích thì khẳng định màu sơn hiện tại quá xấu.
Nhà hát lớn Hà Nội là Di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục các công trình kiến trúc trước những năm 1954 cần được bảo tồn. Việc Nhà hát Lớn đang trong quá trình sơn sửa lại với màu vàng chói lọi khiến nhiều người dân thủ đô cảm thấy lạ lẫm và tạo ra phản ứng không nhỏ trong giới kiến trúc sư.
Tuy nhiên, ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục di sản cho rằng màu sơn hiện tại ở Nhà hát Lớn là màu cơ bản chuẩn, đơn vị thi công có nói đây mới là sơn thử nghiệm, sau khi tham khảo ý kiến của Cục sẽ điều chỉnh màu đậm lên hoặc giảm tông để cho phù hợp.
Có 3 đầu 6 tay Cục cũng không thể làm hết được!
Về việc một công trình có ý nghĩ đặc biệt như vậy mà Cục di sản không hề hay biết gì, ông Thành nói hoạt động tu bổ Nhà hát Lớn là hoạt động thường niên hàng năm. "Vì năm nào Nhà hát Lớn cũng tu bổ sửa thường xuyên. Cục di sản đã giao cho Vụ kế hoạch đầu tư và Cục Mỹ thuật lên phương án duy tu cùng với đơn vị quản lý Nhà hát Lớn. Sau khi đã có có phương án cụ thể, Cục di sản mới có ý kiến. Trường hợp sơn lại Nhà hát Lớn vừa qua, vì họ chưa làm xong, mới lấy đó làm màu sơn thử nghiệm nên sau khi sơn thử nghiệm xong, họ mới trình Cục. Cục đang phối hợp với Viện bảo tồn di tích, Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm để đưa ra ý kiến cuối cùng cho màu sơn bên Nhà hát Lớn. Đậm lên hay nhạt đi còn phải chờ vào cuộc làm việc sắp tới", ông Thành cho hay.
Nhà hát Lớn đang được sơn lại với màu vàng chói lọi. Ảnh Mai Phương |
"Thực ra, phải phân cấp thì mới làm việc hiệu quả được, không phải cái gì cũng trình Cục với Bộ thì có 3 đầu 6 tay Cục cũng không thể làm hết được", ông Thành nói.
Khi phóng viên hỏi: Nếu là sơn thử nghiệm để chọn ra màu cuối cùng, sao không chọn mảng tường nhỏ nào đó rồi sơn, vừa đỡ tốn nguồn kinh phí lớn, vừa đỡ gây tranh cãi, hiểu lầm không tốt từ dư luận? Ông Thành trả lời vì tổng thể Nhà hát Lớn quá lớn, không thể lấy một chỗ nhỏ nhỏ thử nghiệm để sơn được mà cần phải sơn tổng thể mới có thể đánh giá được hết. Ông này cũng khẳng định thêm một lần nữa, màu hiện tại của Nhà hát Lớn bây giờ đã là màu cơ bản chuẩn.
Thế là làm bừa!
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Ban Mỹ thuật Cổ, Viện Mỹ thuật nêu ý kiến nếu nói là sơn thử nghiệm mà lại sơn mới 100% di tích như vậy là không nắm rõ quy trình bảo tồn, là làm bừa. "Nếu muốn sơn thử chọn màu sơn phù hợp thì chỉ sơn 1% đến 2% di tích mà thôi, đằng này lại sơn mới 100%. Với lại, Nhà hát lớn đã có màu gốc như vậy rồi, việc chọn pha màu phù hợp là điều dễ làm", ông Tuấn nói.
Trong khi đó, một chuyên gia về bảo tồn ở Viện bảo tồn di tích nhận định Nhà hát lớn đã là di sản, là di tích rồi thì đừng nên nghĩ tới mức độ công việc để xem xét xem cần xin phép ai hay không. Hơn nữa, theo vị chuyên gia này, đã sơn lại là thay đổi lại diện mạo của Nhà hát Lớn, thay đổi màu sắc cảnh quan đô thị xung quanh, thay đổi cả một tổng thể xung quanh như vậy đương nhiên là phải xin phép rồi và việc xin phép là bắt buộc.
Màu sơn hiện tại quá xấu
Vị chuyên gia này cho hay, màu sơn hiện tại xấu, quá vàng không đúng với lần trùng tu sơn lại năm 1996-97. "Mà thực ra, từ năm 96-97 tới nay, Nhà hát Lớn cũng đã sơn sửa lại rồi, chẳng qua vì màu sơn nó giống màu cũ nên mọi người mới không chú ý. Chứ màu như bây giờ thì nó 'đập' ngay vào mắt ấy chứ", vị chuyên gia này cho hay.
Trả lời trên báo chí, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - quyền Giám đốc Nhà hát lớn Hà Nội nói dự án này là sơn định kỳ chứ không phải là tu bổ, sửa chữa lớn nên không tổ chức cuộc họp. "Nếu đây là tu sửa ở mức lớn chúng tôi sẽ tổ chức cuộc họp để tham khảo các ý kiến của những người đi trước và các kiến trúc sư, các lãnh đạo ban, ngành. Đây chỉ sơn trên cái cũ và cũng đã hỏi ý kiến anh Lê Thành Vinh, là Viện trưởng Viện tu bổ di tích, là người cũng đã từng quản lý cái công trình này".
Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với ông Lê Thành Vinh, ông khẳng định trước khi làm, bà Nguyệt không hề hỏi ý kiến của ông. "Mới chỉ hôm qua, bà Nguyệt mới hỏi xin ý kiến của tôi. Bà Nguyệt nói vậy nhiều người không hiểu lại tưởng hỏi ý kiến của tôi trước khi làm. Như thế hóa ra tôi tư vấn màu sơn vậy à?", ông Vinh nói.
Sáng 23/7, VietNamNet đã liên hệ với GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản VN để hỏi về vụ việc nhưng ông trả lời đang bận. Tiếp tục liên hệ với PGS Đặng Văn Bài, phó chủ tịch thường trực Hội di sản Việt Nam, ông cho biết đang đi công tác ở miền núi, không cập nhật được thông tin về vụ việc nên cũng từ chối phát ngôn.
Bộ VHTTDL nói về màu sơn gây tranh cãi của Nhà hát Lớn Trước thông tin dư luận quan tâm về công trình cải tạo sơn tường và một số hạng mục bên trong Nhà hát lớn Hà Nội, PGS. TSKH Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức lên tiếng về vấn đề này. Bộ VHTTDL cảm ơn những đóng góp ý kiến quý báu của các chuyên gia, dư luận thời gian vừa qua đối với công trình cải tạo sơn tường và một số hạng mục bên trong Nhà hát Lớn Hà Nội. Người phát ngôn Bộ VHTTDL cho biết, nhằm hướng tới các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945- 02/9/2015), trước sự xuống cấp của một số hạng mục, Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội đã có báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép sơn bảo trì Nhà hát Lớn theo kế hoạch định kỳ. Ông Phan Đình Tân khẳng định, Nhà hát Lớn Hà Nội là công trình quốc gia trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (không phải công trình trực thuộc Hà Nội), việc triển khai cải tạo sơn tường hay cải tạo bên trong nhà hát, Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội đã thực hiện đúng quy trình, có xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền và được sự chấp thuận của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện. Về màu sơn, ông Phan Đình Tân khẳng định, khi tiến hành chọn màu sơn Bộ cũng đã lưu ý Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội phải lựa chọn màu sơn giống với màu sơn được sử dụng trong đợt trung tu năm 1997 - màu sơn này đã được các nhà nghiên cứu, các nhà kiến trúc và những nhà văn hóa chấp thuận. Theo báo cáo của Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội, đến thời điểm hiện tại việc sơn lại Nhà hát Lớn hà Nội mới chỉ vừa bắt đầu và ít nhất phải một tháng nữa mới hoàn thành. Ngoài lớp sơn đầu tiên đang được phủ lên Nhà hát Lớn, phía thi công sẽ phải sơn tiếp, vì vậy màu sơn một số cơ quan báo chí phản ánh vừa qua không phải là màu sơn cuối cùng, chắc chắn khi hoàn thành nước sơn chính thức sẽ giống với màu sơn được sử dụng trong đợt trung tu năm 1997. Thanh Liêm
|
Tình Lê