- Vừa chợp mắt, tôi đã bị đánh thức bởi những tiếng khóc, tiếng chửi, tiếng quát nạt của ai đó. Có lẽ, lại là cuộc hỗi chiến mẹ chồng nàng dâu của người hàng xóm cạnh nhà.
Bà H góa chồng từ hồi còn trẻ. Là một phụ nữ đẹp nên cũng có nhiều người đàn ông muốn gá nghĩa. Nhưng vì thương đứa con trai côi cút, bà không dám lấy ai. Tần tảo nuôi con, vượt qua biết bao khó khăn để D ăn học đến nơi đến chốn.
Mỗi lần đùa vui, D thường nịnh mẹ: Sau này, con chỉ lấy người mẹ ưng ý. Nghe những lời nói ấy, bà H như “nở từng khúc ruột”. Ít lâu sau, D đưa về cô bạn gái ra mắt mẹ. Nhìn cô bé xinh xắn, mau miệng bà cũng thầm ưng cái bụng.
Nhưng quen dần, bà nhận ra cô bé thường ít ý tứ, gặp gì nói đó, chẳng để ý đến ai. Với sự nhạy cảm của người từng trải, bà nghĩ: Thường những người vô ý là vô tâm nhưng D gạt đi: Đó chỉ là chuyện nhỏ, về nhà từ từ dạy cũng chưa muộn.
Thời gian đầu cửa nhà cũng yên ấm, D bận bịu đi làm suốt. Ở nhà, chỉ có hai người đàn bà, người thì cố chấp, nói dai. Người lại ít ý tứ, tính tình đành hanh vì được nuông chiều từ bé. Từ những mâu thuẫn nhỏ không giải tỏa cùng nhau nên ngày càng tích tụ. Nơi để hai mẹ con tâm sự, trách móc lẫn nhau là những người đàn bà hàng xóm nhiều chuyện. Nói đi thì nhẹ, nói lại thì nặng và những cuộc cãi vã ngày càng xuất hiện với tần số nhiều hơn trước.
Bị “kẹp” giữa bên tình, bên hiếu nên D vô cùng khó xử. |
Thời gian sau, cô con dâu sinh đôi hai quý tử trong một gia đình chỉ mình D là trai thì vị thế của cô nàng đã sang một “tầm cao” mới. Mỗi lần có chuyện không vừa lòng, cô vợ lại hù dọa dắt hai con bỏ đi để uy hiếp chồng. Bị “kẹp” giữa bên tình, bên hiếu nên D vô cùng khó xử. Hàng xóm thường không được yên bởi cứ “ năm bữa nữa tháng” họ lại bị tra tấn bằng những tiếng chửi, tiếng khóc của hai người đàn bà.
“Anh nói với mẹ anh, người đâu mà nói dai như đỉa, hở một tí là bắt bẻ, tôi không thể chịu đựng nổi nữa rồi!” “Cô ăn nói hỗn hào thế hả, dâu gì thứ như cô” quay sang D bà nói tiếp: “Mày lo dạy lại con vợ mày đi…”. Những lúc ấy, D không biết ứng xử sao giữa mẹ và vợ. Nhiều lúc anh lạnh lùng bỏ đi, mặc cho họ chửi rủa nhau thậm tệ, đôi khi căng thẳng quá đã có hàng xóm can ngăn. Vợ D bắt được “thóp” chồng nên càng ngày càng hỗn hào và không coi mẹ chồng ra gì. Nhiều lần anh chỉ biết la lên: “Tôi xin mấy người, không còn việc gì làm hay sao mà suốt ngày cãi nhau, chắc nhà này phải một người chết đi mới yên được…”.
Nghe con trai nói thế, bà uất nghẹn. Không ngờ, thằng con trai cả đời bà hy sinh, chăm bẵm, nay lại đối xử với mẹ như thế. Bà nghĩ: Nó nói một người chết đi có lẽ nó trông mình chết thật. Bà lặng lẽ đi mua chai thuốc sâu…
Bà tỉnh dậy khi thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Bà nghẹn ngào: sao không để cho tôi chết quách đi cho rồi… D ôm lấy mẹ an ủi: Mẹ yên tâm! Vợ con hứa từ nay không bao giờ cãi lời mẹ nữa!
Từ ngày đó, hàng xóm cũng không còn phải nghe tiếng cãi nhau của hai mẹ con bà. Vì suốt ngày, cô con dâu không nói với bà một tiếng ngoài mấy câu trả lời miễn cưỡng, nó xem bà như người thừa trong nhà. Nhưng đau khổ nhất là hai đứa cháu nhỏ cũng không còn trồ tríu bà như xưa. Ăn uống xong, cả gia đình nhỏ lên gác nói chuyện, đùa vui. Chỉ còn mình bà thui thủi, lặng lẽ, cô đơn ngay chính trong căn nhà của mình. Bà lại ước: Giá cứ cãi nhau như lúc trước có khi lại đỡ buồn hơn.
Phan Tuyết